Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-2 cho biết Mỹ lo ngại luật hải cảnh mới của Trung Quốc có thể làm leo thang các tranh chấp trên biển và được viện dẫn để khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp.
Tại buổi họp báo thường kỳ hôm 19-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington “quan ngại về ngôn ngữ trong luật hải cảnh mới rõ ràng liên quan khả năng sử dụng vũ lực, bao gồm cả lực lượng vũ trang, của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong việc thực thi các yêu sách của nước này, và trong các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh: REUTERS
Ông Price cho rằng ngôn ngữ trong luật hải cảnh của Trung Quốc có hàm ý nhằm đe dọa các nước láng giềng ven biển của Bắc Kinh.
"Chúng tôi còn lo ngại rằng Trung Quốc có thể viện dẫn luật mới này để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp của họ ở Biển Đông, vốn đã bị phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ triệt để" – ông Price nói.
Theo ông Price, Mỹ tái khẳng định tuyên bố hồi tháng 7-2020 của Ngoại trưởng khi đó là ông Mike Pompeo, theo đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp".
Mỹ cũng tuyên bố sẽ tuân thủ các cam kết với các đồng minh Nhật và Philippines.
Mỹ hiện có các hiệp ước phòng thủ chung với cả hai nước nói trên và thường xuyên tuần tra hải quân trong khu vực nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Trước đó, Philippines hồi tháng 1 thông báo đã gửi công hàm ngoại giao phản đối luật hải cảnh của Trung Quốc, mô tả đó là "mối đe dọa chiến tranh".
Hôm 22-1, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để chấm dứt hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn được quyền phá dỡ những công trình do các quốc gia khác xây dựng trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn", còn được biết đến là "đường lưỡi bò", của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc cho đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.