Cõng tết về bản
Mờ sáng ở Trấn Yên, trời rét buốt, cơn mưa phùn kéo đến từ nửa đêm, lại thêm lớp sương mù như bức màn dày và nặng phủ kín đồi núi và những con đường xuống chợ. Bóng dáng mờ ảo của những chú, những bà đang rảo bước thật nhanh cứ thoắt hiện ra rồi lại chìm lấp trong tầm mắt phủ đầy sương. Trên lưng họ, chiếc gùi nặng trĩu nhấp nhô theo nhịp bước chân. Mặc trời mưa lạnh, những câu chuyện nhỏ to trên đường vẫn vang lên. Càng gần tết trời càng tối thẫm và rét buốt nhưng càng gần tết thì chợ Hưng Khánh - chợ đầu mối của cả vùng họp càng sớm và càng đông đúc, nhất là ngày chợ phiên vào Thứ ba, Thứ năm và Chủ nhật hằng tuần.
Trẻ em ở thôn Khe Ron tan học về. |
Ngay cổng chợ, anh bán cây quế giống có lẽ đến chợ từ nửa đêm, đã bày biện cây lớn cây bé thành hàng thành lối. Những cây quế con độ một gang tay, lớn hơn chút nữa thì 2-3 gang, lá ướt đẫm sương và thoảng hương - một mùi hương cay nồng và tinh sạch đến khoan khoái. “Một nghìn một cây, trồng là lên ngay à”, anh bán quế tươi tắn chào mời. Bà con Trấn Yên những năm gần đây trồng quế ngày một nhiều, quế trên đồi, quế ven đường, quế trong vườn... Anh bán quế đắt hàng, phiên chợ nào cũng chở cây xuống chợ.
Chẳng còn cảnh bà con lội ủng trên nền đất lầy lội, chợ Hưng Khánh giờ đã khang trang, rộng rãi. Những rổ mắc khén, sơn tra, thảo quả, những chai mật ong rừng bày bán nhiều vô kể. Vải vóc, chỉ thêu, vòng, khăn, áo cuốn chị em vào mua không ngớt. Ấm nhất là hàng rèn với những bễ lò đang cháy rừng rực. Dao, cuốc, lưỡi cày, nhạc ngựa, chuông bò và cả đồ trang sức của phụ nữ... đều là sản phẩm đẹp mắt của hàng rèn.
Những thìa, bát, thùng, chậu bằng gỗ; những “lù cở” (gùi), “cáng chủa” (dụng cụ mang vác đồ), giỏ đựng cơm đi nương được đan lát tinh xảo để bày bán tết. Đi khắp chợ, dù cố lắng tai nhưng sẽ rất khó để nghe được một câu nói tiếng phổ thông. Tiếng Tày, tiếng Mông đan xen ầm ào tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn đặc trưng. Sắc áo bông nhuộm màu chàm của người Tày lẫn với khăn, với váy Mông sặc sỡ.
Bà Giàng Thị Pía vừa đến chợ, dù khoác mảnh áo mưa nhưng áo váy, xà cột đến cả đôi giày vải đều thấm mưa. Vừa đặt gùi xuống là có người hỏi mua hàng, người phụ nữ Mông 50 tuổi vội vàng hòa vào những câu chuyện bán mua, đôi vòng bạc kéo xệ tai cứ lúc lắc sáng loáng. Hàng của bà Pía là vài bó cây biến hóa xanh rì trông giống như lá lốt để ngâm rượu và xoa bóp cho người lớn, vài bó lá màu tím biếc để đun nước tắm cho trẻ con. Cả ngày hôm qua, bà Pía vào rừng lấy lá, tối về bó lại, để ngoài sân cho cây uống sương đêm. Sáng nay, từ trên bản Mông thuộc xã Hồng Ca cách chợ khá xa, bà Pía gùi lá xuống chợ. Những bó lá bán hết veo, bà Pía thảnh thơi đi ngắm, đi mua khắp chợ, đến trưa mới về.
Giữa trưa, mưa dứt, nắng vàng ruộm, màn sương tan biến khiến cảnh vật trở nên sắc nét. Những con đường nhỏ xinh và mềm mại dẫn vào phố Mỵ đủ làm ai đó chưa quen đường cảm thấy nôn nao. Nếu chếnh choáng quá, chỉ cần dừng xe, phóng tầm mắt ra xa ngắm núi non xanh mướt chạy dài, hít hà mùi cây lá là thấy người khỏe khoắn, đầu óc dễ chịu. Bà con đi chợ về, gùi nặng hơn cả lúc đi. Vải vóc, khăn, đồ trang trí nhà cửa, cây quế con, gạo nếp, đỗ xanh - họ cõng tết từ chợ về nhà. Những câu chuyện sôi nổi khiến đường về bớt xa...
Vụ chè, vụ quế, vụ măng…
Từ đường lớn, vượt một con dốc ngắn là lên tới trụ sở Công an xã Hưng Khánh. Một khuôn viên nho nhỏ nhưng gọn gàng và đẹp mắt. Ngoài các phòng làm việc còn có một khu bếp nhỏ - nơi mấy anh em vẫn tranh thủ nấu cơm ăn ngay tại cơ quan. Đứng ở trụ sở, phóng tầm mắt là chạm những ngọn đồi xanh rì bốn phía.
Các bà, các chị Khe Ron may áo váy đón tết. |
Từ tháng 3 đến giờ, những luống hoa ở đầu cổng cũng đã lên đều, hàng đu đủ đã chi chít quả và vạt cải cúc kia đã là vụ rau thứ 3 được anh em chăm bón. “Cơ quan toàn nam giới, xa nhà xa chợ nên tự trồng rau, nấu cơm cho chủ động, nhà báo ạ” - Đại úy Bùi Hồng Hải - Trưởng Công an xã bảo với tôi. Đơn vị có 5 anh em, từ sáng sớm đã tỏa đi mỗi người mỗi việc. Theo chân Trung úy Đỗ Minh Đức - Phó trưởng Công an xã xuống thôn Khe Năm gặp bà con để hoàn thiện thông tin chuẩn bị cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử, chẳng ngờ lại được vào tận đồi quế, đồi chè.
Cứ ngỡ từ trung tâm xã xuống thôn di chuyển trong chớp mắt. Nhưng đấy là ở dưới xuôi thôi. Còn ở đây, phải vượt quãng đường vòng vèo và xa gấp nhiều lần mới đến được Hợp tác xã chè Khe Năm. Cả một vùng đồi chè đan xen trồng quế bạt ngàn và những bụi tre Bát Độ xanh rì. Những luống chè Bát Tiên uốn lượn, xếp lớp hình bậc thang chạy vòng từ đỉnh đồi xuống sát chân đồi, có ghi rõ các khu vực trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn chè sạch.
Quế vươn cao đón nắng, chè lúp xúp ở dưới cần mẫn đâm chồi. Đồi chè Bát Tiên được bà con Khe Năm gây dựng đã 13 năm nay, những gốc chè xù xì, bạc phếch to bằng cổ tay, lá dày và xanh mơn mởn. Chợt nghĩ đến những gốc chè cổ thụ 300 năm tuổi ở Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La), quần thể chè Shan tuyết ở Giàng Pằng (Văn Chấn, Yên Bái) đã được công nhận cây di sản. Và rồi sẽ có ngày đến lượt những cây chè Bát Tiên ở đây trở thành mộc thụ, là niềm tự hào của bà con nơi đây.
Nhận được cuộc gọi của Trung úy Đức, anh Trần Quốc Thắng (sinh năm 1979) - công an viên phụ trách thôn Khe Năm từ đồi chè phóng vội ra. Thấy anh Thắng phóng xe máy lắc lư theo con đường mòn nhỏ, cảm giác ở ngay trước mắt nhưng cũng phải vòng vèo mất chục phút sau anh mới có mặt. Rồi họ trao đổi công việc ở ngay cạnh những luống chè. Gần tết, lượng chè tiêu thụ lớn, nhà nào nhà nấy tập trung nhân lực vào đồi từ sáng sớm. Đến trưa, chè được tập kết về khu sơ chế ở đầu thôn, đem phơi cho ráo. Chiều đến, 4 bom xao chè hoạt động hết công suất để diệt men và làm khô lá chè. Ngay liền đó, 4 cối vò chè sẽ thực hiện công đoạn tiếp theo, cho ra những búp chè săn lại và khô roong. Có lẽ ở đây, nhịp tết chính là nhịp thu hoạch chè diễn ra tuần tự và mau lẹ.
Ở xã Hưng Khánh có 11 công an viên phụ trách 11 thôn. Đã 5 năm nay anh Thắng phụ trách thôn Khe Năm - một thôn có tới 88 hộ là giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Hưng, với 405 nhân khẩu, chiếm 53% dân số thôn, nên có những đặc thù riêng. Giáo xứ thường xuyên đón giáo dân ở vùng khác đến lễ nên việc nắm bắt người đến người đi, tình hình an ninh trật tự trong thôn phải sát sao, kịp thời báo cáo với công an xã khi có vụ việc xảy ra.
Ở Khe Năm, tình hình an ninh trật tự còn nóng theo vụ chè, vụ quế, vụ măng Bát Độ - những cây mũi nhọn của thôn. Năm có 2 vụ quế, quế xuân bóc vỏ vào tháng 2, tháng 3, quế thu bóc vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch, anh Thắng phải tăng cường tuần tra canh gác cả đêm, phòng người lạ đến bóc trộm quế. Những cây quế thân to bằng cổ chân người lớn thì bán cả cây. Quế cũng giống chuối ở dưới xuôi, là cây đa tác dụng. Vỏ và quả làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu và làm gia vị, gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Đan xen vụ quế là vụ chè, chè cắt máy thì 45 ngày một lứa, chè hái tay thì chỉ 20 ngày là lại đến lịch hái, mùa thu hoạch măng Bát Độ từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch, nhịp điệu mùa vụ xoay vòng cả năm.
Hỏi anh Thắng về số tiền trợ cấp cho công an viên, anh cười và bảo: “Số tiền hơn 1 triệu/tháng, chẳng đủ đóng học cho con. Nhưng, vì trách nhiệm và được bà con tín nhiệm nên tôi vẫn cố gắng”. Vợ chồng anh Thắng cũng tần tảo trồng chè trồng quế để có thu nhập nuôi 2 con ăn học. Đang thoăn thoắt hái chè trên đồi nhưng có vụ việc trong thôn là anh bỏ dở việc, tất tả đi ngay.
“Hoa mận đã nở rồi…”
Nếu không có Trung úy Đức dẫn đường thì có lẽ sẽ rất khó để chúng tôi tìm được nhà nghệ nhân Hoàng Kế Quang nằm sâu trong con ngõ ngoằn ngoèo ở thôn 6. Đầu ngõ, chị con dâu của ông đang cần mẫn đập những cành quế con để lấy vỏ. Lõi quế con đem phơi khô, để dành đốt lò sưởi dịp tết, đến cả ngọn lửa cũng thơm mùi quế.
Khi biết chúng tôi đến để được nghe hát then và đàn tính, nghệ nhân Quang mở tủ lấy bộ quần áo chàm mới tinh mặc vào, thắt đai, vấn khăn rồi vào buồng trong làm lễ “báo cáo các cụ” được trình diễn then. Ông bảo đàn tính và những điệu hát then là tài sản vô giá của người Tày, là truyền thống gia đình lưu giữ đến đời ông là đời thứ 5. Bởi vậy, trước khi thực hành hát then và đánh đàn tính phải xin phép tổ tiên. Cậu bé Hoàng Xuân Trường 11 tuổi - cháu nội ông lăng xăng giúp ông sắp lễ.
