vĐồng tin tức tài chính 365

Cổ phần hóa: Bao giờ thôi ì ạch? (*): Xử lý dứt điểm những tồn tại

2021-02-25 09:06

Để đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho năm 2021 và giai đoạn tới, Bộ Tài chính cho rằng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng danh mục tiêu chí DNNN thực hiện CPH, thoái vốn theo hướng tạo chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ thời gian việc sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN.

Hết lấy cớ vướng mắc đất đai

Theo Bộ Tài chính, do hầu hết DN thuộc diện CPH giai đoạn vừa qua đều là các DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai nên cần phải tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính, hoàn thành việc xác lập pháp lý cho các cơ sở nhà đất trước thời điểm tiến hành xác định giá trị DN. "Thực hiện quyết toán công tác CPH đúng thời hạn, nộp tiền thu từ CPH theo quy định của pháp luật" - đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Để đẩy nhanh tiến độ CPH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP bổ sung nhiều điểm mới, qua đó tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, khó khăn trong thực tiễn thời gian qua, đặc biệt về vấn đề sắp xếp, xử lý đất đai. Bên cạnh đó, Nghị định 140 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN và thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, về xác định giá trị DN.

Cổ phần hóa: Bao giờ thôi ì ạch? (*): Xử lý dứt điểm những tồn tại - Ảnh 1.

ACV là doanh nghiệp cổ phần hóa độc quyền khai thác 21 cảng hàng không nhưng nhà nước phải tự bỏ tiền ngân sách để sửa chữa khu bay, đường băng, sân đỗ… Trong ảnh: Một góc sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nghị định 140 cũng đưa ra các quy định về tư vấn CPH và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, về công bố thông tin, về đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ khi tham gia đấu giá mua cổ phần.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng điểm quan trọng là nghị định đã tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH. Theo đó, DN khi thực hiện chuyển đổi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi công bố giá trị DN. Nghị định đã quy định cụ thể về trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH, do đó các DN không thể lấy lý do là vướng mắc về sắp xếp, xử lý đất đai để trì hoãn quá trình CPH.

"Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của DN khi CPH và thời điểm xác định giá trị DN, Ban Chỉ đạo CPH sẽ chỉ đạo DN xây dựng phương án sử dụng đất khi CPH bao gồm toàn bộ diện tích đất của DN CPH và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DN CPH đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị DN" - ông Tiến nêu rõ phương án sử dụng đất khi CPH.

Ngoài ra, Nghị định 140 cũng quy định trách nhiệm, chế tài xử lý đối với trường hợp địa phương không có ý kiến và cơ quan đại diện chủ sở hữu không phê duyệt phương án sử dụng đất đúng thời hạn. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận đủ ý kiến của các địa phương về phương án sử dụng đất khi CPH, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH của DN và phải bảo đảm phương án được phê duyệt trước thời điểm quyết định công bố giá trị DN. Theo ông Tiến, các mốc thời gian đã được quy định rất rõ ràng, để tránh tình trạng chây ì.

Đối với các địa phương, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, UBND cấp tỉnh (nơi DN có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất khi CPH. UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi CPH. "Việc chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất của DN được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức" - ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Thay đổi nhận thức người đứng đầu

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần có sự thay đổi căn bản trong nhận thức, cách làm, sự quyết tâm của người đứng đầu khi triển khai CPH. Vấn đề này cũng đã được Bộ Tài chính chỉ rõ khi đề nghị người đứng đầu các bộ ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác CPH, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Một thực tế được TS Lê Đăng Doanh chỉ ra là "điệp khúc" chậm CPH thường xuyên được nhắc đến nhưng chưa có cá nhân, đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm. Theo phân tích của ông Doanh, việc thiếu các quy định, chế tài dẫn đến việc quy trách nhiệm rất khó, khó xác định được khâu nào làm, cá nhân hay đơn vị nào cố tình trì hoãn quá trình CPH. Do đó, chuyên gia này đề nghị cần có các quy định rõ ràng, chế tài cụ thể để xử lý nghiêm những cá nhân né tránh trách nhiệm, đùn đẩy khi thực hiện CPH. "Phải mạnh tay để xử lý những người đứng đầu có tâm lý sợ mất vị trí sau CPH. Không ít cá nhân có tư tưởng yên vị đã và đang làm chậm tiến độ đổi mới. Do đó, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu với quá trình CPH để không xảy ra tình trạng chậm trễ như thời gian qua" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng nâng cao hiệu quả quá trình thực thi các chính sách, quy định liên quan đến CPH là rất quan trọng. Trong thời gian qua, khung pháp lý về CPH chúng ta đã cơ bản có nhưng việc thực thi chưa nghiêm, quá trình giám sát, xử lý trách nhiệm chưa cứng rắn. Do đó, để CPH đẩy nhanh hơn, cần quy trách nhiệm rõ ràng từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, sau đó kiên quyết xử lý trách nhiệm nếu không đạt.

