Chính phủ Trung Quốc hiện đang tiến hành xem xét lại chính sách đất hiếm của mình. Các quan chức coi công nghệ cần thiết để tinh chế và làm sạch nguyên liệu thô là một vũ khí mạnh mẽ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia hơn là động thái liên quan tới khoáng sản quan trọng này. Trung Quốc cũng đang xem xét cấm bán công nghệ này cho một số quốc gia hoặc doanh nghiệp.
Theo nguồn tin giấu tên, mặc dù Trung Quốc không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ nhưng họ vẫn giữ kế hoạch này trong trường hợp chiến tranh thương mại nổ ra một lần nữa. Quốc gia này cũng xem xét lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm như một phần của lệnh trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp, bao gồm cả Lockheed Martin Corp., vì cáo buộc xâm phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thông qua việc bán vũ khí cho đảo Đài Loan.
Bộ Thương mại Trung Quốc không ngay lập tức phản hồi thông tin.
Trung Quốc kiểm soát hầu hết lượng đất hiếm được khai thác trên toàn thế giới. Nhóm 17 nguyên tố này được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh tới máy bay chiến đấu. Sự thống trị của Trung Quốc với đất hiếm sẽ khiến nhiều ngành công nghiệp nước ngoài chịu ảnh hưởng khi họ ngay lập tức đưa ra các biện pháp hạn chế.
Thứ khoáng sản này từng được coi là vũ khí có thể được dùng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2019, Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng vũ khí đất hiếm để làm tổn hại nền kinh tế Mỹ sau khi Chính quyền Donald Trump đẩy mạnh các biện pháp thuế quan. Theo số liệu chính thức, Mỹ nhập khẩu khoảng 80% lượng đất hiếm từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế đó chưa bao giờ được sử dụng. Dù vậy, nó cũng đẩy Mỹ và châu Âu tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. Thực tế, đất hiếm là loại khoáng sản tương đối dồi dào nhưng loại có thể khai thác được để sử dụng lại ít phổ biến hơn các quặng khác. Các quốc gia phải đối mặt với những rào cản, bao gồm chi phí cao và tổn hại môi trường khi cố gắng phát triển ngành công nghiệp này.
Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp nhằm gia tăng sản lượng đất hiếm trong nước, một năm sau khi bộ Quốc phòng nước này thúc đẩy các hoạt động tương tự. Mỹ cũng đã thúc đẩy hợp tác và gia tăng đầu tư để có thể xử lý đất hiếm trong nước.
Hồi đầu tuần, Financial Times đưa tin rằng Trung Quốc đang nghiên cứu xem các nhà thầu quốc phòng Mỹ có thể bị tổn hại như thế nào trong trường hợp Bắc Kinh hạn chế nguồn cung loại khoáng sản quan trọng này cho phía Trung Quốc.
Con bài đất hiếm được đưa ra ở thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không có chuyển biến nào đáng kể sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Hiện tại, bên cạnh vấn đề thương mại, mâu thuẫn lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh đảo Đài Loan và các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trên thực tế, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng lại là nhà cung cấp vũ khí và là bên ủng hộ quan trọng nhất của hòn đảo này. Trong khi đó, Trung Quốc coi đây là phần lãnh thổ không thể tách rời, tuyên bố không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo này.
Xem thêm: nhc.3154049191201202-meih-tad-iab-noc-iot-gnud-us-couq-gnurt-hcik-gnoc-nod-gnuh-peit-neil/nv.fefac