Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch là ngày "Vía Thần Tài". Không giống với người Việt Nam có thói quen mua sắm vàng trong ngày Vía Thần Tài, vào dịp này hàng năm, người Trung Quốc đã tổ chức nhiều sự kiện đón rước Thần tài ở khắp đất nước này để lại nhiều ấn tượng khó quên.
Tuy nhiên, vì Tết Nguyên Đán năm 2020 và 2021, tình hình dịch bệnh phức tạp mà những hoạt động này đã bị hạn chế.
Trước đây, vào ngày mùng 5 tháng Giêng, hàng vạn người dân đã tập trung ở các điểm khác nhau để tổ chức lễ nghênh đón Thần Tài và nhận được phong bao lì xì từ những người đóng vai Thần Tài. Những người đóng vai Thần Tài và mỹ nữ cổ trang đã lần lượt phát bao lì xì từ trên cao, tạo ra cảnh tượng "mưa bao lì xì" khiến du khách và người dân phấn khích.
Năm 2019, cảnh tượng người dân tập trung tại Thanh Minh Thượng Hà viên, thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) để lấy bao lì xì của Thần Tài đã gây xôn xao trên MXH. Hàng vạn người đã tranh nhau giành lấy bao lì xì chứa những đồng tiền cổ thời nhà Tống. Theo quan niệm của người Trung Quốc, đồng tiền cổ thời Nhà Tống (Tống tiền) đồng âm với chữ "tặng tiền" (tống tiền), giúp mang may mắn đến cho người nhận.
Cảnh tượng hàng vạn người chen lấn để giành lấy bao lì xì của Thần Tài đã trở thành khoảnh khắc ấn tượng đầu năm 2019.
Trước đó, vào năm 2018, khi công nghệ phát triển vượt bậc, người dân Trung Quốc đã chuyển dần sang hình thức lì xì online. Ngay đến Thần Tài cũng lì xì cho người dân thông qua hình thức này. Mùng 5 tháng Giêng năm đó, người dân Trung Quốc đã tranh nhau đến gần "Thần Tài" chứa mã QR nhận lì xì. Sau khi quét mã đó, ví điện tử của họ sẽ nhận được số tiền mang ý nghĩa may mắn như 6,66 hay 8,88 NDT.
Các hoạt động "quét mã" nhận lì xì được hưởng nhiệt liệt trong những năm trước đây.
Ngoài ra, người Trung Quốc còn rủ nhau đến chùa cúng bái Thần Tài cầu may mắn. Năm 2017, khoảng 600.000 người đã đổ dồn đến chùa Quy Nguyên để cúng bái tạo nên cảnh tượng xếp hàng khó tin.
Hy Li
Pháp luật & bạn đọc