Chiều 14-2, có thêm 33 bệnh nhân Covid-19, số ca mắc tại Hải Dương tiếp tục tăng
T.H
(TBKTSG Online) - Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 14-2, Việt Nam ghi nhận 33 ca mắc mới (BN2196-2228), trong đó có 31 ca tại Hải Dương và 2 ca tại Hà Nội.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 14-2, Việt Nam đã ghi nhận 2.228 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.330 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 (đợt bùng phát dịch lần thứ tư) đến nay là 637 ca.
Trong 31 ca ghi nhận tại tỉnh Hải Dương - các ca bệnh 2196-2205, 2208-2228 (BN2196-2205 và 2208-2228) - có 29 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung từ trước, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng và 2 ca trong khu vực đã được cách ly phong tỏa.
Ca bệnh 2206 (BN2206) ghi nhận tại Hà Nội: nữ, 58 tuổi, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Các nhân viên y tế thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh. Ảnh: TTXVN phát |
Một người Nhật tử vong ở Hà Nội dương tính với nCoV
Chiều 14-2, Sở Y tế Hà Nội xác nhận người đàn ông quốc tịch Nhật Bản tử vong tại khách sạn Somerset West Point ở quận Tây Hồ, xét nghiệm dương tính với nCoV.
Giới chức Hà Nội đã cách ly khách sạn với 139 khách và nhân viên, sau khi phát hiện người này dương tính.
Người này thuê phòng ở tầng 9 khách sạn Somerset West Point, được phát hiện tử vong tối 13-2. Điều tra dịch tễ cho thấy người này sinh năm 1967, nhập cảnh Việt Nam ngày 17/1, cách ly tập trung tại phường 2, quận Tân Bình, TP HCM.
Trong thời gian cách ly tập trung, người này 2 lần xét nghiệm âm tính với nCoV vào ngày 17-1 và 31-1. Sau thời gian cách ly tập trung, ông đi máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội, tiếp tục tự cách ly tại khách sạn nói trên từ khoảng 2 giờ chiều ngày 1-2. Ngày 13-2 là ngày thứ 13 người này thuê phòng tại đây.
Sau khi nhận được thông tin, Đội đáp ứng nhanh số 3 Trung tâm Y tế quận Tây Hồ phối hợp cán bộ Trạm Y tế Quảng An tiến hành điều tra. Hiện chưa rõ nguyên nhân người này tử vong.
Đội đáp ứng nhanh số 3 lấy mẫu người tử vong, phun khử khuẩn khu vực lấy mẫu và xung quanh khách sạn. Kết quả xét nghiệm mẫu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội người này dương tính với nCoV.
Đại sứ quán Nhật Bản gọi xe chuyên dụng chuyển thi thể người này đến Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tầng 9 khách sạn nơi người đàn ông này thuê có 14 phòng và 12 người lưu trú.
Vào 17 giờ 30 ngày 14-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo những ai từng gặp bệnh nhân Nhật Bản nói trên, từng đến 7 địa điểm cùng thời điểm, liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn, hoặc gọi điện thông báo đến số điện thoại: 0969082115, 0949396115. Cụ thể 7 địa điểm sau:
1. Khách sạn Ibis, TPHCM, đêm 31-1-2021.
2. Chuyến bay VN254, từ 11h00-13h20 ngày 1-2-2021, từ TPHCM ra Hà Nội.
3. Khách sạn Somesert Westpoint, số 2 đường Tây Hồ, Quảng An, quận Tây Hồ, từ ngày 1 đến 13-2-2021.
4. Tòa nhà Sun Red River, số 23, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm (P903 và nhà hàng Tokyo Red Grill tầng 2, từ 12h-13h ngày 2-2-2021).
5. Nhà hàng Hachi ju hachi, số 168 Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, từ 18-20h ngày 3-2-2021.
6. Phòng khám bệnh Raffles Medical, số 51 Xuân Diệu, Quảng An, quận Tây Hồ, sáng 4-2-2021 và ngày 8-2-2021.
7. Nhà hàng Torikichi, số 75 Kim Mã Thượng, Linh Lang, quận Ba Đình, từ 19h-21h ngày 5-2-2021.
Số ca nhiễm tại Hải Dương tiếp tục tăng
Chiều ngày 14-2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã đồng chủ trì hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dù chúng ta kiểm soát được tình hình chung nhưng trong từng đơn vị cụ thể vẫn còn nhiều phức tạp, Hải Dương phải hết sức lưu ý ổ dịch Cẩm Giàng “đây là mối lo ngại của chúng tôi” đồng thời lưu ý tỉnh cũng phải chú trọng công tác phòng chống dịch tại các ổ dịch Kinh Môn, Nam Sách.
