vĐồng tin tức tài chính 365

Phát súng báo thù của bà mẹ mất con

2021-02-15 14:45

Vụ báo thù năm 1981 của Marianne Bachmeier được đài NDR mô tả là "vụ án công lý tự xử gây chú ý nhất trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến".

Trước khi được biết đến với biệt hiệu "bà mẹ báo thù", Marianne, sinh năm 1950, chỉ là người mẹ đơn thân có cuộc sống vất vả tại thành phố Lubeck. Cô mở quán bar, sống "vui tươi và cởi mở", nuôi con gái Anna, 7 tuổi.

Bi kịch ập đến với mẹ con Anna vào ngày 5/5/1980. Sau khi cãi nhau với mẹ, Anna trốn học hôm ấy và tới nhà bạn chơi. Nhưng giữa đường, em bị Klaus Grabowski, gã hàng xóm 35 tuổi làm nghề đồ tể, bắt cóc.

Klaus Grabowski. Ảnh: YouTube.

Klaus Grabowski. Ảnh: YouTube.

Trước đó, Grabowski có tiền án lạm dụng tình dục hai trẻ em. Trong quá trình ngồi tù, hắn tự nguyện bị thiến vật lý vào năm 1976, hai năm sau thì được tham gia trị liệu hormone. Nhưng dường như những biện pháp này không đủ ngăn Grabowski tái phạm.

Theo điều tra viên, Grabowski giữ Anna ở nhà riêng trong nhiều giờ trước khi sát bại bằng quần tất. Không rõ Grabowski có tấn công tình dục cô bé hay không nhưng hắn giấu xác Anna trong hộp các-tông rồi đem chôn qua loa trên bờ kênh gần đó.

Grabowski bị bắt ngay tối hôm đó sau khi bị vợ chưa cưới tố cáo. Tại cơ quan điều tra, Grabowski thừa nhận đã siết cổ Anna nhưng phủ nhận lạm dụng tình dục. Hắn khai gây án sau khi bị nạn nhân tống tiền. Theo Grabowski, Anna cố gắng dụ dỗ và còn dọa sẽ mách mẹ về việc bị dâm ô nếu hắn không đưa tiền cho cô bé.

Lời khai của Grabowski khiến cơn giận của Marian Bachmeier sục sôi. Cơ hội báo thù của bà mẹ cuối cùng cũng đến khi Grabowski bị đưa ra tòa về tội Giết người vào một năm sau.

Trong hai ngày đầu tại tòa, luật sư bào chữa khẳng định Grabowski gây án do mất cân bằng nội tiết tố xuất phát từ việc được điều trị bằng liệu pháp hormone sau khi tình nguyện bị thiến nhiều năm trước.

Vào 6/3/1981, ngày thứ ba của phiên tòa, Marianne Bachmeier lén cất khẩu súng lục cỡ đạn 5,6 mm trong túi xách. Khi gặp Grabowski tại sảnh tòa án, Marianne bóp cò 8 lần. Trúng 7 phát đạn trúng lưng, Grabowski chết ngay trên sàn tòa án.

Một số nhân chứng kể Marianne đã có nhiều lời nói tự buộc tội sau khi bắn Grabowski. Nữ thẩm phán từng trò chuyện với Marianne cho biết đã nghe thấy bà mẹ mất con nói: "Hắn đã giết con gái tôi... Tôi muốn bắn vào mặt hắn nhưng chỉ bắn được vào lưng. Tôi chỉ mong hắn chết đi." Hai cảnh sát cũng khẳng định đã nghe thấy Marianne mắng Grabowski là "đồ con lợn" sau khi nổ súng.

Ngày 2/11/1982, bà mẹ mất con bị khởi tố về tội Giết người.

Khi bị đưa ra xét xử, Marianne khai mang súng trong người nhưng không có ý định giết Grabowski cho tới khi nghe tin hắn định đặt điều về Anna trước tòa.

Marianne Bachmeier. Ảnh: Patrick PIEL/Gamma-Rapho.

Marianne Bachmeier. Ảnh: Patrick PIEL/Gamma-Rapho.

Luật sư bào chữa yêu cầu tòa tuyên trắng án trên căn cứ Marianne không làm chủ được hành động. Phía bào chữa còn cho rằng chính quyền cũng có một phần lỗi khi cho phép Grabowski tham gia trị liệu hormone, qua đó khiến hắn khôi phục ham muốn tình dục và có hành động xâm hại Anna.

Phiên tòa xét xử Marianne thu hút sự chú ý lớn của truyền thông. Nhiều đoàn làm phim trên thế giới tới thành phố Lubeck để đưa tin về phiên tòa. Nhưng thứ làm dấy lên nhiều tranh luận nhất lại là những chi tiết trong cuộc đời của Marianne.

Sau khi chi tiền để hưởng độc quyền câu chuyện đời Marianne, tạp chí hàng tuần Stern đăng một loạt bài về phiên tòa cũng như khai thác cuộc sống của Marianne ở khía cạnh bà mẹ đơn thân có xuất thân khó khăn.

Thiếu vắng tình yêu của mẹ, bị bố nghiện rượu bỏ rơi, thường bị cha dượng đánh đập, Marianne đã mang thai đứa con ngoài giá thú đầu tiên ở tuổi 16. Ba năm sau, cô bị cưỡng hiếp khi đang mang thai đứa thứ hai. Cả hai đứa con sau khi sinh đều sớm được trao cho người khác nhận nuôi.

Theo chuyên gia tâm lý, trải nghiệm tuổi thơ cùng những cuộc tình bất hạnh đã khiến Marianne có tâm lý không ổn định và là "con mồi dễ dàng" với đàn ông. Vì thế, Anna, đứa con thứ ba và cũng là đứa con được yêu thương nhất, có vai trò như người bạn và cố vấn của Marianne.

Những bài báo nhận được nhiều phản hồi từ độc giả. Họ tranh luận liệu Marianne là người mẹ quẫn trí tìm cách trả thù cho con gái, hay hành động tự xử đã khiến cô cũng trở thành kẻ giết người máu lạnh. Nhiều người tỏ ra đồng cảm với động cơ nhưng vẫn lên án hành động của Marianne.

Ngoài vấn đề đạo đức, vụ án cũng làm nảy sinh câu hỏi pháp lý: Liệu hành động nổ súng có yếu tố dự mưu hay không, và hành vi ấy là giết người hay ngộ sát. Phán quyết khác nhau sẽ dẫn tới hình phạt khác nhau.

Với chứng cứ được đưa ra tại tòa, cơ quan công tố quyết định thay đổi tội danh từ Giết người sang Ngộ sát và đề nghị mức án 8 năm tù. Cuối cùng, tháng 3/1983, Marianne bị tòa kết tội Ngộ sát và phạt 6 năm tù.

Trước bản án, theo khảo sát của Viện Allensbach, 28% người Đức cho rằng 6 năm tù là thích đáng. 27% nhận định bản án quá nặng, trong khi 25% tin rằng án tù như vậy quá nhẹ.

Tháng 6/1985, Marianne ra tù sau khi chấp hành nửa bản án. Cô chuyển đến Nigeria, lập gia đình và sống ở đó cho đến thập niên 1990. Sau ly hôn, cô chuyển đến sống tại Sicily (Italy), tới khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy thì trở về Đức.

Ngày 21/9/1995, trong lần xuất hiện trên một talkshow, Marianne thừa nhận đã bắn Grabowski sau khi suy nghĩ kỹ với mục đích đảm bảo pháp luật được thực thi và để ngăn hắn tung lời dối trá về Anna.

Marianne chết vào ngày 17/9/1996 ở tuổi 46 và được chôn bên cạnh Anna.

Quốc Đạt (Theo BBC, UPI, Murderpedia)

Xem thêm: lmth.2054324-noc-tam-em-ab-auc-uht-oab-gnus-tahp/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phát súng báo thù của bà mẹ mất con”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools