vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành Ngân hàng hỗ trợ tốt hơn nữa người dân, doanh nghiệp

2021-02-15 08:21

“Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tín dụng, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch. Năm 2021, ngành Ngân hàng sẽ nỗ lực để làm tốt hơn nữa công tác này” - ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết.

Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Năm 2020 đầy biến động đã qua, nhìn lại, ông đánh giá thế nào về tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam?

- Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động tới mọi mặt kinh tế - xã hội của hầu hết quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. COVID-19 đã khiến mọi hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp nhất giai đoạn 2011-2020.

Trong năm, cả nước có 101.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - đây là con số kỷ lục. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia kinh tế đánh giá là có sức chống chịu khá cao và là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng GDP dương. Lạm phát mức dưới 4%.

Về phía ngành Ngân hàng, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là hơn 2,3 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 27% tổng dư nợ nền kinh tế. Do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với các năm trước, 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 3,65% là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy vậy, từ tháng 7, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tín dụng dần phục hồi, hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt trên 12% so với cuối năm 2019.

Khó khăn cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn, vậy Ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp gì, thưa ông?

- Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng tín dụng năm 2020 khoảng 14%. Tuy vậy, dựa trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng: Ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với những tổ chức tín dụng giảm mạnh lãi suất cho vay, chất lượng tín dụng tốt hoặc tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Chúng tôi kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 và Thông tư 02 tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng. Tính đến ngày 25.12.2020, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ 355.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng; cho vay mới ưu đãi lãi suất với doanh số lũy kế từ ngày 23.1.2020 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỉ đồng cho hơn 390.000 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168.000 khách hàng với dư nợ hơn 4.000 tỉ đồng, cho vay mới trên 2 triệu ​khách hàng với số tiền trên 72.500 tỉ đồng.

Trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với quy mô lớn với tổng mức giảm khoảng 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,6%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, đảm bảo an toàn tài chính; tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Các công cụ chính sách tiền tệ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt.

Các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thanh toán trực tuyến, được đẩy mạnh. Hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước giảm gần 300 tỉ đồng, toàn hệ thống ngân hàng miễn khoảng 1.000 tỉ đồng phí và dịch vụ hỗ trợ khách hàng.

Các tổ chức tín dụng đã vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường... Bước đầu như vậy phản ánh những cố gắng của toàn ngành Ngân hàng cùng đồng lòng chung sức với người dân, doanh nghiệp, với Chính phủ và các bộ ngành trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tăng trưởng tín dụng trên 12% của năm 2020 đã góp phần không nhỏ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm.

Ông nhận định thế nào về năm 2021?

- Năm 2021, theo tôi, sẽ có những tích cực như: Chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và kích thích sự phát triển nền kinh tế.

Dòng vốn rẻ và dòng tiền nhàn rỗi được hấp dẫn vào các kênh đầu tư và sản xuất. Hoạt động kiểm soát dịch hiệu quả giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giúp doanh nghiệp phục hồi hiệu quả hơn dẫn tới kỳ vọng tăng trưởng GDP tốt ở mức 6%-6,5% cho năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn còn những điều tiêu cực cần thận trọng như dịch bệnh nhiều khả năng vẫn còn hoành hành và vaccine chưa kỳ vọng sẽ phổ biến đến toàn dân tại các quốc gia ít nhất hết quý II/2021.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của địa chính trị và thương mại toàn cầu sẽ ít nhiều ảnh hưởng tâm lý thị trường chung và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam…

Đối với ngành Ngân hàng, 3 vấn đề đáng quan tâm là: Rủi ro nợ xấu gia tăng do khó khăn của người vay vì tác động của dịch và thiên tai; quá trình tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng để nâng cao năng lực tài chính bị chậm lại vì lợi nhuận suy giảm; hiệu quả tín dụng bị ảnh hưởng vì dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển quá nhanh tạo áp lực cho thị trường tín dụng.

Trong một bối cảnh như vậy, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp, định hướng điều hành tín dụng như thế nào?

- Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, tập trung vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, dự án hiệu quả; kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Chỉ đạo tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo Thông tư 01, đẩy mạnh cho vay mới để người dân, doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh; phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân; đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận và vay mới nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời xử lý khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch.

Việc triển khai các giải pháp trên của ngành Ngân hàng cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ các vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tạo sức cầu về tín dụng; qua đó tạo điều kiện để các giải pháp, chính sách tín dụng triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Xem thêm: odl.441578-peihgn-hnaod-nad-iougn-aun-noh-tot-ort-oh-gnah-nagn-hnagn/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành Ngân hàng hỗ trợ tốt hơn nữa người dân, doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools