GS Nguyễn Tài Thu - Ảnh: NNVN
GS Nguyễn Tài Thu (sinh năm 1931) là bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam, là người khai sinh ra kỹ thuật tân châm (châm cứu mới), châm cứu bằng kim to, kim dài gấp cả chục lần so với châm cứu truyền thống, tác động điều trị tốt hơn nhiều lần.
Linh hồn 'bệnh viện ông Tài Thu'
Nói đến lĩnh vực châm cứu Việt Nam, không ai không biết đến GS Tài Thu. Ngay cả Bệnh viện Châm cứu trung ương hiện nay, nơi GS Thu đã có hơn 20 năm giữ vị trí Viện trưởng và sau đó là Giám đốc Bệnh viện, người ta vẫn quen gọi bằng cái tên "Bệnh viện ông Tài Thu".
Con rể của GS Thu kể rằng ông bắt đầu theo nghề châm cứu năm 1952, khi còn là chàng trai trẻ Nguyễn Tài Thu và sang Trung Quốc học y học cổ truyền. Kỹ thuật châm cứu cổ xưa với đặc tính giúp trị tận gốc các căn bệnh khó đã khiến ông say mê.
Về nước cuối những năm 1950, GS Thu bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật mới, sau này được gọi là "tân châm".
"Châm cứu truyền thống sử dụng kim dài 1-5 cm, nhưng tân châm, trong đó có đại trường châm, mãng châm... sử dụng kim dài 30, thậm chí 40-50cm, châm xuyên qua các huyệt vị, tác động mạnh và nhanh hơn, liệu trình điều trị rút ngắn", bác sĩ Đặng Thị Hoàng Tuyên chia sẻ.
Sau này, GS nghiên cứu ra kỹ thuật thủy châm, là châm cứu đưa thuốc vào các huyệt, hiệu quả điều trị rất tốt và giờ đây các thế hệ bác sĩ châm cứu đi sau đều đang sử dụng...
Bác sĩ Tuyên về công tác tại Viện Châm cứu Việt Nam năm 1991, kỷ niệm về người thầy, người thủ trưởng là GS Tài Thu khi đó vẫn ấn tượng đến bây giờ, thậm chí là theo bà suốt cuộc đời.
"GS hướng dẫn chúng tôi từ cách cầm kim, cách làm sao để bệnh nhân đỡ đau khi châm, chỉ cho bác sĩ mới cả chỗ gửi xe. Cả cuộc đời GS dành tất cả tâm huyết cho châm cứu. Ông là người cha tinh thần của chúng tôi" - bác sĩ Tuyên rưng rưng.
"Ngoại giao châm cứu"
Khái niệm kỳ lạ này chính là nhờ công việc mà GS Thu đã phát triển: mở Trung tâm điều trị bằng châm cứu tại Nga, Mexico... Đến nay các bác sĩ của Bệnh viện Châm cứu trung ương vẫn luân phiên đi làm việc tại các nước này. Có 39 nước có bác sĩ sang học tại Bệnh viện Châm cứu trung ương hoặc bệnh viện cử bác sĩ sang giảng dạy.
Các bác sĩ "tây" vốn quen với tây y, với thuốc, với phẫu thuật, nay quen với một kỹ thuật mới là cầm kim châm cứu. Đó là bắt đầu từ công việc "ngoại giao châm cứu" mà GS Tài Thu khởi xướng và đeo đuổi.
Bác sĩ Nguyễn Bá Quang, nguyên giám đốc Bệnh viện Châm cứu trung ương, nói ông đã có hơn 40 năm được làm việc và đồng hành cùng GS Tài Thu với tư cách một học trò, một người đồng nghiệp.
Bác sĩ Quang kể từ những năm 1980, khi GS Thu được mời đi giảng dạy ở nước ngoài, khi đó cuộc sống còn khó khăn, GS đã dành tiền thù lao mua cho mỗi đồng nghiệp một khúc vải đẹp may áo. "Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm đó" - bác sĩ Quang cho hay.
Là người góp phần quan trọng làm hưng thịnh lại ngành châm cứu Việt Nam, ít ai biết rằng GS Tài Thu đã dày công nghiên cứu ra các kỹ thuật mới từ khi mới về nước làm việc. Đến năm 1971, khi thương bệnh binh từ chiến trường bị chấn thương sọ não, tủy sống dẫn đến bị liệt nhiều, GS Thu và các đồng sự đã đưa tân châm ra ứng dụng trên lâm sàng.
"Điều tôi khâm phục nhất ở GS Thu là cách GS mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào điều trị", bác sĩ Quang nói.
Cả cuộc đời dành cho phát triển ngành châm cứu, GS Tài Thu canh cánh trong lòng nỗi buồn: người con trai GS đã qua đời khi còn rất trẻ, lúc đang đi học ở nước ngoài.
Ông từng nói vì con trai mất đột ngột nên đến khi ngoài 80 ông vẫn khóc, nhưng chỉ khóc thầm, vì sợ vợ và con gái trông thấy, lại buồn. Niềm đau ấy ông giữ ở trong lòng.
Giờ đây GS đã đến gặp con trai.
Tạm biệt ông, một huyền thoại...
GS Nguyễn Tài Thu (1931-2021), quê quán xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Khi đang học năm thứ nhất ĐH Y khoa, ông được cử đi học y 6 năm tại Trung Quốc.
Về nước, ông đã nghiên cứu sâu về châm cứu mới, ông đã viết hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận Đông y như Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Thủy châm, Nhĩ châm, Mai hoa châm, Điện châm… làm "cẩm nang" cho hàng ngàn y, bác sĩ sau này.
Ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được tặng thưởng Huân chương Độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác.
TTO - Giáo sư Nguyễn Tài Thu, bậc thầy ngành châm cứu Việt Nam, đã qua đời sáng nay 14-2, mùng 3 Tết, hưởng thọ 90 tuổi.