Cuộc đời Nguyên Hồng có hai sự dịch chuyển
Lần thứ nhất, hồi nhỏ, ông được mẹ đưa từ Nam Định ra Hải Phòng để mưu sinh. Ông đã kể về chuyến di cư ấy trong hồi ức “Những ngày thơ ấu” quặn lòng người đọc. Hải Phòng - mảnh đất đầy sóng gió đã cho Nguyên Hồng va đập với đủ hạng người. Và ông đã dâng tặng người mẹ, dâng tặng thành phố cần lao này cuốn tiểu thuyết lừng danh “Bỉ vỏ”.
Lần thứ hai, vào năm 1959, lúc này nhà văn đã sang tuổi bốn mươi. Lúc đó, ông là Tổng biên tập báo Văn. Ông bị các đồng nghiệp phê phán dữ dội vì đăng nhiều bài “có vấn đề”. Chuyện này được nhà văn Tô Hoài kể rất trung thực trong “Cát bụi chân ai”. Khi đó, Nguyên Hồng quyết định mang cả gia đình rời Hà Nội về Bắc Giang. Gia đình ông khi đó gồm mẹ già và năm người con thơ dại. Đó là một cuộc “di cư ngược”. Bởi ở Hà Nội lúc ấy, người dân được Nhà nước “ưu tiên” hơn. Nào tiêu chuẩn gạo, thực phẩm, chuyện học hành của các con… Nay, về Bắc Giang, một nơi heo hút.
Chị Thanh Thư, con gái nhà văn Nguyên Hồng, nhớ lại: “Mẹ tôi kể là khi cha tôi quyết định bỏ Hà Nội về ấp Cầu Đen, mẹ tôi không đồng ý. Hai ông bà đã cãi nhau một trận. Nhưng rồi mẹ tôi vẫn chiều theo ý cha tôi. Có thể lúc ấy bà không biết rằng mình đang bước chân vào chặng đường mới, vất vả, túng thiếu, gian nan khủng khiếp như thế nào…
Tôi hình dung ra cha tôi trong cơn tê dại của tâm trí, ngơ ngác thực hiện các công việc sau quyết định sống còn kia. Hẳn trái tim ông đã rỉ máu, ruột gan quặn thắt khi biết mình mơ hồ nhận thấy con đường mịt mùng phía trước mà mình đã đẩy cả gia đình vào đó. Về Cầu Đen, là gia đình tôi phải làm lại tất cả từ đầu, trong khi thực ra, cha tôi chưa có chuẩn bị gì về tài chính cho việc lớn này. Cũng may, bà con trên ấp đã xúm vào, mỗi người một tay giúp đỡ”.
Ông Nguyên Hồng đã xây dựng quê hương mới thế nào? Chúng ta hãy đọc Nhật ký của ông: “Ngày 20/3 ta (28/4/1959). Đi mua bò với cụ Đĩnh. Chiếc xe Dugiot bán rồi, được 800đ. Nhà tôi bảo thế là hết cả lộc Bỉ vỏ. Số tiền, tôi đi mua nồi đồng, mua màn, cái hòm gỗ để làm chuồng chim bồ câu. Mua thêm con lợn 38 đồng của bà Đĩnh và nhờ ông Gần làm cái chuồng lợn, bò… Ông Gần, bà Gần sốt sắng hơn. Cả ông Nghi cũng lên, bảo làm hộ nhà. Dạo này tre bao, mía và dứa đã tốt. Tôi làm lại mấy cái giàn và sửa lại mảnh đất trước cửa. Tập tiểu thuyết đã xong được 152 trang tập đầu. Vợ tôi cũng khỏe. Cuộc đời trở về Nhã Nam thật rễ chặt lắm rồi. Tôi còn lo cho thằng Hà học hết lớp 10 và thằng Sơn theo được đại học. Tôi mua cái xe đạp cọc cạch 110 đồng để ra Hà Nội”.
Mấy tháng sau, nhà văn về Hà Nội họp. Nhật ký ông ghi: “Ngày 3/6/59. Tôi và Lân, Tưởng (Kim Lân và Nguyễn Huy Tưởng) thảo luận rất gay về “Có thể sống bằng ra biên chế được không”…Tôi đem cả lợn, bò và nhắc lại cái hội nghị với vợ con ở gác Trần Nhân Tôn ra để chứng minh “thế nhà tôi” đương lên… Thảo luận xong tôi lại thấy buồn. Nhưng phải quyết tâm ra đi để viết. Khổ, tôi cũng phải viết cho xong bộ tiểu thuyết”.
Có thể nói, cuộc di cư về Yên Thế của Nguyên Hồng cùng gia đình không chỉ tìm đất sống mà, chủ yếu, tìm đất viết. Bởi ông đang khởi thảo bộ tiểu thuyết “Cửa biển” dài bốn tập. Ông cảm thấy không khí văn chương ở Hà Nội lúc đó không thích hợp. Nhưng tôi nghĩ, một con người mà, năm mười sáu tuổi, đã xây dựng nên nhân vật Bính, một cô gái quằn quại trong vũng lầy cuộc đời, nhưng vẫn cố vươn lên, thì những khó khăn bây giờ, không đáng kể. Hơn nữa, ở tuổi bốn mươi, dòng sông văn chương đang cuộn chảy trong tâm hồn, ông phải tìm “Một nơi sạch sẽ và sáng sủa” - như tên một tác phẩm của Hemingway - để ngồi viết.
Nhưng Nguyên Hồng vừa viết vừa lo cuộc sống của cả gia đình. Ngày 2/1/1962, ông ghi nhật ký: “Tôi dậy sớm, đun nước rồi rang cơm cho các con. Nhà tôi nằm ôm cái Thế. Cái Nhã đã dậy, to hó trong chăn nhìn ra. Số tiền 500 đồng nhà tôi giữ còn được 40 đồng. Tôi đưa thêm 21đồng để giả tiền nứa và công đan. Tháng trước nhà tôi đã uống thuốc Bắc. Tháng này uống sâm và hai lọ Hà sa đại tảo hoàn. Tôi ra đi, hôn các con mà lòng nặng trĩu. Có thể Tết tôi không về”.
Nhưng Tết, nhà văn vẫn về. Để mang cái Tết về nhà. Để có nồi bánh chưng đặt giữa nhà. Và để vui cùng hàng xóm. Nhà văn của những cuộc đời cần lao luôn chia ngọt sẻ bùi với dân quê. Nhật ký ghi: “Ngày 30 Tết (4/2/1962). Giết lợn. Bận quá. Ông Cả Nghi và Thơm làm. Sau mời cả ông Thùy, ông Thưởng sang ăn. Biếu lòng bà Gần và vợ Thơm. Đến chiều mới gói xong bánh chưng. Bắc bếp giữa nhà luộc cho đến 4 giờ sáng. Tôi dọn dẹp xong mới đi ngủ. Hà (Con trai nhà văn - NV) ngồi canh nồi bánh chưng. Nóng quá và khói nữa. Bằng rầy năm ngoái tôi viết xong chương VI vào giữa giao thừa đây. Năm nay tôi đã in xong “Sóng gầm”. Nhưng lại thêm bao nhiêu nỗi lo mới. Nhất là lo vì sự sống. Các con càng đông, ăn tiêu trong nhà tốn quá. Sang năm, tôi phải sắp xếp việc nhà và dè sẻn hơn nữa”.
Những trang văn của Nguyên Hồng làm bạn đọc xúc động vì, trước hết, ông luôn quý trọng và yêu thương những người bình thường xung quanh. Và trang nào cũng đầy cảm xúc. Ông yêu thương các nhân vật như chính những đứa con ruột thịt của mình.
Không những đối tốt với hàng xóm, mà ngày Tết, Nguyên Hồng còn trân trọng tình cảm của những người chủ nhà, nơi các con ông trọ học. Hãy xem nhà văn phân chia quà Tết: “Ngày 2/2/1967. Tôi đi mua thêm hàng Tết. Được cả bánh đa nem và mứt. Tôi biếu bà cụ chủ nhà bánh bích quy. Còn mứt biếu bà cái Hợp. Hai chai rượu cam phải để dành. Tôi vay thêm ông Tuệ 20 đồng. Cây đào nhà cụ Huỳnh đã ra hoa. Tôi bẻ hai cành đào nhỏ bày bàn thờ nhà bà cụ, thắp hương đen. Tôi uống rượu với lạc rang, chuyện về cụ Đề (Đề Thám - NV) với bà cụ. Tôi cho cái bé cháu cụ Huỳnh hai cái mũ của bé Diệu (con gái út nhà văn - NV). Cụ khen cái mũ hoa là mũ len. Tiền 30 đồng vay bác Tuệ, tôi mua hành, đỗ xanh, rau dưa. Món tiền sau mua hai cân gà…”.
Có những cái Tết của Nguyên Hồng diễn ra đầy kịch tính
Ta nghe nhà văn kể chuyện Tết năm con gà: “Ngày 28 Tết Kỷ Dậu (14/2/1969). Nhà tôi giã gạo xong định nấu bánh chưng thì thấy hỏng rồi; gạo tẻ lẫn gạo nếp. Hôm vợ tôi đong thóc, người bán bảo lẫn với mộc tuyền, giá 36 đồng một thúng. Thì ra nó trộn. Nhà tôi phải vay của bà Thúy 3 đấu”.
Nhưng ngày đầu năm, nhà văn vẫn trang trọng khai bút. “Ngày 2 Tết Kỷ Dậu (16/2/1969). Tôi bắt đầu viết chương 2 “Thời kỳ đen tối”. Được hơn một trang. Sáng nay tôi chờ mãi các cụ trồng cây, sau phải sang bác Thiều. Đang ăn thì các cụ kéo đến…”.
Ta đọc tiếp: “Ngày mồng 4 Tết tôi nhận được điện báo anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) tặng 200 đồng và chúc mừng sức khỏe… Viết rất bén tay… Khuya nhà tôi đi nấu nước và luộc khoai. Nhà tôi lại hen. Tôi ngủ dưới buồng với em bé. Chiều nay tôi chữa xong cửa nhà bếp và cửa sổ. Chặt bụi tre cụt ở cổng. Tối, tôi và Diệu, Thế ăn cơm ở giường con. Tôi bảo các con về sự vun vén, xây đắp nhà cửa. Các con sẽ chung nhau sống, chia nhau những kết quả mồ hôi nước mắt. Dưa kho, các con tôi ăn ngon lắm. Trời trở rét. Rét ngăn ngắt. Lại mưa. Mua được củi phơi được ràng ràng, mừng quá! Ngày 3/3 này cả Thư, Nhã đi thi học sinh giỏi”.
Thật sự, nhà văn như một lão nông chuyên cần. Lo mua củi, lo sửa nhà, lo thuốc thang cho vợ. Nhưng phải lo mọi việc gia đình một cách chu toàn nhà văn mới có thể viết được những câu chuyện lương thiện tốt lành. Dẫu mất nhiều thời gian, công sức, nhưng bù lại, tâm trí mình được yên để viết. Khi viết, Nguyên Hồng trải chiếu giữa nhà, đặt cái bàn nhỏ, chuẩn bị giấy bút đầy đủ. Và khi bố ngồi viết, biết ý, lũ trẻ tránh gây ra những tiếng động không cần thiết. Các con Nguyên Hồng kể, ông rất thích đi họp phụ huynh. Để nghe tình hình học tập của lũ trẻ. Và để khoe với bạn bè về những hạt vàng hạt ngọc của mình.
Tết năm sau, chị Thanh Thư kể, nhà văn Nguyên Hồng đã tặng ông hàng xóm, bác Phòng, chiếc áo bông Trung Quốc. Đó là chiếc áo ông được phía bạn tặng khi đi chữa bệnh bên ấy. Nhà văn ghi tiếp: “Ngày 5/2/1970. Nhà đang sửa soạn bày biện thêm thì có người, thồ xe quá cồng kềnh, mặc áo bộ đội vào. Cả nhà đã tưởng bạn của Hà (con trai nhà văn - NV). Thì ra Lê Văn Sửu (nhà văn Quân đội Triệu Bôn). Năm nay tôi còn được thêm một bản Lao động tiên tiến treo ở chỗ trước đây treo khung huân chương. Chỗ Nhã (con gái nhà văn - NV) ngồi học trước, giờ dán các tranh gà lợn Tết. Mua được chiếc chiếu một, tôi đem che cái va ly to. Thư, Nhã mỗi đứa một áo len. Thế cũng được áo có tay. Áo của bé đang đan. Hà rủ Lê Văn Sửu sang ông Soạn. Còn tôi ở nhà lại cặm cụi sửa bản thảo Bước đường viết văn của tôi. Thư của Trần Văn Tấn cho biết, anh em Hà Nội thích lắm. Chiều 30, bánh chưng gói buổi sáng cũng vừa luộc xong… Tôi ăn thêm nửa cái bánh, chờ giao thừa. Trên nhà ồn ào các chuyện và nhạc đài. Đúng 12 giờ, các pháo lệnh, súng và pháo đùng, pháo bánh nổ ran…”.
Càng đọc Nhật ký, chúng ta càng hiểu tình cảm của nhà văn đối với gia đình tỉ mỉ thế nào. Từng chiếc áo mới được ông chăm chút. Trong khi đó, ông ăn mặc rất xềnh xoàng. Nhà văn Nguyễn Tuân nói, tất cả tâm hồn và trí óc Nguyên Hồng để cả vào việc viết nên ông không chú ý đến cách ăn mặc của mình.
Khi sưu tầm tư liệu của người cha để lại để in thành “Nhật ký Nguyên Hồng”, chị Thanh Thư nhớ lại: “Trên đây là không khí Tết điển hình của gia đình tôi. Cha tôi rất chú trọng việc chuẩn bị sắm sửa đón Tết. Năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng. Tôi và Nhã Nam mang bánh xuống bờ suối để rửa. Mẹ tôi chuẩn bị gạo, đỗ, thịt. Anh Sơn gói. Có lẽ anh Sơn là người khéo tay nhất nhà. Cha tôi tất bật với công việc trang hoàng nhà cửa. Những bức tranh Đông Hồ tưng bừng trên hai bức tường trước. Hồi đó nhà tôi có cả một vườn đào và mận. Tết đến, hoa đào hồng nhạt, hoa mận trắng tinh làm cả không gian bừng sáng. Mấy năm sau này, khi đã lớn, tôi thường cùng cha tôi ra vườn chọn một cành đào, một cành mận thật đẹp để cắm ở hai bên chiếc bàn bày mâm ngũ quả. Nhà tôi thường luộc bánh vào tối ba mươi. Tôi vẫn nhớ ánh lửa reo vui ấm áp của nồi bánh chưng. Cả nhà tôi tíu tít xung quanh. Chúng tôi ngồi nghe anh Sơn tôi vừa đàn vừa hát bài “Nhớ bóng cây kơ-nia”… Những ký ức đẹp ấy đã xóa nhòa bao nhiêu gian khổ thiếu thốn của cuộc sống hàng ngày”.
Tôi muốn nói thêm, với một người cha như vậy, gia đình nhà văn luôn yên ấm. Đặc biệt, những người con của ông đều trưởng thành. Người là dược sỹ, người là giáo viên, người được đi học nước ngoài… Và Nguyên Hồng đã đền ơn Hải Phòng bằng bộ tiểu thuyết đồ sộ dài 4 tập. Và cũng chính tại nơi đây, ông đã đi lại nhiều lần con đường Đề Thám từng đi, trò chuyện với vị anh hùng chân đất để viết nên câu chuyện về con người đã làm rạng danh núi rừng Yên Thế. Ông là nguời luôn mang nặng ơn nghĩa cuộc đời. Và ông đã trả cho đời những miền trái chín dâng đầy hương thơm.Đoàn Tuấn
Xem thêm: /498826-ehT-neY-gnur-iun-ion-tet-iac-gnuhN-gnoH-neyugN-nav-ahN/tav-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna