Sự phát triển của các khu công nghiệp trên thế giới
Tại các cường quốc, kinh tế công nghiệp được quy hoạch phát triển bài bản. Trong đó có rất nhiều vùng công nghiệp nắm giữ gần như toàn bộ đóng góp đối với kinh tế công nghiệp quốc gia.
Thành phố công nghiệp Jubail Ả Rập Xê Út được biết tới là khu công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Là thành phố lớn nhất Trung Đông nằm tại phía Đông của Ả Rập Xê Út, đây hiện là nơi "đóng đô" của nhà máy hóa dầu lớn thứ tư trên thế giới. Jubail sở hữu dự án điện và sản xuất nước ngọt lớn nhất thế giới, với công suất 800 triệu lít nước và 2743,6 megawatt điện mỗi ngày.
Khu công nghiệp MidAmerica
Một khu công nghiệp nổi tiếng khác là MidAmerica với nhiều thành công trong suốt 60 năm qua. Tọa lạc tại khu vực trung tâm của Oklahoma, đây là khu công nghiệp lớn thứ 3 tại Mỹ và nằm trong top 10 toàn cầu. MidAmerica là nơi tập trung của hơn 80 doanh nghiệp lớn, trong đó có 7 công ty thuộc danh sách Fortune 500, bao gồm những tên tuổi như Google, DuPont, Nordam…
Một xu hướng mới trên thế giới là phát triển các khu công nghiệp sinh thái (Eco-industrial park - EIP), nơi các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có mối liên kết cộng sinh chặt chẽ, hướng tới một hoạt động kinh tế có tính xã hội và tạo ra môi trường chất lượng cao. Điển hình trong đó là khu công nghiệp Kalundborg – Đan Mạch.
Khu công nghiệp này bao gồm: Nhà máy nhiệt điện lớn nhất tại Đan Mạch – Nhà máy điện Asnaes, Nhà máy lọc dầu Staltoil, Nhà máy sản xuất dược phẩm và enzym Novo Nordisk,… và đô thị Kaludborg phân phối nước, điện cho 20.000 người dân. Trên cơ sở cộng sinh, các công ty tham gia trao đổi nguyên liệu và năng lượng vì lợi ích chung, phế thải từ một công ty này có thể được sử dụng như là đầu vào chi phí thấp cho công ty khác.
Tình hình về các khu công nghiệp của Việt Nam trong thời gian vừa qua
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2020, cả nước có 369 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 113,3 nghìn ha, trong đó 280 khu công nghiệp đang hoạt động, 89 KCN đang xây dựng cơ bản.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa qua đi, các khu công nghiệp tập trung nhiều lao động là những nơi dễ bị tổn thương nhất. Chỉ cần một người lao động nhiễm Covid-19, cả dây chuyền, thậm chí cả doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, gây ra nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định khi kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo nhịp tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tính đến năm 2020, Việt Nam đã triển khai trên 10 dự án có quy mô giao động từ 1.500 ha đến trên 2.000 ha, phân bổ đều khắp cả nước. Điển hình trong số đó là khu công nghiệp Phước Đông (Tây Ninh), khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM), khu công nghiệp Becamex (Chơn Thành - Bình Phước)…
Đồng thời các khu công nghiệp theo mô hình truyền thống cũng được hướng tới chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái như khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C – TP. Hải Phòng), khu công nghiệp Khánh Hòa (Đà Nẵng), khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ)…
Tiềm năng và các dự án khu công nghiệp được đầu tư gần đây
Bên cạnh đại dịch, ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đổ đi tìm các vùng đất mới. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến đầu tư an toàn và đứng trước một làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang.
Điều đó có thể quan sát thấy khi mà nhà đầu tư Jinyu Tire của Trung Quốc đã dịch chuyển vào khu công nghiệp Phước Đông (Tây Ninh) với tổng vốn 312 triệu USD.
Mới đây nhất, Foxconn - đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple đã quyết định đặt các nhà máy tại khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang với vốn đầu tư 270 triệu USD. Hơn nữa, doanh nghiệp này có thể sẽ đặt thêm dự án đầu tư 1,3 tỷ USD tại một trong ba khu công nghiệp lớn của tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 5/2020, tại tỉnh Long An, dự án khu công nghiệp sinh thái lớn nhất cả nước đã được khởi công. Với diện tích rộng 1.800 ha, khu công nghiệp được đầu tư theo hướng xanh, sạch, bền vững góp phần đón đầu "làn sóng" dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 của Việt Nam.
Để chạy đua trong cuộc cách mạng 4.0, các khu công nghiệp công nghệ cao được triển khai mở rộng thu hút đầu tư. Nổi bật trong đó là khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích quy hoạch là 1.586 ha cùng số vốn đầu tư 89.300 tỷ đồng. Với khả năng tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động, hơn 50% số đó đạt trình độ đại học trở lên, nơi này trở thành khu vực tập trung lao động tri thức đông đảo khắp cả nước.
Tiến Dũng
Doanh nghiệp và Tiếp thị