Hậu Giang, Cần Thơ ‘bắt tay’ mời doanh nghiệp mở rộng đầu tư
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ chính thức ký thỏa thuận hợp tác phát triển giữa hai địa phương, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, trọng tâm hợp tác là tăng cường việc xúc tiến đầu tư ở các tỉnh và vùng lân cận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển ở cả hai địa phương.
Hậu Giang đề nghị ngân sách 4.500 tỉ đồng mở rộng đường Vị Thanh - Cần Thơ
Tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ được đề xuất mở rộng ở giai đoạn 2 trong liên kết hợp tác giữa Hậu Giang và Cần Thơ nhằm thu hút đầu tư. Ảnh: Trung Chánh |
Nội dung nói trên được nêu ra tại hội nghị “Sơ kết và ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025” diễn ra vào chiều nay, 26-2, ở tỉnh Hậu Giang.
Bản thoả thuận đặt ra mục tiêu, tiếp tục nâng tầm hợp tác các lĩnh vực sao cho thiết thực, khả thi và phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong từng giai đoạn của mỗi địa phương.
Đặc biệt, trọng tâm hợp tác của giai đoạn 2021-2025 là tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư ở các tỉnh và vùng lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở hai địa phương, nhất là trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư liên tỉnh hoặc liên vùng; phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên tỉnh- thành.
Ngoài ra, thoả thuận hợp tác của hai địa phương cũng nhằm cụ thể hóa các hoạt động trong khuôn khổ liên kết vùng, cụm liên kết vùng và cụm ngành trên cơ sở các hoạt động cụ thể và hiệu quả.
Về nội dung, giai đoạn 2021-2025, hai địa phương hợp tác khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghiệp; thương mại - dịch vụ; quản lý hạ tầng đô thị; giao thông; tài nguyên và môi trường; khoa học- công nghệ; thể thao - du lịch; lao động - thương binh và xã hội; an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh.
Thời gian qua, giữa hai địa phương cũng đã có mối quan hệ hợp tác và đã đạt được một số kết quả khá nổi bật trong các lĩnh vực, gồm nông nghiệp và phát triển nông thôn; thương mại - dịch vụ; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; giao thông vận tải; y tế…
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, dẫn chứng, một số doanh nghiệp ở Cần Thơ đã mở rộng đầu tư vào các khu công nghiệp tại tỉnh Hậu Giang, như Công ty dược phẩm Hậu Giang (Cần Thơ) đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm; Công ty VEMIDIM đầu tư sản xuất thuốc thú y, Công ty HAMACO đầu tư sản xuất bê tông…
Theo ông Toại, về thương mại - dịch vụ, nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ cũng đã mở rộng đầu tư vào Hậu Giang, như đầu tư phát triển hạ tầng, chợ truyền thống; liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản ở Hậu Giang…
Lãnh đạo hai địa phương ký kết hợp tác giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Trung Chánh |
Trong khi đó, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang cho biết, với lĩnh vực giao thông vận tải, hai địa phương đã phối hợp đầu tư xây dựng được tuyến đường nối Vị Thanh- TP Cần Thơ (quốc lộ 61C); tuyến đường giao thông Bốn Tổng- Một Ngàn; đường tỉnh 926, 931B...
“Sau khi đầu tư, đưa vào sử dụng tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn, đã trở thành trực hành lang kinh tế mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai trung tâm hành chính cấp huyện là thị trấn Một Ngàn của huyện Châu Thành A và thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ”, ông Tân dẫn chứng.
Theo ông Tân, gần đây nhất, việc TP Cần Thơ khởi công xây dựng cầu Vàm Xáng kết nối quốc lộ 61C với huyện Phong Điền, đã mở ra cơ hội rất lớn cho việc kết nối hạ tầng giao thông của hai địa phương. “Tóm lại, thời gian qua, với nỗ lực của hai địa phương, nhiều công trình đã hoàn thành, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của khu vực, đồng thời thắt chặt liên kết giữa hai địa phương”, ông Tân nhấn mạnh.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hậu Giang, cho rằng liên kết vùng là xu thế tất yếu, do đó, hai địa phương cần chủ động hợp tác để đón đầu xu thế, tận dụng cơ hội bứt phá.
Theo ông Châu, trong thời gian tới, hai địa phương phải cụ thể hóa 12 nội dung định hướng hợp tác, trong đó, cần tăng cường cơ chế tham vấn ý kiến trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, định hướng phát triển. Đặc biệt, là tham vấn lẫn nhau trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh của mỗi địa phương nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau cùng phát triển, tránh cạnh tranh đi xuống.
Theo ông Châu, cần hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kết nối thủy, bộ giữa hai địa phương, mà cụ thể là đầu tư giai đoạn 2 tuyến nối Vị Thanh - Cần Thơ nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của vùng.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng, cần quan tâm hơn đến việc hợp tác trong phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nước, chất thải; phát huy tiềm năng phát triển hành lang kinh tế dọc sông Hậu, kênh xáng Xà No và đường nối Cần Thơ - Vị Thanh; nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, phối hợp mở các tour, tuyến du lịch trải nghiệm sông nước, du khảo đồng quê của hai địa phương.
Song song đó, ông Châu kêu gọi, thời gian tới, hai địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, doanh nghiệp và các hoạt động giao lưu giữa chính quyền với chính quyền của hai địa phương.
Xem thêm: lmth.-ut-uad-gnor-om-peihgn-hnaod-iom-yat-tab-oht-nac-gnaig-uah/180413/nv.semitnogiaseht.www