Chủ tịch FED dự kiến sẽ giải trình trước các Hội đồng của Thượng viện và Hạ viện trong những ngày tới như là một phần của việc cập nhật bắt buộc nửa năm 1 lần về chính sách tiền tệ của cơ quan này. Trong bối cảnh thị trường tài chính xáo trộn trong những ngày gần đây, cách FED phản ứng có thể được các nhà đầu tư chú ý hơn bình thường.
Theo kế hoạch, ông Powell sẽ có phiên điều trần trong 2 ngày 23 và 24/2. Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income, cho biết: "Tình huống đang trở nên thú vị hơn so với một phiên điều trần của Chủ tịch FED. Ông ấy đang thực sự ở trong một tình thế khó khăn".
Điều thu hút sự chú ý của thị trường gần đây là lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, đặc biệt là sự chênh lệch xa hơn trên đường cong lãi suất. Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm đi ngang, trái phiếu loại 5 năm đã tăng gần ¼ điểm phần trăm khi thị trường đóng cửa cuối tuần trước. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu loại 10 năm đã tăng 41 điểm phần trăm để chạm 1,34%. Đây là mốc mà nó đã chạm đến năm 2020, trước cú sập tồi tệ do đại dịch Covid-19.
Trong khi đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm thậm chí còn tăng mạnh hơn với gần nửa điểm trong năm nay lên 2,14%.
Tình trạng khó xử của ông Powell có thể được giải thích như sau: Lợi suất trái phiếu tăng có thể báo hiệu sự suy thoái của nền kinh tế mà FED đang thúc đẩy. Nếu xu hướng vượt ngoài tầm kiểm soát, FED có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với thị trường mong đợi.
"Nếu phiên điều trần diễn ra sau cánh cửa đóng kín, tôi nghĩ Powell sẽ khá hài lòng với những gì ông thấy ở nền kinh tế và thị trường. Tuy nhiên, vì nó diễn ra công khai nên ông ấy phải cẩn thận. Nếu ông ấy quá lạc quan, thị trường sẽ coi đó là ‘đèn xanh’", Sheets cho biết.
Trong năm qua, FED đã tiến hành các chính sách tiền tệ lỏng lẻo chưa từng có trong lịch sử, giảm lãi suất xuống gần 0 và mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Đây nằm trong chuỗi biện pháp để kích thích kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở nước Mỹ hồi năm ngoái và tiếp tục gây ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, Quốc hội Mỹ đã đưa ra hơn 3.000 tỷ USD để kích thích kinh tế và có thể phê duyệt thêm 1.900 tỷ vào cuối tuần này. Tất cả những điều đó xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Phố Wall kỳ vọng về tăng trưởng trong quý đầu năm 2021 và các chỉ số dựa trên lạm phát cũng đang tăng lên.
"Tâm lý thị trường đã thay đổi", Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, cho biết. Người ta sẽ không hỏi xem sản lượng có tăng hay không mà thị trường đang cố gắng đi tìm thời điểm sự thay đổi lớn sẽ diễn ra.
Hiện tại, các nhà đầu tư lo lắng liệu các biện pháp kích thích của Mỹ đã đi quá đà và gây bất ổn cho nền kinh tế về lâu về dài hay không.