Để chủ động kiểm soát nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố sau Tết, hướng đến thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu toàn ngành y tế tập trung triển khai kế hoạch Chiến dịch cao điểm Phòng chống dịch COVID-19, trong thời gian 4 tuần từ 10-2-2021 đến 10-3-2021. Cụ thể, các nhóm hoạt động trọng tâm sẽ được triển khai bao gồm:
1. Tiếp tục kiểm soát chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại thành phố: Giám sát chặt chẽ các chuỗi lây nhiễm đã được kiểm soát; phát hiện sớm các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm thông qua rà soát các nhóm nguy cơ có liên quan, từ đó tổ chức truy vết, bao vây kiểm soát sớm các chuỗi lây nhiễm phát sinh; phối hợp với sân bay Tân Sơn Nhất, tổ chức phân luồng làm việc tại sân bay giữa ga quốc ngoại và quốc nội; tiếp tục giám sát định kỳ đối với nhân viên sân bay, nhất là nhân viên tiếp xúc trực tiếp với hành khách
2. Tổ chức khai báo y tế, xét nghiệm tầm soát và giám sát đối với người đến từ các vùng dịch trong nước: Những người từ các vùng dịch trong nước đến TP.HCM dưới 14 ngày đều phải thực hiện khai báo y tế trực tiếp cho cơ quan chức năng.
Nhân viên y tế TP.HCM đang lấy mẫu giám sát nhân viên đường sắt. Ảnh: HL
3. Giám sát, đánh giá người về thành phố từ các tỉnh phía Bắc: Tổ chức xét nghiệm rà soát đối với người đến thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó: giám sát 10-20% hành khách/ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất và có thể tăng lên tùy theo diễn tiến tình hình dịch của các tỉnh có liên quan; Ga Sài Gòn: lấy mẫu 100 mẫu đơn hành khách/ngày; Bến xe quận 12, bến xe miền Đông cũ, bến xe Miền Đông mới: trung bình 100 mẫu đơn / ngày/bến.
4. Giám sát, đánh giá các chuyên gia nhập cảnh vào TP.HCM đang làm việc từ ngày 1-1-2021 đến nay: HCDC phối hợp Sở LĐ-TB&XH, Cục Quản lý xuất nhập cảnh lập danh sách các chuyên gia nhập cảnh từ ngày 1-1-2021 và đang làm việc tại TP.HCM để triển khai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2, ưu tiên nhóm chuyên gia Nhật trước, tiếp đến là chuyên gia các nước khác. Địa điểm lấy mẫu xét nghiệm tại 24 quận huyện.
5. Tiếp tục giám sát, tầm soát SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế.
6. Giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng: (1) Tiếp tục giám sát các trường hợp có triệu chứng hô hấp đến khám tại các bệnh viện hoặc các chùm ca bệnh hô hấp được phát hiện trong cộng đồng. (2) Các nhóm quần thể cộng đồng giao lưu, tiếp xúc nhiều: Nhân viên phục vụ các nhà hàng, khách sạn; Khu lưu trú công nhân, khu nhà trọ: 20% số lượng lưu trú; Tiểu thương tại chợ truyền thống: 50 đến 100 mẫu/chợ; Các cơ sở tôn giáo trên địa bàn (bao gồm người phục vụ trong cơ sở tôn giáo, người đi lễ...): 50 mẫu/cơ sở; Tài xế, nhân viên phục vụ phương tiện giao thông công cộng kể cả xe công nghệ: 10% nhân viên /1 công ty.
(3) Các nhóm cộng đồng dân cư khác, bao gồm viên chức, công nhân, người lao động, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xí nghiệp, các tổ chức, đoàn thể, chính trị- xã hội... tổ chức tầm soát theo hình thức xã hội hóa (xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu).
Các đơn vị có nhu cầu giám sát, xét nghiệm sàng lọc, tầm soát virus SAR-CoV-2 cho nhân viên mình, có thể liên hệ với các đơn vị, phòng xét nghiệm đã được cấp phép xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 để tự chi trả chi phí xét nghiệm theo quy định.
7. Tăng cường vai trò của “Tổ COVID cộng đồng” nhằm giám sát, phát hiện các trường hợp trốn khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực, nhất là những người về từ vùng dịch thuộc nhóm cần phải giám sát y tế