Ngày 3.2.2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”. Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, hệ thống camera giám sát không chỉ phục vụ cho đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn giúp sức rất nhiều trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Lần tìm manh mối vụ án từ camera an ninh
Có những vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc, song khi lực lượng cảnh sát truy xuất từ hệ thống camera an ninh, việc phá án được “tháo nút”. Lực lượng cảnh sát cho biết, camera an ninh “giúp sức” rất nhiều trong phá án.
Đơn cử, tối muộn ngày 29.1.2019 (tức 24 Tết), tại trước cổng phụ Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ tài xế taxi bị cứa cổ, tử vong tại chỗ.
Thời điểm đó, chỉ có một nhân chứng duy nhất, trình báo thấy nghi phạm nam giới chạy vụt vào cổng làng Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình. Các tổ công tác chia nhau khám nghiệm hiện trường, tử thi, xác định nhân thân lai lịch nạn nhân, lịch trình di chuyển... Hàng trăm camera quanh khu vực được trích xuất để phục vụ công tác điều tra.
Vụ án như đi vào ngõ cụt khi chứng cứ mờ nhạt, nhân chứng chỉ có duy nhất một người. Dấu vết duy nhất lúc này chỉ là hơn 10 trích đoạn video đọc đường và camera hành trình ở taxi của nạn nhân.
Sau đó, lực lượng cảnh sát dựng lên được chân dung nghi phạm Nguyễn Cảnh An (20 tuổi, quê Nghệ An). Qua camera, cùng với các tài liệu khác, cảnh sát tìm ra đường lẩn trốn của nghi phạm sau khi gây án. Tối 3.2.2019 (tức ngày 29 Tết Nguyên đán 2019) cảnh sát đã bắt giữ Nguyễn Cảnh An, kết thúc vụ án “mờ”. Nguyễn Cảnh An sau đó bị Toà án Nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt tử hình hai tội Giết người và Cướp tài sản.
Một vụ án khác cũng nhờ hệ thống camera an ninh, lực lượng chức năng đã truy xét ra nghi phạm bắt cóc bé trai 2 tuổi ở thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) gần một năm trước.
Gần cuối tháng 8.2020, tại Công viên Nguyễn Văn Cừ (thành phố Bắc Ninh) xảy ra vụ bé trai 2 tuổi bị bắt cóc.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc truy tìm. Trong đó Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, đơn vị đang vận hành, quản lý hơn 300 camera giao thông giám sát tại các cửa ngõ ra vào TP.Bắc Ninh và các nút giao có lưu lượng phương tiện di chuyển lớn đã ghi lại lịch trình di chuyển kẻ bắt cóc bé trai trong công viên.
Nhờ camera an ninh, lực lượng cảnh sát tìm ra được lịch trình di chuyển của người phụ nữ nghi vấn. Những hành động của người phụ nữ này được camera ghi lại từng phút. Vì vậy, cơ quan công an xác định người phụ nữ khả nghi trên là Nguyễn Thị Thu (SN 1988, trú tại tổ 5 phường Hợp Giang, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).
Ngay trong tối 22.8.2020, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các lực lượng chức năng ập vào bắt giữ Thu tại nhà Đặng Văn Bằng (xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, chồng Thu), đồng thời giải cứu cháu Gia Bảo, đưa về Bắc Ninh bàn giao cho gia đình ngay trong đêm.
Cuối tháng 10.2020, Nguyễn Thị Thu bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Camera an ninh - công cụ hỗ trợ đắc lực phòng, chống tội phạm
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, camera an ninh hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng (gồm cả công an và lực lượng khác có liên quan) về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Đặc biệt trong công tác ngăn chặn, bắt giữ, truy bắt các đối tượng chạy trốn trên các tuyến địa bàn trọng điểm.
Theo tướng Hà, lực lượng cảnh sát hình từ lâu rồi cũng đã sử dụng các kết quả của camera an ninh nói chung và camera giám sát trên các tuyến giao thông nói riêng. Lực lượng chức năng qua đó đã xác định các phương tiện đối tượng sử dụng cũng như hành trình của đối tượng gây án, bỏ trốn trên các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện cá nhân, chạy trên các tuyến.
“Đặc biệt hệ thống camera an ninh khá hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông, quốc lộ” - tướng Hà nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cũng đồng tình rằng, camera an ninh nhà dân, cơ quan, đơn vị trong công tác điều tra phá án của lực lượng công an đóng vai trò quan trọng.
Theo luật sư Long, camera an ninh giúp lực lượng công an có chứng cứ (về hành vi, thời gian, chủ thể vi phạm…) để điều tra, khởi tố các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật được camera của nhà dân ghi lại liên quan đến các vụ việc vi phạm quy định an toàn giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, các sự vụ trộm cắp trên địa bàn nơi xảy ra vi phạm, kết hợp với tin báo và sự phối hợp của quần chúng nhân dân; từ đó lực lượng công an có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, ở các địa phương.
Từ hình ảnh camera của nhà dân, cơ quan, đơn vị đã giúp lực lượng Công an chấn chỉnh nhắc nhở hàng trăm người dân vi phạm khi tham gia giao thông, giúp đỡ nhân dân trích xuất hình ảnh truy tìm tài sản bị thất lạc, tìm kiếm người thân đi lạc, theo dõi truy tìm các đối tượng hoạt động trộm cắp trên địa bàn; hỗ trợ đắc lực cho hiệu quả công tác của lực lượng an ninh nhân dân…
Xem thêm: odl.689388-mahp-iot-gnohc-gnohp-naht-tam-hnin-na-aremac/taul-pahp/nv.gnodoal