Sau chuyến hành trình kéo dài 6 tháng từ trái đất, tài Perseverance đã đáp xuống sao Hỏa, bắt đầu sứ mệnh thám hiểm hành tinh láng giềng của trái đất.
"Tàu đã được xác nhận tiếp đất. Perseverance đã an toàn trên bề mặt sao Hỏa, sẵn sàng tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh đỏ", Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA thông báo lúc 15h55 theo giờ Mỹ.
Perseverance sẽ là tàu thăm dò tự hành công nghệ tiên tiến nhất mà NASA gửi tới sao Hỏa. Theo kế hoạch, tàu sẽ hoạt động trong 2 năm để nghiên cứu bề mặt hành tinh này. NASA đã chi 2,4 tỷ USD để phát triển sứ mệnh này, chưa kể 300 triệu USD chi phí dự kiến cho việc hạ cánh và vận hành tàu trên bề mặt sao Hỏa.
Kế thừa thành tựu của mẫu tàu tiền nhiệm Curiosity đang hoạt động trên sao Hỏa từ tháng 8/2012, Perseverance là sản phẩm của JPL ở California chế tạo. Ngoài ra, nhiều công ty hàng đầu của Mỹ cũng tham gia dự án, chẳng hạn như lá chắn nhiệt của Lockheed Martin, động cơ đẩy của Aerojet Rocketdyne và cánh tay robot do Maxar Technologies chế tạo.
Ngoài ra, Perseverance có một điểm đột phá là chiếc trực thăng nhỏ có tên Ingenuity. Thiết bị này sẽ được NASA sử dụng để thực hiện chuyến bay đầu tiên bằng trực thăng đầu tiên ở một hành tinh khác. Tàu thăm dò có kích thước tương đương một chiếc ô tô nhỏ, nặng khoảng 1 tấn, dài hơn 3m, rộng khoảng 3m và cao hơn 2,5m. Nó có một cánh tay robot dài khoảng hơn 2m và phần cuối của cánh tay robot có một máy ảnh, một máy phân tích hóa học và một máy khoan đá.
Perseverance sử dụng năng lượng hạt nhân để tạo năng lượng cho cặp pin lithium-ion. Perseverance vượt qua 293 triệu dặm để tới sao Hỏa trong hành trình 6 tháng trên tên lửa United Launch Alliance Atlas V. Cú hạ cánh của nó được mô tả là "7 phút kinh hoàng". Đây là quãng thời gian cần thiết để đi vào khí quyển sao Hỏa và hạ cánh xuống bề mặt.
Thời gian truyền dữ liệu từ sao Hỏa về trái đất là 11 phút. Chính vì thế, quá trình hạ cánh của Perseverance sẽ diễn ra hoàn toàn tự động. Tiến vào khí quyển sao Hỏa với tốc độ 12.100 dặm/giờ trong một khoang được bảo vệ. Sau khi lá chắn nhiệt bung ra, động cơ đẩy của tên lửa được kích hoạt để giảm tốc độ xuống còn 2 dặm/giờ.
Tàu hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero, một lòng chảo rộng 28 dặm ở bán cầu bắc của sao Hỏa. Đây là nơi mà NASA tin rằng từng là một vùng nước. Nhóm khoa học của NASA hy vọng vùng châu thổ sông cổ đại có thể còn lưu giữ các phân tử hữu cơ và các dấu hiệu tiềm năng khác cho thấy sự sống của vi sinh vật có tồn tại.
Với đầy đủ máy quay và các công cụ nghiên cứu, tàu sẽ lang thang để thu thập mẫu vật và nghiên cứu chúng. Thậm chí, NASA còn đặt cho nó một nhiệm vụ là thu thập mẫu để một ngày nào đó, chúng có thể được đưa về trái đất. Thay vì nghiền đá để nghiên cứu ngay tại chỗ, các mũi khoan của tàu có thể lấy mẫu nguyên vẹn, đóng gói chúng để chờ một sứ mệnh tương lai đưa nó về trái đất. NASA có thể liên kết với Cơ quan Vũ trụ châu Âu để thực hiện nhiệm vụ này.
NASA dự kiến sẽ vận hành phương tiện này trong 687 ngày, tương đương 1 năm sao Hỏa. Nó được thiết kế để có phạm vi khám phá rộng nhất. Vài tháng sau khi hạ cánh, tàu sẽ cho trực thăng hoạt động. Nó sẽ thả trực thăng ở một khu vực bằng phẳng trước khi lùi ra xa để quan sát quá trình cất cánh. Nếu thành công, đây sẽ là khoảnh khắc lịch sử trong hành trình khám phá hành tinh khác của loài người.