Doanh nghiệp Việt ‘đổi vận’ nhờ chuyển đổi số
Vân Phong
(TBKTSG Online) - Chuyển đổi số là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tăng trưởng sau dịch.
Một buổi hội thảo trực tuyến do Tập đoàn FPT tổ chức. Ảnh: DN cung cấp. |
Năm thiệt hại từ biến cố Covid-19
Ba đợt bùng phát của dịch Covid-19 tại Việt Nam đã tạo ra tác động phức tạp và dài hơi với cộng đồng doanh nghiệp, khiến 107.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2020, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng theo cơ quan này, 46.592 doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn sau 11 tháng đầu năm 2020, tăng 62,2% so với năm 2019. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở 17 lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó sáu lĩnh vực có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất gồm: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác.
“Nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng diễn biến thị trường sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp,” theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - CEO công ty TNHH Hải Nam - cho biết, doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó khăn do hàng hóa không bán được, phải lưu kho bãi, tăng chi phí khi dịch Covid-19 bùng phát. “Kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản dự kiến sụt giảm khoảng 6%. Với Hải Nam, doanh số năm nay có thể giảm 10%. Thậm chí doanh số của công ty có thể giảm tới 30% tại thị trường châu Âu”, bà Sắc nói tại một hội thảo.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – chia sẻ, hàng loạt đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may bị giảm sâu trong quý 2-2020, sau khi trải qua tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quý 1.
Thậm chí, số lượng đơn đặt hàng sản phẩm áo vét và sơ mi - những mặt hàng có giá trị gia tăng cao của ngành dệt may Việt Nam - trong 10 tháng đầu năm 2020 đã giảm khoảng 80% so với cùng giai đoạn của năm 2019. “Một số nhà máy giảm số giờ làm trong tuần, những đơn vị giảm nhiều nhất là khoảng 15 ngày. Họ phải đóng cửa nhà máy để cân đối lại nguồn hàng, nguyên phụ liệu,” ông Giang chia sẻ.
Còn ông Hoàng Việt Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT - nhận định, thiệt hại từ Covid-19 có thể phân loại thành năm nhóm, gồm: tổn thất doanh thu, cạn kiệt nguồn vốn lưu động, mất tinh thần đội ngũ, gián đoạn chuỗi cung ứng, bộc lộ sự thiếu hiệu quả tích tụ trong vận hành.
Bước ‘chuyển mình’ của doanh nghiệp Việt
Ông Hoàng Việt Anh cho rằng, chuyển đổi số là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng tốc độ khôi phục, tăng trưởng khi dịch Covid-19 đi qua.
“Công nghệ là chìa khoá để mở ra cơ hội phát triển thông qua tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn khó khăn”, ông Việt Anh phân tích.
Ông Hoàng Việt Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ tại DX Day 2020. Ảnh: DN cung cấp. |
Một trong những câu chuyện chuyển đổi số thành công tại Tập đoàn FPT chính là Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom). Theo đó, doanh nghiệp đã triển khai nền tảng phân công tối ưu cho 6.500 nhân viên kỹ thuật dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
“FPT Telecom thực hiện công việc tối ưu dựa vào năng lực, thời gian, vị trí địa lý của từng nhân viên bằng Core AI engine. Sau 12 tháng, giải pháp này giúp công ty tiết kiệm 65 tỉ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27,6% năng suất lao động”, ông Việt Anh cho biết.
Cũng theo ông Việt Anh, FPT Telecom đã ra mắt ứng dụng HiFPT trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số. Ứng dụng này cho phép khách hàng dễ dàng liên hệ, theo dõi, lựa chọn dịch vụ giúp cho khách hàng có chất lượng phục vụ và trải nghiệm tốt. Còn nhân viên của doanh nghiệp có hệ thống vận hành công việc tối ưu, thông minh hơn, quản trị công việc tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết việc sử dụng công nghệ ERP đã giúp lãnh đạo Công ty TNHH Hải Nam kịp thời cập nhật các số liệu để đưa ra quyết định đúng lúc.
Ba trọng tâm trên hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Theo hãng nghiên cứu McKinsey, doanh nghiệp cần tập trung vào ba yếu tố khi tiến hành chuyển đổi số. Cụ thể: 1. Khả năng vận hành • Tăng cường khả năng cộng tác và làm việc từ xa; • Ứng dụng công nghệ mới tự động hóa hoạt động vận hành; • Phân tích dữ liệu lớn đưa ra quyết định kinh doanh thời gian thực; • Dịch chuyển các tài sản số lên nền tảng đám mây. 2. Nâng cao trải nghiệm khách hàng • Đẩy mạnh nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ mua hàng trực tuyến; • Đẩy mạnh nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ mua hàng trực tuyến; • Thay đổi trải nghiệm khách hàng thông qua khả năng giao hàng chặng cuối; • Chuyển dịch theo xu hướng và nhu cầu của khách hàng, các dịch vụ cần chú trọng vào sức khỏe và vệ sinh. 3. Nâng cao năng lực bảo mật hệ thống thông tin • Nâng cấp hệ thống bảo mật trên toàn bộ các hệ thống on - premise hay điện toán đám mây; • Tự động hóa các phản hồi liên quan đến các sự cố hệ thống và các quy trình bảo mật khác thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo. |
“Muốn tìm hiểu tình trạng tồn kho, mặt hàng nào đang có lãi, mặt hàng nào thua lỗ thì chúng tôi đều có số liệu ngay”, bà Sắc cho biết.
Cũng theo bà Sắc, nhờ công nghệ nên mọi công việc đơn giản hơn, đồng nghĩa với tính kế thừa trong hệ thống quản trị, tính tiện ích và hiệu quả quản trị được gia tăng.
Tương tự, ông Vũ Đức Giang cho rằng dịch Covid-19 đã cho ngành dệt may những bài học rất lớn. Cụ thể, trước đại dịch Covid-19, tự động hóa và phần mềm quản trị của hệ thống dệt may bắt đầu có những bước phát triển, nhưng đại dịch đã buộc doanh nghiệp dệt may phải thay đổi kịp thời.
Theo đó, lĩnh vực kéo sợi hiện có nhiều nhà máy đã tự động hóa toàn bộ các khâu. “Một nhà máy có năm triệu cọng sợi trước đây có khoảng 480 lao động, bây giờ chỉ cần khoảng 120 lao động cho hai ca”, ông Giang cho biết.
Với lĩnh vực hóa nhuộm, nhiều nhà máy đã tiến hành tự động hóa các công đoạn vận hành, từ khâu đưa thuốc nhuộm tới phân bổ thuốc nhuộm cho từng màu bột, nồi nhuộm, dây chuyền nhuộm. Còn ngành thiết kế thời trang đã sử dụng robot để thiết kế các sản phẩm sử dụng vải kaki, theo ông Vũ Đức Giang.
“Chìa khoá” chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Ông Hoàng Việt Anh cho biết, chuyển đổi số là sự chuyển đổi đồng thời của ba yếu tố: mô hình kinh doanh; công nghệ - gồm công nghệ hạ tầng và công nghệ nền tảng hỗ trợ mô hình kinh doanh; con người.
“Nếu không có sự chuẩn bị tốt về con người cho chuyển đổi số ở các tổ chức trong doanh nghiệp thì không thể triển khai thành công chuyển đổi số, dù công nghệ và mô hình kinh doanh có tốt đến đâu,” ông Việt Anh nhấn mạnh.
Theo đó, việc thay đổi con người trong chuyển đổi số tập trung vào năm vấn đề chính, gồm: văn hóa số, truyền thông, đào tạo, tổ chức và quản trị thay đổi.
Cũng theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, các phương pháp luận về chuyển đổi số cần tập trung vào sự đồng hành giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược chuyển đổi số nhằm đưa ra định hướng đúng cho sự phát triển doanh nghiệp.
“Phải xác định và tập trung vào những vấn đề có tính thiết yếu nhất với doanh nghiệp, rồi lựa chọn các dự án triển khai có tính khả thi cao. Trong quá trình thí điểm thì lựa chọn các dự án đơn giản, dễ triển khai", ông Việt Anh chia sẻ.
Ông Việt Anh cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần quyết liệt thực thi chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin hai tốc độ. Theo đó, hệ thống lõi với tốc độ thấp là nền tảng đảm bảo sự ổn định trong quá trình vận hành doanh nghiệp.
Còn hệ thống vệ tinh với tốc độ cao là môi trường thử nghiệm những sáng kiến số như dữ liệu lớn (big data), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Nguyễn Việt Long - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) - cho rằng, để chuyển đổi số thành công, điều quan trọng là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp.
“Kiến thức về chuyển đổi số rất rộng, doanh nghiệp khó có thể hiểu về xu hướng này nếu chúng ta không giúp họ làm rõ mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số,” ông Long nói.
Về lộ trình chuyển đổi số, ông Long cho rằng, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là xây dựng chiến lược số hoá gắn liền với chiến lược kinh doanh. Lộ trình này phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp.
Còn theo GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân, một trong những thay đổi quan trọng nhất của chuyển đổi số là yêu cầu phải cân đối giữa đào tạo kỹ năng và đào tạo kiến thức.
Theo đó, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục - đào tạo phải chuyển đổi từ đào tạo, truyền đạt kiến thức sang giáo dục kỹ năng trong bối cảnh kiến thức tăng theo cấp số mũ, còn thời gian tăng đều đặn theo cấp số cộng. “Mục tiêu là để người học có thể học tập suốt đời mọi nơi mọi lúc, không bị lạc hậu nhờ chuyển đổi số, công nghệ số”, ông Đạt chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: "Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người. Để đo xem mỗi cơ quan, tổ chức đã đi bao xa trên hành trình chuyển đổi số và có đi đúng hướng không, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức nhà nước nước. Bộ sẽ tiếp tục ban hành bộ chỉ số tương tự cho các doanh nghiệp". Ông Andrew Edward Williamson - Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu Tập đoàn Huawei: "Không ai có đủ kinh nghiệm và năng lực công nghệ để thực hiện chuyển đổi số một mình. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ. Trong suốt nhiều năm qua, các chính phủ trên thế giới, trong khu vực đã ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và rất quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp. Ví dụ như Chính phủ Singapore đã hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia cũng đưa ra những chính sách về môi trường, chính sách về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp để thực hiện chuyển đổi số. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể dựa vào những tập đoàn công nghệ lớn trong nước và nước ngoài do họ đã đưa ra được nhiều giải pháp công nghệ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, họ cũng có bề dày kinh nghiệm tư vấn chuyển đối số nên có thể mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp nhiều lời khuyên hiệu quả". Ông Nguyễn Việt Long - Phó Tổng Giám đốc EY Consulting VN: "Việt Nam sở hữu các chỉ số về hạ tầng liên quan đến kết nối ở mức tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan. Theo đó, tỷ lệ thuê bao băng rộng trên tổng dân số của Việt Nam là 82%, nếu tính cả số thuê bao băng rộng cố định thì tỷ lệ này là 12%, trong khi Thái Lan chỉ là 11%. Với nền tảng thanh toán, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam là 22% trong năm 2020. Còn tỷ lệ này của Thái Lan và Indonesia lần lượt là 62 % và 34%. Bên cạnh đó, một số nhà mạng tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai công nghệ 5G. Như vậy, sự sẵn sàng cho việc áp dụng nền tảng công nghệ số của Việt Nam ở mức tương đối tốt. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã ban hành Quyết định 12/QĐ-BKHĐT về việc Phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo chương trình, Bộ đã xây dựng cổng thông tin cung cấp kiến thức, tin tức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tiếp đó, sổ tay về chuyển đổi số và công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ được xây dựng. Ngoài ra, hoạt động thu thập, kết nối thông tin giữa doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số sẽ được thực hiện theo lộ trình. Đây sẽ là chương trình hữu ích cho những doanh nghiệp đang lúng túng trong quá trình chuyển đổi số". |
Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-ohn-nav-iod-teiv-peihgn-hnaod/967313/nv.semitnogiaseht.www