Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2021 vừa kết thúc, người dân bắt đầu phải quay trở lại với quỹ đạo công việc từ ngày mùng 6 Tết (17-2). Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường học tại các tỉnh - thành phố vẫn chưa có lịch học tập trung, thay vì tới trường, học sinh ở nhà học trực tuyến.
Ngay từ trước Tết Tân Sửu, nhiều trường học đã bắt đầu khởi động chương trình học online để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Học sinh đã ít nhiều làm quen và thích ứng được với phương pháp học này, tuy nhiên sau 1 tuần nghỉ Tết tưng bừng, không ít bạn nhỏ đã trót quên... không ít mặt chữ.
Và thế là cuộc chiến nổ ra, giữa việc căng sức đi làm và căng não dạy con. Công việc sau Tết vốn chẳng mấy nhàn hạ, giờ bỗng nhiên phải kiêm thêm chức danh "giáo viên bất đắc dĩ" cho con cái. Cũng từ đó, có hàng tá những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra.
Tạm biệt bánh chưng và ngủ nướng, chuỗi ngày tất tả chính thức bắt đầu
Hết Tết, thời điểm trường kỳ kháng chiến với việc sáng dậy sớm đi làm, chiều hối hả về nhà của hầu hết mọi người đã chính thức bắt đầu.
Sau 1 tuần nghỉ ngơi, sum vầy cùng gia đình mà chẳng phải bận tâm đến công việc thì nay, mọi thứ cứ như ùn ứ, tồn đọng lại, đã đến lúc phải bắt tay vào làm. Sau Tết chính xác là khoảng thời gian vất vả với nhiều người.
Quay lại làm việc sau dịp Tết là một cơn ác mộng, với nhiều người và đặc biệt là với các mẹ. Qua rồi chuỗi ngày "nhàn hạ" với bánh chưng và ngủ nướng, gánh nặng "giỏi việc nước, đảm việc nhà" tiếp tục khiến chị em ngao ngán khi nghĩ tới. Xoay xở giữa việc công ty và việc nhà vốn là việc chẳng dễ bao giờ, giờ thêm chuyện con ở nhà vì dịch, khối chị hoảng.
Quay lại với guồng quay thường nhật, sáng vừa mơ ngủ vừa chạy đi làm, đến công ty là tối mặt tối mũi với deadline. Nhiều hôm "cúi xuống làm một lúc thôi" mà ngẩng lên đã đến giờ đón con. Cuộc sống mà.
Tất nhiên, cũng có những chị em may mắn hơn khi có thể tự chủ về thời gian và công việc, nhất là với những người kinh doanh buôn bán, tuy nhiên cũng xuất hiện những nỗi lo không kém cạnh gì.
Chị Hương, một chủ tiệm tạp hóa tại Tây Hồ - Hà Nội chia sẻ rằng đã mở hàng buôn bán từ ngày mùng 6 Tết, tuy nhiên 2 đứa con nhỏ thì vẫn chưa có lịch học tập trung tại trường, thay vào đó là thời khóa biết học online dài dằng dặc đến nỗi chị không thể nào nhớ nổi.
Với đặc thù của việc kinh doanh buôn bán, chị Hương bắt buộc phải đứa cả 2 cậu ấm ra tận cửa hàng để vừa trông con vừa bán hàng và khi đến giờ phải ngồi kèm con học online. Không ít lần giờ học online của cả 2 đứa trùng với nhau khiến chị lực bất tòng tâm chẳng biết phải xử lý thế nào.
Dạy con học chưa bao giờ là 1 việc đơn giản
Học online của các bạn nhỏ luôn cần sợ hỗ trợ của phụ huynh.
"Cửa hàng mình buôn bán chủ yếu là nhu yếu phẩm nên vẫn kinh doanh bình thường chứ không phải hạn chế như 1 số mặt hàng khác. Thế nhưng, khách đến mua bán không hề ít, mình không nắm được người ta là ai và từ đâu đến, con cái thì còn quá nhỏ để biết cách tự bảo vệ sức khỏe nên mình cũng không muốn đưa cả 2 đứa ra cửa hàng chút nào.
Có những buổi lịch học online của 2 đứa trùng nhau, mình phải chạy sang mượn máy tính xách tay của hàng xóm để cho cả 2 đứa học, đang học dở thì khách đến mua đồ rất đông, mình cứ chạy ra bán hàng thì con cái bên trong lại ời ời gọi mẹ", chị Hương dở khóc dở cười chia sẻ.
Do vừa trải qua 1 kỳ nghỉ kéo dài, nhiều bạn nhỏ trót quên luôn không ít kiến thức, phụ huynh từ đó cũng bắt buộc phải sắm thêm vai giáo viên bất đắc dĩ cho con mình. Với những cha mẹ vốn không có kiến thức sư phạm thì đây quả thực là 1 cơn ác mộng khi giảng mãi mà các cô các cậu vẫn tròn xoe đôi mắt chẳng hiểu cái gì.
Anh Minh, 1 nhân viên văn phòng chia sẻ rằng có hàng đống công việc khó giải quyết vô cùng với các con số, con chữ mà nhìn thôi đã đủ hoa mắt nhưng anh vẫn có thể xử lý gọn gàng. Thế nhưng, đôi khi chỉ cố gắng giải cho cậu ấm ở nhà nhớ phép cộng trong phạm vi 20 thôi cũng đủ khiến anh "tẩu hỏa nhập ma".
Sáng vật lộn đi làm - Chiều méo mặt vừa làm giáo viên cho con vừa làm osin cho cả nhà
Những người phụ nữ 3 đảm đang sau khi làm tốt việc nước, giỏi việc dạy con học online thì còn phải đảm việc dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho gia đình.
Vậy là mỗi buổi sáng, những người phụ nữ 3 đảm đang sẽ phải dậy thật sớm lao mình vào công việc đủ 8 tiếng hành chính. Chiều đến, họ lại khẩu trang đang hoàng băng mình vào tắc đường để về nhà chuẩn bị "set up" giờ học online cho con cái. Buổi tối, họ vội vội vàng vàng nấu cơm cho cả nhà rồi lại phải dọn dẹp nhà cửa khi mà osin chẳng ai thèm đi làm.
Chị Oanh đã từng rơi vào tình huống vô cùng oái oăm khi cả nhà chỉ có 1 chiếc máy tính xách tay, khi đang chuẩn bị cho con học online với cô giáo thì bất ngờ nhận được thông báo họp qua zoom với "sếp tổng".
"Thường thì bạn nhà mình sẽ học online vào lúc 19h30' 1 số buổi tối, mình lo bật máy vào phòng cho con thì vẫn phải ngồi cùng con để hỗ trợ đảm bảo tiết học có hiệu quả cao nhất và có tiếp thu được kiến thức giáo viên truyền tải.
Thế nhưng, hôm đó sau khi chuẩn bị máy móc cho con thì nhận được thông báo có cuộc họp zoom khẩn cấp với sếp. Lúc đó cuống quá không nhớ ra là có thể dùng điện thoại di động họp được nên cứ cuống hết cả lên, thậm chí suýt phát khóc vì áp lực đủ việc. May mắn lúc đó ông xã về hỗ trợ mới ổn thoả. Tuy nhiên, tối đó cả nhà phải ăn cơm rất muộn", chị Oanh kể lại tình huống oái oăm của mình.
Không chỉ vào vai 1 giáo viên bất đắc dĩ, các bà mẹ "siêu nhân" phải sắm thêm vai trò osin bất đắc dĩ cho cả nhà khi mà osin nhà mình chưa ăn hết Tết và sợ dịch chưa dám đi làm.
Nhà cửa bề bộn khi osin mãi chẳng thấy tăm hơi đâu
Đó là chuyện của gia đình chị Phương (Long Biên - Hà Nội). Do nhà cửa khá rộng và nhiều tầng, thậm chí có thêm 1 khoảng sân vườn nên chị Phương thường xuyên phải có sự hỗ trợ của osin thì mới giữ được nhà cửa gọn gàng sạch sẽ. Thế nhưng, hết Tết thì cũng đã hơn 1 tuần trôi qua chưa kể osin nhà chị cũng đã xin nghỉ Tết rất sớm trước đó, dù chị đã cố gắng dọn dẹp thế nhưng công việc và dạy con cái học hành đã đốt hết sạch năng lượng của chị.
"Nhà mình khá rộng nên thường không thể 1 mình mình dọn dẹp hết được, chưa kể nhà mình có 3 cậu con trai nên chúng khá nghịch ngợm. Ra tết, cả 3 bạn ý cùng học trực tuyến, mình lại có 1 cửa hàng kinh doanh không thể vắng mặt để điều hành nên nhà cửa càng ngày càng bừa bộn.
Thế nhưng gọi điện cho chị giúp việc thì cứ hẹn lần hẹn nữa vẫn chẳng thấy đâu, thậm chí chẳng thèm nghe máy luôn. Mình phải chọn book lịch dọn dẹp qua ứng dụng trên điện thoại mà cũng chẳng có ai nhận việc".
Thế là chị Phương đành phải oằn lưng ra vừa dạy con học vừa kiếm luôn việc của osin, dọn dẹp đủ cả 4 tầng nhà, giặt giũ quần áo của cả gia đình 5 thành viên, chưa kể phải đảm bảo cơm nước cho mọi người vì muốn hạn chế tối đa việc ra đường không cần thiết trong thời điểm đẩy mạnh phòng chống dịch như hiện nay.
Tính đến nay, có rất nhiều trường học đã bắt đầu kết thúc lịch học online để bắt đầu triển khai kế hoạch học tập trung cho học sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, vẫn còn không ít trường học lựa chọn học online và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Bên cạnh đó, cũng đã có không ít những ứng dụng trung gian tìm kiếm người giúp việc nhà đã bắt đầu hoạt động. Có lẽ, chuỗi ngày vào vai giáo viên và osin bất đắc dĩ sẽ bớt kinh hoàng hơn đối với nhiều chị em phụ nữ.
MẠN NGỌC
NHỊP SỐNG VIỆT