Chiều 22-2 (giờ địa phương), hàng trăm ngàn người biểu tình tiếp tục đổ ra khắp các thành phố lớn ở Myanmar để phản đối chính quyền quân sự, đánh dấu ngày thứ 14 liên tiếp nước này chìm trong bất ổn, hãng tin Reuters cho biết. Hàng loạt trụ sở doanh nghiệp, nhà máy, hàng quán đóng cửa, đình công để hưởng ứng.
Một ngày trước, quân đội thông qua đài truyền hình nhà nước MRTV cảnh báo nếu người biểu tình tiếp tục tụ tập phản đối sẽ phải đối mặt “với hậu quả nặng nề, thậm chí mất mạng”. Tuy nhiên, có vẻ lời đe dọa không có tác dụng và sự kiện ngày 22-2 được đánh giá là đợt biểu tình lớn nhất thời gian qua.
Người biểu tình tụ tập gần một trạm tàu điện ở TP Mandalay, Myanmar
ngày 22-2. Ảnh: AP
Không khí căng thẳng bao trùm Myanmar
Theo ghi nhận của phóng viên quốc tế, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát dù nhiều lô cốt dã chiến và hàng rào đã được dựng lên trên một số tuyến đường lớn ở thủ đô Naypyitaw và TP Yangon. Nhiều xe bọc thép chở cảnh sát đến các ngã tư nhưng không có dấu hiệu sẽ triển khai vòi rồng. Trước đó, có thông tin rằng chính quyền quân sự đã cho cắt Internet và đường dây điện thoại nhưng phóng viên quốc tế vẫn có thể tác nghiệp bình thường, người biểu tình vẫn sử dụng được mạng xã hội để liên lạc với nhau.
Một số người trẻ tham gia biểu tình nói họ cũng có phần lo ngại về phản ứng của chính quyền quân sự. Trong cuộc biểu tình ngày 20-2 ở TP Mandalay, cảnh sát được cho là đã đụng độ đẫm máu với người biểu tình và bắn cả đạn thật và đạn cao su vào đám đông, làm ít nhất hai người chết và 20 người bị thương, đưa tổng số người chết vì biểu tình ở Myanmar lên bốn người. Dù vậy, phần lớn đều khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh vì tương lai của đất nước và bà Aung San Suu Kyi.
640 người ở Myanmar đã bị bắt hoặc buộc tội hoặc kết án do tham gia biểu tình hoặc có liên quan đến vụ chính biến ngày 1-2, theo cập nhật của tổ chức Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị ở Myanmar tính đến ngày 21-2. |
Theo chuyên gia chính trị người Myanmar - ông Kyaw Zwa Moe, phong trào phản đối chính quyền quân sự lần này về bản chất không phải là một tập hợp thống nhất dưới sự lãnh đạo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Cụ thể, có đến bốn lực lượng quần chúng đang tham gia biểu tình, gồm thế hệ Z (các thanh niên khoảng 20 tuổi), các thế hệ quan tâm đến chính trị trước đó như thế hệ tham gia phong trào biểu tình năm 1988, các công chức nhà nước và những nghị sĩ được bầu, và cuối cùng là người dân bình thường. Điều này cho thấy đây không đơn giản là do mâu thuẫn chính trị giữa các phe phái nội bộ Myanmar, mà thật sự là một phong trào phản đối chính quyền quân sự rộng khắp nhiều thành phần, đại diện rõ ràng cho ý chí chung của người dân.
Áp lực quốc tế ngày càng tăng
Kể từ sau chính biến hồi đầu tháng, cộng đồng quốc tế đã liên tục gây áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar. Gần đây nhất, phát biểu tại kỳ họp lần thứ 46 của Hội đồng Quyền con người Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 22-2, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi quân đội Myanmar ngừng sử dụng bạo lực chống người biểu tình và ngay lập tức trả tự do cho các lãnh đạo chính quyền dân sự.
Tuần trước, phát ngôn viên LHQ Farhan Haq từng cho biết đặc phái viên của tổ chức này tại Myanmar - bà Christine Schraner Burgener đã điện đàm với Phó Tổng tư lệnh quân đội Myanmar - ông Soe Win. Ông Haq cho biết bà Burgener “đã truyền đạt đến quân đội Myanmar rằng thế giới đang theo dõi sát sao và bất kỳ hình thức đáp trả nặng tay nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
Về phía ASEAN, Reuters dẫn ba nguồn tin nội bộ khẳng định Indonesia đang chuẩn bị kêu gọi các nước thành viên cùng hợp sức gây sức ép, buộc chính quyền quân sự Myanmar thực hiện đúng cam kết tổ chức bầu cử. Indonesia cũng sẽ đề nghị ASEAN gửi quan sát viên tham gia để đảm bảo cuộc bầu cử đó diễn ra công bằng và toàn diện.
Facebook khóa tài khoản mạng xã hội quân đội Myanmar Đài CNN ngày 21-2 cho biết mạng xã hội Facebook đã bất ngờ khóa tài khoản truyền thông True News Information Team (tên khác là Tatmadaw) của quân đội Myanmar với lý do nhiều lần vi phạm các quy tắc cộng đồng và kích động bạo lực. Hồi năm 2018, Facebook cũng từng cấm tài khoản của Tổng Tư lệnh Quân đội Myanmar - tướng Min Aung Hlaing cùng tài khoản nhiều tướng lĩnh cấp cao khác vì vi phạm những quy chuẩn cộng đồng của mạng xã hội này. Hiện quân đội Myanmar chưa đưa ra phản hồi chính thức về động thái của Facebook. |
Giải pháp nào cho Myanmar?
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn France24, PGS Nehginpao Kipgen thuộc ĐH Jindal (Ấn Độ) nhận định quân đội Myanmar hiện đang rơi vào thế khó khi vừa phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài lẫn bên trong. Ông Kipgen cho rằng lý do “gian lận bầu cử” mà quân đội Myanmar đưa ra để bắt giữ quan chức chính quyền dân sự dù nghe có vẻ khá hợp lý nhưng khi xem xét về bản chất vấn đề lại sai hoàn toàn, vì gây chính biến “không phải là giải pháp cho Myanmar”.
“Tình thế rối loạn bắt nguồn từ các hành động của quân đội Myanmar nên chỉ có thể kết thúc bằng quân đội Myanmar. Phe này vẫn có thể rút lui mà giữ được thể diện bằng cách cho phép quốc hội thành lập ủy ban điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử như họ đề xuất. Chỉ có cách đó mới chấm dứt mọi tranh cãi và tạo nền tảng cho việc giải quyết những khiếu nại gian lận nếu có trong tương lai” - ông Kipgen gợi ý.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg khẳng định chỉ có tổ chức đối thoại chính thức và công khai giữa phe dân sự và phe quân đội mới có thể giải quyết thế bế tắc hiện nay. Kể từ đầu tháng đến nay, chỉ có phe quân đội chiếm lĩnh hoàn toàn truyền thông và bộ máy lãnh đạo Myanmar, trong khi phe dân sự không hề được trao cơ hội tự lên tiếng giải thích hoặc tự biện hộ. Theo Bloomberg: “Nếu quân đội Myanmar thực sự quan tâm tới các vấn đề gian lận thì phải đối chất rõ ràng, chứ tranh giành quyền lực không phải là cách giải quyết hữu hiệu dài hạn”.•