Một chuyên gia kinh tế kiến nghị cần công bố công khai rõ ràng lộ trình thực hiện CPH theo từng quý, nửa năm, cùng với thông tin những người chịu trách nhiệm chính để các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo kịp thời. Điều này cũng làm cơ sở để xử lý trách nhiệm khi không đáp ứng tiến độ CPH như đã đề ra.

Những bài học đắng chát...

Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 ban hành hồi đầu tháng 6-2020 không hề gây bất ngờ khi đưa 54 DN cấp nước ra khỏi danh sách thoái vốn để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn giai đoạn 2021-2025. Bởi trước đó, những lùm xùm liên quan đến một nhà đầu tư Thái Lan mua thành công 34% cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống và vụ việc Nhà máy Nước Sông Đà bị nhiễm dầu thải do đổ trộm đã khiến người dân cũng như các cơ quan chức năng cảm thấy bất an về một lĩnh vực trọng yếu sau cổ phần hóa (CPH).

Câu chuyện CPH Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng là một ví dụ về CPH thất bại. Sau CPH, ACV là đơn vị độc quyền khai thác 21 cảng hàng không với lợi nhuận lớn nhưng nhà nước phải tự bỏ tiền ngân sách để sửa chữa khu bay, đường băng, sân đỗ... Nguyên nhân nằm ở chỗ các hạng mục trên thuộc tài sản nhà nước và phải đầu tư bằng ngân sách theo quy định của pháp luật. Vướng mắc này khiến Bộ Giao thông Vận tải đưa ra một kiến nghị gây sốc: Nhà nước phải mua lại cổ phần ACV, đưa ACV trở lại là DN nhà nước!

Bài học từ ACV cho thấy CPH trong bất cứ trường hợp nào cũng phải đi vào thực chất, tức là đưa tư nhân vào đúng khu vực để họ có thể hoạt động, bứt phá, thay đổi về chất và đem lại lợi ích. Đồng thời, cần cơ chế bán cổ phần như thế nào để được giá nhất. CPH không nên được coi như là một "phong trào", làm thật nhanh, thật nhiều để báo cáo thành tích nguồn tiền thu được, mà phải làm từng bước theo đặc thù DN, cân nhắc nên CPH đến mức độ nào ở mỗi khu vực.

Nguồn tiền thu được từ CPH cũng là nội dung cần bàn. Chủ trương được nhấn mạnh từ trước đến nay là nộp toàn bộ nguồn tiền thu được từ CPH về ngân sách để quay trở lại phục vụ đầu tư công. Nhưng hiện nay, phải đặt vấn đề CPH DN nhà nước để DN đó khỏe mạnh hơn, hiệu quả hơn, trong đó, không loại trừ việc đưa nguồn tiền thu được từ CPH vào để tăng vốn cho DN. GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng tiền thu được từ CPH, thoái vốn ngoài dùng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm thì cần bổ sung vốn điều lệ cho DN nhà nước then chốt quốc gia để từ đó hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn. Bởi, không thể phủ nhận DN nhà nước là tài sản quan trọng của mỗi quốc gia. CPH nếu không giúp tăng hiệu quả hoạt động của DN, tăng khả năng thu hút nguồn lực tư nhân, giữ được lợi ích của người dân ở những lĩnh vực trọng yếu... thì không thể coi là thành công.

Phương Nhung

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-2

Xem thêm: mth.56712512242201202-iat-not-gnuhn-meid-tud-yl-ux-hca-i-ioht-oig-oab-aoh-nahp-oc/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cổ phần hóa: Bao giờ thôi ì ạch? (*): Xử lý dứt điểm những tồn tại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools