Theo Bộ Công Thương, ngày mùng 3 Tết hoạt động thương mại đã bắt đầu khởi động. Hàng hóa tại một số vùng đang có dịch bệnh COVID-19 vẫn ổn định.
TP.Hà Nội:
Hiện tại, người dân thủ đô đã hạn chế hầu hết các hoạt động vui chơi ngày tết. Các điểm lễ hội, danh lam thắng cảnh, đình, chùa hoặc một số khu tâm linh và các điểm vui chơi không sôi động bằng các năm trước.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến mới. Việc kinh doanh trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh.
Bên cạnh tổ chức mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các cấp, ngành của TP.Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa trên thị trường. Trong đó, Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt kiểm tra cao điểm dịp Tết, tập trung vào việc phòng, chống buôn bán hàng cấm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thuốc lá, quần áo;
Các phòng, đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố trong tình hình diễn biến mới của dịch bệnh, trọng tâm là các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân;
Chú trọng để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; bán hàng hóa không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết.
TP.Hồ Chí Minh
Tình hình mua sắm trực tiếp trên địa bàn thành phố không sôi động như các năm trước, người dân hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người và chuyển sang hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi như Coop Mart, Bách hóa Xanh,…
Tại Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế Q.10, các điểm kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Giản Thanh, Tam Đảo, các nhà thuốc trên địa bàn Q.10 vẫn mở cửa bán các mặt hàng thuốc, khẩu trang y tế, trang thiết bị, vật tư y tế,... nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn ổn định, không có biến động, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm găm hàng, bán nâng giá.
Tại Quảng Ninh
Giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản không biến động, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực;
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không có điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa hoạt động.
Tại Hải Dương
Do đang là tâm dịch, tình hình kinh doanh, dịch vụ tại Hải Dương đang hạn chế, lượng mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa,.
Tuy nhiên, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến. Mặt hàng thiết yếu vẫn cung ứng đủ cho thị trường, giá cả đa số không tăng so với trước thời điểm công bố dịch.
Các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ tết lưu thông chậm do dịch bệnh, sức mua giảm. Tình hình thị trường tính đến ngày 14.2.2021 vẫn bình ổn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng phòng chống dịch và mặt hàng phục vụ Tết, không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định như khi không có dịch.
Tại một số địa phương khác
Tại một số tỉnh vùng biên như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Xem thêm: odl.304088-hnid-no-oad-iod-nav-91-divoc-hcid-oc-gnad-gnouhp-aid-cac-iat-aoh-gnah/et-hnik/nv.gnodoal