Ấn Độ muốn xây dựng các trung tâm sản xuất container để thúc đẩy xuất khẩu
Chánh Tài
(TBKTSG Online) – Chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch tự sản xuất container với số lượng lớn như là một phần của sáng kiến ‘Ấn Độ tự cường’ (Atmanirbhar Bharat).
Sáng kiến ‘Ấn Độ tự cường’ đã chắp cánh cho hoạt động xuất khẩu của nước này đồng thời làm giảm hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Một vấn đề nảy sinh từ sự thay đổi cán cân thương mại này là Ấn Độ không có đủ container rỗng để thúc đẩy xuất khẩu tăng cao hơn nữa do Trung Quốc đang nắm giữ hơn 95% thị phần container toàn cầu. Giờ đây, chính phủ Ấn Độ lên kế hoạch tự sản xuất container với số lượng lớn như là một phần của sáng kiến ‘Ấn Độ tự cường’.
Xem xét thiết lập các trung tâm sản xuất container
Hôm 23-2, tờ The Economic Times (Ấn Độ) dẫn các nguồn tin cho biết Chính phủ Ấn Độ đang xem xét thiết lập các trung tâm sản xuất container ở trong nước. Hồi cuối năm ngoái, Bộ Cảng biển, hàng hải và đường thủy Ấn Độ đã thành lập một ủy ban đánh giá tính khả thi của việc xây dựng một trung tâm sản xuất container theo tiêu chuẩn quốc tế ở TP. Bhavnagar, bang Gujarat.
Hiện tại, Ấn Độ chủ yếu mua container từ Trung Quốc cũng như thuê container từ các hãng tàu chở hàng hóa của Trung Quốc bán sang Ấn Độ để phục vụ hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách tự cường của Ấn Độ và căng thẳng biên giới gần đây với Trung Quốc khiến Ấn Độ giảm mua hàng hóa của Trung Quốc. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt container cho các công ty xuất khẩu Ấn Độ. Hậu quả là họ phải tốn thêm chi phí do phải trả giá cước vận biển ở mức cao ngất ngưỡng vì các hãng tàu liên tục tăng phụ phí với lý do thiếu hụt container.
Mahesh Keyal, Giám đốc xuất khẩu của Công ty sắt thép Mortex ở TP. Kolkata, cho biết giá cước vận chuyển một container từ Kolkata đến TP. Rotterdam (Hà Lan) đã tăng từ 800 đô la lên mức 2.000-2.500 đô la. Sáng kiến ‘Ấn Độ tự cường’ có thể khiến Ấn Độ giảm mạnh nhập khẩu hàng hóa trong 3-4 năm tới và điều này cũng có nghĩa là Ấn Độ sẽ mất đi lợi thế thặng dư container.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất container ở TP. Khải Đông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - nước đang nắm giữ 95% thị phần sản xuất container toàn cầu. Ảnh: Bloomberg |
“Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề thiếu hụt container trong thời gian sớm nhất khi chúng ta tập trung thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu”, Ajay Sahai, Tổng giám đốc Hiệp hội các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ, nói.
Ông Ajay Sahai cho rằng Ấn Độ nên bắt tay sản xuất container với số lượng lớn vì việc đặt mua container từ Trung Quốc và đưa về Ấn Độ sẽ khiến chi phí tăng 45-50% so với việc tự sản xuất container tại Ấn Độ. Ông nói: “Ấn Độ có nhiều xưởng đóng tàu hoạt động không hết công suất. Hãy để các xưởng đóng tàu này sản xuất container. Sản xuất container ở trong nước sẽ giúp giảm chi phí và khi bạn thiếu hụt container, bạn có một thị trường trong nước sẵn sàng đáp ứng”.
Xuất khẩu bị kìm hãm vì thiếu container
Giữa đại dịch Covid-19, Ấn Độ trở thành nhà cung cấp quan trọng cho thế giới ở các mặt hàng như gạo, thịt và các nông sản khác. Thiếu hụt container đã gây ra tình trạng ách tắc, chậm trễ trong hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ.
Ấn Độ bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng container rỗng kể từ tháng 11 năm ngoái khi hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc giảm mạnh do tác động của đại dịch và căng thẳng địa chính trị. Hiện tại, Trung Quốc là nước sản xuất container lớn nhất thế giới với thị phần hơn 95%.
Amitabh Kumar, Cục trưởng Cục hàng hải thuộc Bộ Cảng biển, hàng hải và đường thủy Ấn Độ, nói: “Chúng tôi từng có rất nhiều container rỗng nhưng tình hình thay đổi kể từ tháng 8 năm ngoái khi xuất khẩu của Ấn Độ phục hồi hình chữ V”. Trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ tăng 18%, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm đến 24% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu của Ấn Độ tăng ở hàng loạt mặt hàng như dược phẩm, thuốc lá, quặng sắt, gạo, chè, rau quả, hạt điều, hóa chất.
“Chính phủ đang lưu tâm đến vấn đề không có sẵn container rỗng. Giữa lúc xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang trong xu hướng tăng mạnh, tình trạng khan hiếm container trở thành một lực cản lớn. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu toàn cầu đối với gạo Ấn Độ vẫn duy trì ở mức cao. Và để tăng xuất khẩu gạo, điều quan trọng là chúng tôi phải giải quyết vấn đề thiếu container”, Vinod Kaul, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nói.
Trong năm 2020, xuất khẩu nông nghiệp của Ấn Độ tăng 10%. Từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái, Ấn Độ chứng kiến xuất khẩu gạo tăng 80,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 11,58 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu đường của Ấn Độ được cho là có thể giảm 12% trong năm nay khi vấn đề thiếu container kìm hãm hoạt động xuất khẩu đường của nước này và đang đẩy giá đường lên mức cao nhất trong 4 năm qua.
“Tình trạng thiếu container đang kìm hãm lượng đường xuất khẩu của chúng tôi. Chúng tôi đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn đường nhưng chỉ xoay giao được một triệu tấn”, Prakash Naiknavare, Giám đốc Liên đoàn quốc gia các nhà máy đường hợp tác xã Ấn Độ, nói.
Trong tháng 1 năm nay, Ấn Độ xuất khẩu 300.000 tấn đường, giảm so với con số 700.000 tấn vào cùng kỳ năm ngoái. Naiknavare dự báo Ấn Độ chỉ có thể xuất khẩu 5 triệu tấn đường trong niên vụ 2020-2021 kết thúc vào ngày 30-9, thấp hơn con số 5,7 triệu tấn trong niên vụ năm ngoái.
Theo Economic Times, Reuters, Mumbai Mirror