Vì hơn 100 triệu người Trung Quốc không về nhà ăn Tết năm nay nên họ đã nghĩ ra những cách sáng tạo khác nhau để bù đắp cho truyền thống dùng bữa tối giao thừa đoàn viên, bằng việc đặt mua trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Kể từ ngày 20/1, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã vượt quá 700 tỷ nhân dân tệ (108 tỷ USD). So với cùng kỳ 2020, doanh số dịch vụ ăn uống trực tuyến đã tăng 50%. Guo Liyan, chuyên gia của Học viện Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho rằng, điều này phản ánh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng mùa Tết 2021.
Trong ba ngày qua trước Tết Nguyên đán, tức 9-11/2, lượng đơn hàng bữa tối bán thành phẩm trên nền tảng giao đồ ăn trực tuyến Ele.me đã tăng 4 lần so với năm ngoái. Vào đêm 30 Tết, lượng đơn hàng bữa tối giao thừa đã tăng 2 lần.
Với nhiều người ăn Tết tại nơi làm, thực phẩm mang đi trở thành nhu cầu tự nhiên trong giai đoạn này. Cụ thể, đơn hàng giao cho một người đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 28-30 Tết so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất và hạng hai. Ví dụ, ở Thâm Quyến, số lượt bữa ăn giao cho một người tăng 2,5 lần so với năm ngoái. Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Vũ Hán và Hạ Môn, tỷ lệ này là hơn 100%.
Trên Weibo, hashtag 100 triệu người Trung Quốc ở lại nơi họ đến làm việc để ăn mừng lễ hội mùa xuân nằm trong danh sách chủ đề nóng, với hơn 600 triệu lượt xem vào trưa Mùng 1 Tết (12/2). Nhiều cư dân mạng cho biết họ đã đặt hàng thực phẩm sơ chế để chế biến bữa tối giao thừa hoặc đặt theo thực đơn có sẵn từ các nhà hàng yêu thích.
"Là một người đến từ miền Nam Trung Quốc, tôi chưa bao giờ ăn bánh bao cho bữa tối giao thừa. Nhưng năm nay, tôi dùng nhiều bánh vì đang tổ chức lễ hội mùa xuân ở miền Bắc", một người cho biết. Tại miền Bắc nước này, bánh bao là món ăn phổ biến dịp Tết vì nó tượng trưng cho sự đoàn tụ và tài lộc.
Một số người ở lại các siêu đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu nói đùa rằng các đô thị của Trung Quốc cuối cùng không "trống trải và vắng vẻ" trong dịp Tết năm nay, so với mọi năm khi lao động nhập cư trở về quê với gia đình.
Doanh thu bữa tối gia đình đêm giao thừa của thương hiệu chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi sống Hema Fresh của Alibaba tăng 100% ở Thượng Hải, với các món theo khẩu phần nhỏ tăng 74% so với năm ngoái.
"Doanh số bán các khẩu phần nhỏ cho 4-6 thực khách tốt hơn nhiều so với các gói bữa ăn khác. Điều này cho thấy hầu hết mọi người đều ăn bữa tối giao thừa với các thành viên cốt lõi trong gia đình và chỉ số rất ít gia đình có nhóm họp lớn từ 10 người trở lên", bà Li Nan, Giám đốc PR của Hema Fresh nhận định.
Ngoài bữa tối gia đình, dán những câu đối với những lời chúc tốt lành cũng là một truyền thống khác trong dịp Tết của người Trung Quốc. Theo nền tảng thương mại điện tử Taobao, các cửa hàng lớn bán câu đối đã có mức tăng trưởng 43%. Mỗi ngày, hơn 5 triệu câu đối được bán ra.
Nhiều nhà hàng phục vụ ăn tại chỗ thì kéo dài giờ mở cửa kể từ đêm giao thừa để đáp ứng với lượng thực khách tăng cao. Nhân viên một nhà hàng vịt quay ở Bắc Kinh nói rằng khách đã đặt bàn trước cho đến Mùng 3. Thời gian mở cửa nhà hàng cũng tăng thêm một tiếng so với thường lệ trong mùa Tết.
Để thu hút khách hàng, nhiều trung tâm mua sắm cũng kéo dài giờ mở cửa. Tại Quảng Châu, Grandview Mall mở cửa sớm hơn 10 phút và đóng cửa muộn hơn nửa giờ so với thường lệ.
Hơn 130 triệu gói hàng chuyển phát nhanh đã được xử lý trên khắp đất nước vào đêm giao thừa và ngày Mùng 1, tăng 223% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc.
Mặc dù lễ hội mùa xuân năm nay giảm sút du lịch, người dân Trung Quốc vẫn có thể tìm thấy nhiều phương tiện giải trí như xem phim, trượt tuyết, thăm thú các công viên và đến phòng tập thể dục.
Doanh thu phòng vé vào Mùng 1 Tết ở Trung Quốc chỉ mới tính đến trưa đã đạt 1,5 tỷ nhân dân tệ (232 triệu USD), lập kỷ lục mới về doanh thu phòng vé trong một ngày ở Trung Quốc và phá kỷ lục phòng vé trong ngày của một thị trường đơn lẻ trên thế giới, theo nền tảng vé Maoyan.
Phiên An (theo Global Times)