Hội nghị kết nối đến các điểm cầu huyện, thành phố và các bệnh viện dã chiến đang điều trị bệnh nhân Covid-19.
Để triển khai các biện pháp chống dịch, Hải Dương đã phong toả 66 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 103 khu cách ly tập trung, trong đó nhiều nhất là Chí Linh với 29 khu cách ly, tiếp đến là Kinh Môn với 27 khu cách ly.
Nhận định về tình hình của các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Lương Văn Cầu cho hay: ổ dịch Chí Linh có 234 ca mắc, trong đó có ca xét nghiệm đến lần thứ 3 mới dương tính; 6099 trường hợp F1 đã xét nghiệm ít nhất 2 lần. “Cơ bản ổ dịch này đã được khống chế”, ông Cầu nhấn mạnh.
Về ổ dịch Kinh Môn với 58 ca mắc, trong 7 ngày gần đây chỉ có 9 ca mắc ( tất cả đều đã được cách ly); 3729 F1 đã được xét nghiệm. Ông Cầu cũng khẳng định: “Cơ bản ổ dịch này đã được khống chế”.
Đối với ổ dịch Cẩm Giàng ghi nhận 49 ca mắc, tổng số F1 là 1550 đã xét nghiệm hết. Tuy nhiên trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch trong khu công nghiệp, trong đó riêng công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc. Hiện tất cả công nhân của công ty này (hơn 400 người) đều cách ly tập trung tại các địa phương. Đối với công nhân tại các tỉnh khác, Sở Y tế đã thông báo đến các địa phương tổ chức cách ly tập trung, theo dõi giám sát công nhân và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện ca bệnh nào là công nhân của công ty này tại các địa phương khác.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng, ổ dịch trên địa bàn này còn diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người liên quan đến quán karaoke, đang tiếp tục truy vết ổ dịch Nam Sách có 26 ca bệnh, 514 F1 đã xét nghiệm 100%. Hiện ổ dịch này vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong toả...
Bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh Hải Dương nghiên cứu áp dụng theo Chỉ thị 16 ở diện rộng hơn (hiện mới thực hiện tại 1 huyện,1 thành phố) để chúng ta không đi chậm hơn dịch.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày (sáng 14-2), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho gần 1.500 công nhân của các công ty tại các khu công nghiệp ở huyện Cẩm Giàng, trước khi các doanh nghiệp này đi vào sản xuất ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Cụ thể, Hải Dương đã lấy mẫu cho 768 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử UMC tại Khu công nghiệp Tân Trường và gần 700 công nhân công ty Best Pacific thuộc Khu công nghiệp Cẩm Điền; 8 người của Công ty xăng dầu Đại An.
Công ty TNHH điện tử UMC có 2.500 công nhân và công ty Best Pacific có 1.250 công nhân.
Đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng việc lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trước khi làm việc trở lại sau Tết là rất đúng đắn.
Trong đợt xét nghiệm này, Hải Dương áp dụng công nghệ lấy mẫu mới, công suất cao hơn và độ chính xác cao hơn. Song song với phương pháp lấy mẫu xét nghiệm truyền thống, lần này tỉnh sẽ đưa một phần mềm công nghệ thông tin vào triển khai.
Theo đó khâu nhập dữ liệu được kết nối với máy xét nghiệm để cho ra kết quả tự động một cách nhanh, chính xác, đồng bộ. Nếu việc này hoàn thiện và triển khai trên diện rộng, sẽ đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, tốc độ thống kê dịch tễ với tốc độ xét nghiệm của các máy là như nhau trong thời gian thực, từ đó, tiết kiệm nhân công và đảm bảo tuyệt đối chính xác dữ liệu.
Theo TTXVN, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội