Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine, đối tượng tiêm, sự an toàn của vaccine, các biện pháp ứng phó, xử trí sau tiêm, cũng như hiệu quả bảo vệ của vaccine đến đâu là điều mà người dân đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết, đối tượng nào được ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hiện nay?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Một là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ cavid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); Quân đội; Công an. Nhóm 2 là nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Nhóm 3 là người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
PGS.TS Trần Đắc Phu |
Nhóm 4 là giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Nhóm 5 là người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. Nhóm 6 là người sinh sống tại các vùng có dịch. Nhóm 7 là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Nhóm 8 là người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Nhóm 9 là các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ quyết định địa bàn được ưu tiên là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Căn cứ khả năng cung ứng vaccine, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.
Phóng viên: Trước mắt chúng ta mới có vaccine AstraZeneca của Anh để tiêm cho đối tượng ưu tiên ở tuyến đầu chống dịch. Xin ông cho biết, tính sinh miễn dịch của vaccine này như thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Qua nghiên cứu chưa đầy đủ, tính sinh miễn dịch của vaccine AstraZeneca được khoảng 60-70% trở lên tùy theo các báo cáo, tuy vậy cũng chưa biết mức độ giảm nguy cơ lây bệnh như thế nào, sự tồn tại miễn dịch trong cơ thể con người bao lâu, vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu. Thông thường, khi nghiên cứu và sản xuất một loại vaccine, phải mất từ 5-10 năm, nhanh nhất như vaccine quai bị cũng phải mất 4 năm.
Còn tất cả vaccine phòng COVID-19 việc sản xuất đều gấp gáp, đưa vào sử dụng trong tình trạng khẩn cấp phòng chống dịch, thời gian mới chưa đầy 1 năm nên chưa có thời gian để đánh giá rõ ràng được hiệu quả của vaccine trong phòng bệnh.
Cán bộ, nhân viên y tế và một số lực lượng sẽ được ưu tiên tiêm vaccine. |
Tuy nhiên, vaccine AstraZeneca có thế mạnh là bảo quản ở nhiệt độ 2 -8 độ C, giá thành chấp nhận được đối với các nước đang phát triển. Trong khi nhiều loại vaccine COVID-19 khác, bảo quản ở nhiệt độ âm 70-80 độ C, với điều kiện của chúng ta hiện nay, rất khó đáp ứng. Cả nước chỉ có kho tổng của VNVC đủ điều kiện bảo quản, nhưng kho tại các địa phương thì không đủ điều kiện. Đây chính là việc khó khăn cho triển khai.
Thông thường, sau tiêm vaccine khoảng 15 ngày là cơ thể bắt đầu có miễn dịch, tuy nhiên đây là vaccine mới nên cần thẩm định thêm. Mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi đối với loại vaccine AstraZeneca. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau khi tiêm cũng không cần phải kiêng cữ gì nhưng cần theo dõi nếu có sự khác thường về sức khỏe thì báo ngay cho cơ sở y tế vì không có vaccine nào là an toàn 100%, đặc biệt nguy hiểm cho những người có cơ địa dị ứng, sốc phản vệ.
Phóng viên: Thưa ông, để tiêm vaccine cho toàn dân, đòi hỏi kinh phí rất lớn. Vậy nguồn kinh phí này Chính phủ phân bổ ra sao?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chính phủ cho biết, nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ này trích từ ngân sách Nhà nước; ngân sách địa phương đảm bảo cho người dân trên địa bàn và các đối tượng do địa phương quản lý. Ngân sách Trung ương đảm bảo cho các đối tượng do cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương.
Cụ thể, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách Nhà nước thực chi. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương từ 50% trở lên sẽ chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50% được ngân sách Trung ương hỗ trợ 30%; các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại được ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%.
Ngoài ra, còn có nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.
Phóng viên: Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, chúng ta cần lường trước điều gì, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đây là đợt tiêm chủng rất lớn, vì vậy chúng ta phải triển khai tiêm thật bài bản, đúng kỹ thuật. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Cục Quản lý dược, Cục Y tế dự phòng phải phối hợp triển khai vừa tiêm, vừa kết hợp đánh giá độ an toàn và hiệu quả một cách hợp lý.
Chúng ta có hệ thống tiêm chủng từ lâu đời, rộng khắp với 13.000 cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, dựa trên kinh nghiệm tiêm chủng của Việt Nam mấy chục năm qua, nên có đủ cán bộ tiêm. Nhưng vấn đề lường trước là phải theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm và đặc biệt độ an toàn là quan trọng số 1. Phải tập huấn cho đội ngũ y tế tiêm, tập huấn về vaccine và tập huấn cấp cứu, xử trí phản ứng sau tiêm. Cán bộ y tế tiêm phải có kỹ thuật, phải có chứng chỉ về tiêm chủng.
Đối tượng tiêm của vaccine COVID-19 là người trên 18 tuổi, chúng ta phải lường trước độ an toàn của vaccine nên phải khám sàng lọc trước khi tiêm, những người có bệnh cấp tính, hoặc dị ứng thì chưa tiêm.
Vaccine COVID-19 cũng có tỉ lệ gây ra tác dụng không mong muốn như bất kỳ thuốc hay vaccine nào khác (chủ yếu là các phản ứng thông thường), nên chúng ta phải có chiến lượng truyền thông để người dân hiểu.
Phóng viên: Nếu đối tượng nằm trong nhóm thuộc diện ưu tiên mà không muốn tiêm, theo chuyên gia trong trường hợp này, chúng ta xử trí ra sao?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước mắt đây là tiêm chống dịch, trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có quy định, tiêm chống dịch là bắt buộc. Tuy vậy, tôi nghĩ trong giai đoạn này, ai mà không muốn tiêm thì chưa bắt buộc họ tiêm. Tuy vậy, mọi người nên tiêm để phòng chống dịch cho mình và cộng đồng vì muốn phòng bệnh phải tiêm tỷ lệ cao trong cộng đồng.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên xã hội hóa mua vaccine để sớm có vaccine tiêm cho người dân. Theo ông, đây có là giải pháp cần thiết lúc này không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Nghị quyết 21 của Chính phủ cũng nêu lên vấn đề tiêm chủng tự nguyện, trả phí. Vì vậy, xã hội hóa mua vaccine là cần thiết, nhưng vì đây là tiêm chống dịch nên phải theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, sau này là địa phương, để tạo sự công bằng, minh bạch cho người dân, nếu không sẽ tạo phản ứng giữa chuyện người được tiêm và không được tiêm. Trước mắt, tiêm cho đối tượng nguy cơ cao đã. Nếu tỉnh, thành nào có kinh phí mua vaccine, thì vẫn phải trong kế hoạch điều hành của Chính phủ và thực hiện nghiêm ngặt về tính an toàn cũng như đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch. Để vaccine COVID-19 được triển khai công bằng và hiệu quả, doanh nghiệp nhập khẩu vaccine phải tuân theo kế hoạch điều hành của Bộ Y tế đã trình Chính phủ.
Phóng viên: Trong tương lai, chúng ta sẽ có 150 triệu liều vaccine để tiêm cho toàn dân. Vậy, làm thế nào để việc mua, nhập khẩu vaccine đảm bảo minh bạch, hiệu quả, không tiêu cực thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chính phủ giao Bộ Y tế làm đầu mối tổ chức việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vaccine; chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Thường trực Chính phủ.
Vì thế, các đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, chắc sẽ có cơ chế giám sát để đảm bảo vaccine được sử dụng công bằng, hiệu quả, cũng như không lãng phí, tiêu cực trọng việc việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận và phân phối vaccine. Nhập khẩu vaccine chắc sẽ căn cứ vào tiến trình sản xuất vaccine trong nước. Vấn đề này Bộ Y tế chắc chắn sẽ có tính toán, để làm sao tránh lãng phí trong trường hợp chúng ta nghiên cứu vaccine trong nước thành công.
Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì vào vaccine sản xuất trong nước? Nếu vaccine COVID-19 của Việt Nam nghiên cứu thành công, có xảy ra tình trạng thừa vaccine hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, vaccine Nano Covax do NANOGEN nghiên cứu đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Đặc biệt vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) phát triển theo công nghệ cúm, đây là công nghệ có sẵn và có tính sinh miễn dịch cao. Việc sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống không khó, nên hy vọng vaccine Việt Nam nếu nghiên cứu thành công, đến cuối năm 2020 và đầu 2021 đưa vào tiêm cho người dân.
Nếu vaccine COVID-19 miễn dịch lâu, mỗi người chỉ cần tiêm 1 lần với 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần. Nhưng hiện chưa có đánh giá nào về hiệu lực của vaccine, nếu virus Corona giống cúm thì năm nào cũng phải tiêm phòng. Vaccine của Việt Nam nếu thành công, giá thành rẻ hơn, tiêm rộng rãi cho người dân. Còn nhập khẩu đến đâu là sự điều hành của Chính phủ. Bộ Y tế sẽ có kế hoạch làm sao cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch, không gây tốn kém, tất nhiên có rủi ro.
Phóng viên: Hiện nay chúng ta mới có 117.600 liều vaccine AstraZeneca để tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong lúc nguồn vaccine còn hạn hẹp, ông có khuyến cáo gì để người dân không ỷ lại vào sắp có vaccine mà chủ quan phòng dịch?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Như tôi đã nói ở phần trên, hiện chúng ta cũng chưa rõ hiệu quả phòng lây nhiễm của vaccine này như thế nào, thời gian có miễn dịch sau tiêm là bao nhiêu. Sau khi tiêm một vaccine tối thiểu là 15 ngày con người mới sinh kháng thể bảo vệ, và phải đạt miễn dịch cộng đồng 60-70 %, nghĩa là ít nhất 70% dân số cộng đồng đó được tiêm chủng thì cộng đồng đó mới có miễn dịch. Vì vậy, tôi khuyến cáo người dân không được chủ quan, vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh như trước đây, đặc biệt là 5K đó là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Xem thêm: /582236-auq-ueih-nab-iab-91-DIVOC-eniccav-meit-iahk-neirT/us-ioht-yan-moh-ed-naV/nv.moc.dnac