Giữa tâm dịch, hàng qua cảng quốc tế Long An vẫn đạt 100.000 tấn một tháng
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Tháng 1-2021, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, cảng quốc tế Long An vẫn thông quan được hơn 100.000 tấn hàng hoá. Trong tháng 2-2021 dù là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, cảng vẫn tấp nập những chuyến tàu đến làm hàng.
Lãnh đạo Chính phủ tặng quà cho người lao động làm việc xuyên Tết tại Cảng quốc tế Long An. Ảnh: Lê Phan |
Ngày 15-2 (mùng 4 Tết Tân Sửu), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm Cảng quốc tế Long An.
Báo cáo về tình hình khai thác của cảng, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm (chủ đầu tư Cảng quốc tế Long An) cho biết, trong tháng 1-2021, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid 19 có nguy cơ bùng phát trở lại, cảng Quốc tế Long An vẫn thông quan được hơn 100.000 tấn hàng hoá. Sang tháng 2, mặc dù là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nhưng cảng vẫn tấp nập những chuyến tàu đến làm hàng.
Để đảm bảo hoạt động, công nhân và người lao động tại cảng phải thay phiên nhau vận hành liên tục để cảng hoạt động xuyên Tết, đáp ứng mọi nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.
Hiện nay, cảng Long An vận chuyển đa dạng các loại hàng hóa từ hàng rời, khí hóa lỏng đến việc vận chuyển các thiết bị điện gió. Hôm 22-1, Cảng Quốc tế Long An (cảng Long An) đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Đặng Gia để vận chuyển các thiết bị phục vụ cho việc xây dựng dự án điện gió Kosy Bạc Liêu.
Năm ngoái, cảng quốc tế Long An đã ký kết hợp tác chiến lược với các cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hợp tác kết nối, giúp các doanh nghiệp giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tối đa hóa hiệu quả trong hoạt động.
Nói về lợi thế của cảng Quốc tế Long An khi đến thăm cảng ngày 15-2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, từ trước đến nay, hàng hóa từ các tỉnh miền Tây muốn xuất khẩu ra thế giới phải đến TPHCM, qua cảng Sài Gòn và các cảng lân cận để xuất khẩu, chi phí vận chuyển và logistics cao. Khi có Cảng Quốc tế Long An hàng hóa xuất khẩu đi từ đây sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và đặc biệt là giảm áp lực giao thông cho khu vực TPHCM.
Theo ông Thể, sắp tới khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào khai thác, Cảng Quốc tế Long An sẽ trở thành cảng biển cửa ngõ quốc tế lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới.
Cảng Quốc tế Long An có diện tích 147 héc ta, gồm bảy cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 - 70.000 DWT, tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m và bốn bến sà lan tiếp nhận được sà lan 2.000 tấn.
Được biết, cảng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý xin mở rộng quy mô, để đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT. Dự kiến, việc mở rộng sẽ hoàn tất vào năm 2023-2024, nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368 m. Quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt hơn 80 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn có kế hoạch xây dựng cầu cảng hàng lỏng, chuyên dụng để phục vụ cho các tàu hoạt động trong lĩnh vực khai thác chuyên chở khí, dầu và các loại hàng lỏng khác, đưa Cảng Quốc tế Long An trở thành một cảng biển đa năng.
Mời xem thêm:
Cảng quốc tế Long An sẽ vận chuyển thiết bị đến dự án điện gió Kosy Bạc Liêu