Ngày 17-2, hãng tin Sputnik dẫn phát biểu của Đại sứ Nga tại Iran - ông Levan Dzhagaryan cho biết nhiều tàu chiến Nga hiện đã có mặt tại vùng biển của Iran để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung ba bên với Trung Quốc trong vài ngày tới ở khu vực phía bắc Ấn Độ Dương.
Theo hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA), cuộc tập trận được tổ chức ở khu vực rộng 17.000 km2, bao gồm các đơn vị từ quân đội và lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, cũng như hải quân của Nga và Trung Quốc.
Cụ thể, về phía Nga, nước này gửi tàu hộ tống Stoiky và tàu chở dầu Kola thuộc Hạm đội Baltic tham gia tập trận. Trong khi đó, đội hình của Iran sẽ bao gồm nhiều tàu chiến, tàu ngầm, tàu tuần tra bờ biển và tàu tìm kiếm cứu nạn. Chưa rõ đội hình tập trận của Trung Quốc.
Chuẩn đô đốc Iran - ông Gholamreza Tahan kiêm phát ngôn viên chính thức của cuộc tập trận ba bên nói trên cho biết mục đích của sự kiện là nhằm tăng cường an ninh thương mại hàng hải quốc tế, đối đầu với cướp biển, khủng bố, cải thiện hoạt động trao đổi thông tin giữa các lực lượng tham gia.
"Thông điệp lớn nhất mà Iran muốn truyền tải ở đây là chúng tôi muốn duy trì hoà bình và hữu nghị với các nước xung quanh trong khu vực" - ông Tahan khẳng định.
Theo Sputnik, đây là cuộc tập trận hải quân Nga-Trung-Iran quy mô lớn thứ hai sau lần tập trận thứ nhất diễn ra ở Vịnh Oman hồi tháng 12-2019. Iran cũng đã tham gia cuộc tập trận trên bộ mang tên Caucasus 2020 được tổ chức ở Nga vào tháng 9-2020.
Bên cạnh đó, cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương cũng được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng xung quanh các vấn đề chương trình hạt nhân của nước này.
Theo hãng tin AP, việc Iran tăng cường các cuộc tập trận quân sự trong vài tháng trở lại đây nhiều khả năng là tranh thủ liên minh với Nga, Trung Quốc nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cân nhắc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 (JCPOA).
Theo thỏa thuận, Tehran đồng ý hạn chế làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5-2018 đã đơn phương rút khỏi thoả thuận và áp đặt các biện pháp cấm vận ngặt nghèo hơn trước.