Một bát gạo trắng, bát nước đầy, cây nến, 7 chén rượu được bày trên mâm. Ông Quang lẩm nhẩm khấn vái và tuần tự làm các nghi thức một cách chậm rãi, nghiêm trang, không quên báo cáo cả họ tên của khách. Sau tiếng leng keng của đồng xu tung trên đĩa, ông dạo lên những nhịp đàn và hát một đôi câu then. Nghệ nhân 80 tuổi quay ra cười rổn rảng: “Các cụ cho phép tôi đàn hát đãi khách quý rồi”.
“Hoa mận đã nở rồi. Báo hiệu mùa xuân đến. Trẻ con mong lắm đến ngày ném còn. Các cụ già ủ rượu mong ngày tết. Trai bản gái mường chuẩn bị quần áo đẹp đi chơi...” - điệu then “Hết năm cũ, đón năm mới” vang lên náo nức, ngọt ngào, mềm mại như dòng suối. Khuôn miệng tươi tắn, đôi mắt lim dim đầy biểu cảm, nghệ nhân Quang như đang mơ màng trong thế giới then với tiếng đàn tính âm trầm, dìu dặt.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Kế Quang chơi đàn tính và hát then. |
Cụ thân sinh ra nghệ nhân Quang khi xưa là người hát then có tiếng, từng rong ruổi khắp các bản mường, nhà then, hội hát của người Tày để hát thi. 12 tuổi, cậu bé Quang được bố dạy chơi đàn. Tối tối, gối đầu lên tay bố, chăm chú lắng nghe bố hát, dần dần tâm hồn cũng tràn ngập điệu then, nhiễm thanh nhiễm nhịp đàn tính.
Lớn lên, nghệ nhân Quang thuộc nằm lòng những điệu hát then, hát lượn, hát ví, hát cọi, hát nôm của người Tày và đi hát khắp thôn trên bản dưới. Hát lúc mùa màng tươi tốt, hát lúc tết đến xuân về, hát ở lễ hội Lồng tồng, hội nhà then, hát ca ngợi công việc nhà nông như đào ao, thả cá, trồng lúa, trồng ngô để giữ nếp “canh nông vi bản”. Trong gian nhà nhỏ của ông cũng đầy dấu ấn của then: Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Yên Bái, Giấy chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015 và nhiều giấy khen trong các cuộc thi biểu diễn đàn tính và hát then.
Nghệ nhân Quang có 2 cây đàn tính, một đã theo ông đi hát suốt nhiều năm, một ông mới làm - để khỏi quên cách làm đàn quý và truyền dạy cho người trẻ. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, chọn quả bầu già, tròn đều, vỏ nhẵn, không bị nám thì đàn mới âm vang. Cần đàn làm bằng gỗ, thẳng và nhẹ, một đầu xuyên qua bầu đàn, một đầu uốn cong hình lưỡi liềm. Cần đàn càng dài thì độ vang càng lớn. Đàn có 3 dây làm bằng tơ xe từ sợi tơ tằm, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước. Làm đàn tính không thể làm nhanh, làm ẩu, mà phải chỉn chu, tỉ mẩn. Lão nghệ nhân đang sôi nổi bỗng trầm tư.
Ngày càng ít người biết làm đàn, biết đánh đàn và chểnh mảng với điệu then. Khi mà nhạc lý, lời then không được văn bản hóa, chỉ truyền tai, truyền miệng, truyền tay thì sẽ dần mai một. Bởi vậy, ông Quang vẫn miệt mài truyền dạy cho cậu bé Trường cháu nội ông, cho các cháu học sinh và đội văn nghệ của xã, những mong sẽ có nhiều người cùng ông gìn giữ những điệu hồn của người Tày.
Chiều Khe Ron…
Xã Hưng Khánh trải dài cả chục cây số, những cung đường vòng vèo đến 11 thôn đã trở thành quen với Đại úy Bùi Hồng Hải. Về với bà con từ tháng 3-2020, chưa tròn năm nhưng nhiều dấu ấn. Nhớ những ngày căng mình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các chốt trên địa bản xã. Ngay khi dịch tạm lắng, 5 anh em chia nhau tới các thôn thu thập thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công việc cần sự chính xác, tỉ mỉ và cập nhật thường xuyên nên việc đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, canh từng giờ là “chuyện thường ngày ở công an xã”.
Chiều muộn, khi bà con trở về nhà sau một ngày lao động cũng là lúc anh em lên đường làm nhiệm vụ. Cũng bởi thế mà họ được gặp bà con thường xuyên hơn, có điều kiện để tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai báo cư trú, cấp đổi chứng minh nhân dân. Tình hình an ninh trật tự của thôn làng nhờ thế được giữ vững, các tệ nạn xã hội giảm bớt. Hình ảnh công an chính quy về xã dần rõ nét và trở nên gần gũi, tin cậy.
Đại úy Bùi Hồng Hải - Trưởng Công an xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên gặp gỡ bà con. |
Gần một năm qua, Đại úy Hải và đồng đội cũng quen dần với nếp ăn nếp ở của bà con và đang học tiếng Tày, tiếng Mông để hiểu bà con hơn nữa. Trước sự lan tràn của các trò lừa đảo qua mạng, tình trạng tàng trữ vũ khí nóng và vật liệu nổ, tàng trữ và sử dụng pháo nổ, chỉ một chút lơi lỏng là cuộc sống của người dân không còn bình yên nữa.
Chiều đông, nắng hắt vàng đỉnh núi, trời hanh và lạnh. Những cụm mây trắng bồng bềnh, điệu đà vắt vẻo lưng chừng núi cao, trông vừa huyễn hoặc, vừa hiểm trở không kém “sống lưng khủng long” trên đỉnh Tà Xùa. Đường sá bây giờ đã khá hơn nhiều so với mấy năm trước, xe máy hay ôtô đều chạy vào đến tận đầu thôn.
Theo chân Đại úy Hải đi hết đất Hưng Khánh, qua những đập tràn mùa khô chỉ là dòng suối nhỏ chảy âm ỉ là chạm đất Hồng Ca, chúng tôi men theo đường núi lên bản Mông. Qua mỗi khúc cua, đường dốc hơn và xanh rì tre Bát Độ. Bản người Mông ở tập trung chứ không rải rác như người Tày nên dễ nhìn thấy những cụm làng nép mình vào vách núi. Đi qua thôn Khe Tiến - một bản Mông nhỏ mới đến được thôn Khe Ron ở tít trên cao. Khi gần đến Khe Ron, đánh mắt ngó xuống, thấy Khe Tiến nhỏ xíu như một tổ ong rừng lẫn trong cây lá.
Càng về chiều, Khe Ron càng nhộp nhịp. Trước sân những ngôi nhà vách gỗ màu xám bạc san sát nhau, nhà nào cũng đã treo cờ Tổ quốc, những cây đào đã tuốt hết lá, nụ đào đã bật lên từ lớp vỏ xù xì. Trong khoảng sân đất đầu thôn, cả đàn trâu đang nhai cỏ, chậm rãi và thong dong. Đám thanh niên cởi trần đá bóng, hò reo náo nhiệt. Sặc sỡ nhất là những chiếc váy áo của các cô, các chị phơi trước sân mỗi nhà.
Bà cụ Hờ Thị Dở đã trăm tuổi nhưng vẫn đi lại nhanh nhẹn. Chiều nào bà cụ cũng ra đầu thôn ngóng con gái đi rừng về. Không hiểu tiếng phổ thông, bà nói từng tràng tiếng Mông rồi móm mém cười. Khi chúng tôi ra hiệu muốn được chụp ảnh cùng, bà cụ đứng nghiêm chỉnh, mắt nhìn dán xuống đất. Một cậu thanh niên nói với tôi là bà rất thích chụp ảnh nhưng lại sợ ánh đèn flash nên lúc nào bà cũng nhìn xuống như thế. Ở nhà bên, bà cụ Sòng Thị Xoa, 88 tuổi, đang ngồi bóc sắn cho lợn. Đôi bàn tay nhăn nheo nhưng khỏe khoắn, chiếc váy Mông bà mặc to dày xòe rộng như một bông hoa nhiều màu trên nền đất. Bà Xoa nói được tiếng phổ thông, khoe rằng tết này nhà bà nuôi được lợn, gà ăn tết, không phải đi chợ xa xôi.
Cách đó không xa, trên con đường dọc Khe Ron, những bà mẹ trẻ địu con đứng nói chuyện nhỏ to. Có lẽ họ đang nói về chúng tôi - những vị khách lạ xuất hiện ở nơi này, về chiếc máy ảnh tôi đang cầm trên tay... Bọn trẻ tha thẩn chơi quanh mẹ, má nẻ hồng và nhọ nhem, những bàn chân trần chạy thoăn thoắt trên nền đất. Chị Hờ Thị Mảy đang mang bầu to nhưng sau lưng vẫn địu bé trai 2 tuổi. Chị bận chăm con, còn anh chồng đi làm nương và trồng tre Bát Độ từ sáng sớm. Chiều nào chị cũng dẫn con tha thẩn ra đường ngóng chồng đi rừng về. Khi ấy sẽ có con cá suối, vài cái măng hay mớ rau rừng để cả nhà quây quần nấu bữa cơm tối.
Gần tết rồi, người Khe Ron đang chuẩn bị làm bánh dày. Những chiếc cối đá đã cọ rửa, bột cũng đã xay, gà lợn đã nuôi rồi, củi đã chất thành đống sau nhà. Ngày tết, nhà nào cũng chuẩn bị chu đáo để tham gia cuộc thi giã bánh dày. Chả mấy nữa là đến ngày mùng 1 đầu năm mới, cả thôn thơm nức mùi bánh dày rán và rộn rã tiếng khèn Mông. Rồi còn ném pao, đánh quay, kéo co và đẩy gậy, vui từ sáng tới chiều...
Trước sân nhà chị Hờ Thị San, một nhóm các chị đang ngồi thêu và may váy tết. Năm nào cũng vậy, khi những cơn gió mùa đông bắc ùa về là các chị em đã rủ nhau đi chợ xa mua vải, mua chỉ màu, rồi về thêu, cắt và tỉ mẩn phối lại tùy theo sở thích. Chị San đem khoe với tôi áo, váy chị đã may xong, từng mảng vải trơn, vải thêu nơi tay áo và chân váy được may phối một cách cầu kì. Những đứa trẻ tha thẩn chơi trước sân, thi thoảng lại chạy vào mân mê mảnh vải của mẹ, như thể đấy là dấu hiệu của tết đang đến trong niềm mong ngóng.
Mặt trời khuất sau núi, người đi nương, đi rừng lục tục kéo nhau về bản. Chẳng ai về tay không, người gùi củi, người xách rau, lá thuốc... Bọn trẻ cũng đã đi học về đến đầu thôn, từng tốp vai đeo cặp, tay xách cặp lồng cơm mang đi ăn trưa, bá vai bá cổ vui đùa, tiếng cười trong trẻo vọng vào vách đá...
Huyền ChâmXem thêm: /390926-neY-narT-gnoud-gnuc-11-nert-tet-pihN/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna