vĐồng tin tức tài chính 365

Tết xưa - Tết nay: Chúng tôi mong Tết… không phải vì bánh chưng

2021-02-23 10:06
Tết xưa - Tết nay: Chúng tôi mong Tết… không phải vì bánh chưng - Ảnh 1.

Một góc xóm Pác Nghiên những ngày cận Tết Tân Sửu - Ảnh: YẾN DƯƠNG

Rất gần. Rất gần…

Tôi nghe thấp thoáng hơi thở của mùa xuân đang chạm khẽ vào cảnh vật những tia ấm đầu tiên trước thềm năm mới. Hình như mùa xuân đã thỏ thẻ với mầm cây điều gì bí mật khiến những lộc biếc, chồi non bừng tỉnh sau giấc ngủ dài trong mùa đông lạnh giá.

Bầu trời thấm đẫm những hạt sương còn sót lại từ đêm qua, chúng nối nhau tạo thành lớp áo mờ ảo bao quanh xóm núi. Bóng những ngôi nhà mái tôn, mái ngói mờ đi trong sương sớm, cũ xưa hiện về yên ả dưới những nếp nhà lợp cọ, tổ tiên người Dao ở đó, mùa xuân cũng từ đó đi ra…

Cái Tết thiếu ăn ám ảnh

Thời gian chảy trôi, mang theo bao hồi ức tươi đẹp lạc vào chiếc rương quá khứ. Những mùa xuân nối tiếp nhau lặng lẽ, không ai dám cả gan chống lại quy luật vận hành của vũ trụ.

Cha tôi luôn xúc động mỗi khi gợi nhắc kỷ niệm về những cái Tết thời thơ ấu, khi sự thiếu ăn trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong hồi ức của những đứa trẻ như cha thuở ấy.

Người ta sợ Tết, sợ phải đối mặt với các khoản chi tiêu, sợ không có gì để cúng ông bà tiên tổ, sợ cảnh nhà đông con không đủ tiền để mua phong bánh khảo hay gói kẹo lạc, kẹo chanh, vô vàn lý do khiến người ta sợ Tết... vô vàn!

Nhưng nỗi sợ khi ấy dường như không lan truyền từ người lớn sang con trẻ theo quy luật đám đông, cha tôi kể rằng ngày còn nhỏ, ông luôn thích thú và háo hức vô cùng mỗi dịp Tết sang.

Tết xưa - Tết nay: Chúng tôi mong Tết… không phải vì bánh chưng - Ảnh 2.

Cây cỏ lào nở hoa trắng xóa báo hiệu xuân về - Ảnh: YẾN DƯƠNG

Cha bảo hồi đó nhà ông bà nội rất nghèo, cơm độn sắn là thứ tinh bột vô giá đã nuôi lớn cha và các anh chị em khác trong nhà. Thế nên, bánh chưng mới là thứ xa xỉ nhất với những đứa trẻ sinh ra tại một xóm núi xa xôi lúc bấy giờ.

Những năm thập niên 80, niềm vui ngày Tết cũng hết sức bình dị, trẻ con mừng rỡ khi trông thấy cây cỏ lào nở hoa và háo hức mong hoa chóng tàn. Thời điểm hoa cỏ lào rơi rụng cũng là lúc báo hiệu Tết đến.

Dồn hết thảy nỗi sợ sang người lớn, những đứa trẻ hồn nhiên gửi nụ cười, gửi ước vọng nhỏ bé cả năm trời của mình vào mỗi chiếc bánh chưng.

365 ngày dài đằng đẵng cuối cùng cũng trôi qua, những ánh mắt thơ dại, những khuôn mặt hốc hác, đói meo ngày thường sắp sửa được bóc vỏ bánh chưng, được thỏa thuê hít hà mùi gạo nếp thơm dẻo sau lớp lá dong xanh vẫn còn tỏa khói nghi ngút.

Cha bảo rằng phải tranh thủ "hít" lấy mùi bánh chưng ngay lúc vừa vớt ra để lưu lại cái hương thơm tuyệt vời ấy, khi nào thèm quá thì lục tìm ký ức, nhóp nhép thưởng bánh trong tưởng tượng, mòn mỏi chờ đến dịp Tết sang năm.

Sắc trắng của hoa cỏ lào đã bị lãng quên

Xa xa những ngọn đồi, các bà các mẹ đang tìm hái những tàu lá dong to bản, xanh thẫm, không dính bụi bẩn để đem về gói bánh. Mùa xuân đương tới thật rồi! Những đứa trẻ của thời hiện đại cũng mong ngóng Tết từng ngày. Nhưng chúng mong Tết… không phải vì bánh chưng!

Những ngày cuối năm, không chỉ người lớn tất bật chuẩn bị, sắm sửa đủ các thức quà, các khoản chi tiêu sao cho vừa vặn, hợp lý, mà trẻ con cũng bận rộn chẳng kém. Quanh xóm tôi, những đứa trẻ đã bàn nhau rôm rả về các dự định vui chơi trong ngày Tết.

Tết xưa - Tết nay: Chúng tôi mong Tết… không phải vì bánh chưng - Ảnh 3.

Cùng mẹ gói bánh chưng gù trước thềm Tết đến - Ảnh: YẾN DƯƠNG

Bên vệ đường, những khóm hoa cỏ lào đã tàn dần, xác hoa rời thân mẹ, bay theo gió đến tận phương trời xa. Bọn trẻ háo hức mong Tết về, chúng nhẩm đếm thời gian trôi bằng tờ lịch bé tí trên điện thoại thông minh, sắc trắng của hoa cỏ lào đã bị lãng quên.

Mỗi bông hoa như một vị sứ giả canh giữ thời gian, chỉ cần nhìn vào đó sẽ biết ngay khi nào Tết đến. Ngày xưa hoa tàn khi tiết xuân vừa chạm trời đất, ngày nay cỏ lào đã tàn ngay khi những cánh hoa mỏng manh còn đương thắm.

Tiếc thay cho những đứa trẻ sinh ra trong ấm no, đủ đầy, các em liệu có ai còn biết tới tờ lịch tự nhiên ấy?

Mùa xuân đang đến rất gần

Tuổi thơ tôi gắn liền với những câu chuyện cha kể, có lẽ vì thế mà tôi luôn tin rằng bánh chưng là thức quà tinh túy của đất trời và sẽ thật may mắn khi được ăn bánh trong những ngày Tết.

Với tôi, bánh chưng gù mẹ gói luôn là thứ bánh đặc biệt nhất. Bánh được làm từ hạt gạo nếp nương thơm dẻo, nhân bánh gồm đỗ xanh xay nhuyễn và thịt lợn băm nhỏ xào cùng rau răm.

Mỗi chiếc bánh còn gói trọn cả ngàn yêu thương mẹ thầm gửi gắm, những ước vọng giản đơn về tương lai của hai chị em tôi, mong cho cuộc đời chúng tôi sẽ bớt đi vất vả so với bố mẹ những ngày trước.

Tết xưa - Tết nay: Chúng tôi mong Tết… không phải vì bánh chưng - Ảnh 4.

Những bó củi đã sẵn sàng nhen lửa đun nồi bánh chưng - Ảnh: YẾN DƯƠNG

Sẽ thật buồn nếu những chiếc bánh chưng các bà, các mẹ dành nhiều tâm sức gói nên không có người thưởng thức, Tết cũng sẽ vơi phần ý nghĩa nếu thiếu đi hương vị đặc biệt của bánh chưng.

Nhớ hồi nhỏ, tôi đã ước những ngày Tết kéo dài thêm nữa để lúc nào tôi cũng được ăn bánh chưng gù mẹ gói, được nghe cha hoài niệm về một thời đã xa, được nũng nịu khi bánh chưng lem vào tay… Lớn lên, tôi vẫn luôn mang bên mình điều ước giản đơn ấy!

Hoa cỏ lào đã nở trắng ven các triền đồi, ven soi bãi dọc hai bờ sông. Những bông cỏ lào già đã ngả màu vàng nâu, xác hoa thoảng bay theo ngọn gió cuối đông. Mùa xuân đang đến rất gần.

Dưới mái hiên những ngôi nhà lợp ngói, lợp tôn, lá dong đã được chuẩn bị sẵn để gói bánh chưng, thanh niên trong xóm í ới gọi nhau đi thịt lợn Tết, đám trẻ con tung tăng chạy nhảy, nô đùa rộn vang khắp xóm nhỏ.

Gia đình tôi cũng đang tất bật đem về nhà những bó củi cuối cùng để kịp nhen lửa cho nồi bánh chưng…

banner Têt xưa - Tết nay

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Những cái Tết thiếu thốn và dè sẻn của ngày thơTết xưa - Tết nay: Những cái Tết thiếu thốn và dè sẻn của ngày thơ

TTO - Bởi như một chuyện đương nhiên mỗi dịp Tết đến, những ai lớn nhất mới cần có quần áo mới, đám em út nhỏ hơn trong nhà sẽ phải thừa hưởng quần áo cũ của anh chị như một sự nối tiếp và tiết kiệm.

Xem thêm: mth.53280217022201202-gnuhc-hnab-iv-iahp-gnohk-tet-gnom-iot-gnuhc-yan-tet-aux-tet/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tết xưa - Tết nay: Chúng tôi mong Tết… không phải vì bánh chưng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools