Phải chấp nhận thất bại mới có thành công
Nhắc đến chương trình Shark tank, trong mùa trước mỗi khi nói đến shark Nguyễn Thanh Việt phần lớn khán giả đều nhớ đến câu hỏi của ông với các startup: "Nếu trong trường hợp thất bại, em sẽ làm thế nào?". Câu hỏi này cũng được đặt ra cho shark Việt trong một buổi hội thảo bên lề chương trình cách đây không lâu.
Thực tế shark Việt cho biết ông từng quen nhiều gia đình có điều kiện, góp vốn cho kinh doanh nhưng người trẻ lại sợ không dám làm mà chỉ mở tài khoản ngân hàng cho an toàn. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại, bố mẹ dành dụm được bao nhiêu thì mua nhà, mua ô tô, năm đầu tiên quyết tâm làm doanh nghiệp thì bán nhà, năm thứ 2 thì bán ô tô, cuối cùng thì phải đi xe ôm. Cả 2 trường hợp kể trên thuộc hai thái cực đối lập nhưng điểm chung là đều chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Để chuẩn bị sẵn sàng cho thất bại khi khởi nghiệp, shark Việt cho biết:
"Ta thường thích làm tướng khi chưa làm quân. Ta phải lăn lộn đã, đi làm bầm dập đã. Khi nào trên người đầy đủ thương tích rồi hãy làm chủ. Thà làm đầy tớ cho mấy ông khôn, góp vốn cùng mấy shark lừng lẫy còn tốt hơn là đi làm một ông từ nhà lầu trở xuống đi thuê nhà, từ ô tô xuống trở thành đi Grab. Cho nên phải bầm dập đã, phải đi theo các đàn anh đàn chị đi trước, góp vốn làm.
Đừng có mạo hiểm. Phải an toàn, không bỏ trứng vào 1 giỏ. Thứ 2 là phải bầm dập đã. Mình thấy ông kia đi Rolls Royce là ngon nhưng chưa phải là ngon đâu, trên đầu tóc nhuộm hết rồi. Bao nhiêu sợi tóc bạc là bấy nhiêu thất bại. Mình phải chấp nhận có thất bại mới có thành công. Đã kinh doanh thì phải có thần kinh vững, thứ 2 là bầm dập đã, thứ 3 là phải biết góp vốn vơi người có trình độ, học hỏi đã. Đừng thấy người ta làm được mà mình làm được. Đừng thấy nhà bên cạnh bán phở ngon mà mình sẽ mở hàng phở sẽ đông khách đúng cách. Không phải đâu."
Hãy học từ những người giỏi nhất
Lời khuyên của shark Việt dành cho người muốn kinh doanh, startup không phải là lời nói suông hay không có cơ sở. Trong cuốn sách Kinh doanh bằng tâm lý, chuyên gia quản trị nổi tiếng thế giới Brian Tracy từng đưa ra lời khuyên thành công trong kinh doanh là hãy Làm theo những người lãnh đạo.
Hãy làm những gì mà người thành công làm. Hãy làm theo những người lãnh đạo chứ đừng làm theo những người cũng đang làm theo. Hãy làm những gì mà người đứng đầu trong lĩnh vực của bạn làm. Sau đây là 4 bước học hỏi những người thành công nhất được Brian Tracy gợi ý:
Cho mình một hình tượng
Trong một buổi thuyết trình trước hơn một nghìn người, một người bán hàng nói với Brian Tracy một câu chuyện thú vị. Có thể nói anh là người thành công thông qua vẻ ngoài. Anh ăn mặc đẹp, biết cách chải chuốt, tự tin, tính cách thoải mái và rất cởi mở. Anh có cái vẻ thành công bên mình.
Anh kể khi bắt đầu, anh cũng có vẻ của một người mới vào nghề. Trong vòng 6 tháng đầu, anh nhận ra rằng có 4 người bán hàng giỏi ở công ty và họ dường như chỉ quan hệ với nhau, không dành thời gian cho những người bán hàng trẻ khác.
Anh so sánh những người bán hàng trẻ, giống như mình và những người bán hàng giỏi, và anh nhận ra ngay một điều là những người được trả lương cao hơn nhiều ăn mặc đẹp hơn những người được trả lương thấp. Họ sắc sảo, khôn ngoan và chuyên nghiệp. Họ có vẻ của một người thành đạt.
Hãy xin lời khuyên
Sau đó, anh hỏi một trong số họ xem anh có thể làm gì để thành công hơn. Người kia trả lời rằng phải biết cách sử dụng một hệ thống quản lý thời gian và chỉ chỗ mua cho anh. Mặc dù nghe nói vậy nhưng người bán hàng trẻ tuổi này chưa từng biết tới một hệ thống nào như thế. Anh đi mua và bắt đầu sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
Sau đó, anh biến đổi mình giống một người bán hàng giỏi. Không chỉ hỏi xin lời khuyên từ họ về việc nên đọc gì, nghe gì, anh còn quan sát họ và lấy họ làm tấm gương cho mình. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, anh đứng trước gương và tự hỏi: Mình trông đã giống một người bán hàng giỏi chưa?
Nhìn vào nhiệm vụ
Anh tự nhận xét mình, đặc biệt là về cách ăn mặc và làm đẹp. Anh sẽ tiếp tục thay đổi cho tới khi anh tự cảm thấy mình giống một người bán hàng hàng đầu. Và chỉ khi đó anh mới đến công ty. Trong vòng một năm, anh đã trở thành một trong những người bán hàng hàng đầu trong công ty. Anh cũng chỉ quan hệ với những người bán hàng hàng đầu khác. Và anh đã trở thành người giống như họ.
Tiến lên
Do doanh số bán tăng, anh được mời tới một hội nghị bán hàng quốc gia. Tại hội nghị, anh có cơ hội tiếp xúc với nhũng người bán hàng hàng đầu trên cả nước và xin họ lời khuyên. Không có gì ngạc nhiên khi họ rất vui lòng kể cho anh biết về một vài việc đã làm để lên được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Khi quay về, anh viết cho họ những lá thư cảm ơn và áp dụng ý tưởng của họ vào công việc của mình. Và doanh số của anh lại tăng thêm.
Chẳng bao lâu, anh đã trở thành người bán hàng hàng đầu trong công ty, sau đó là trên cả nước. Chỉ trong 5 năm, anh đã thay đổi cuộc đời của mình. Tại những cuộc hội nghị bán hàng quốc gia, anh luôn được mời lên bục nhận phần thưởng. Vào năm thứ tám trong sự nghiệp kinh doanh, anh đã trở thành người bán hàng hàng đầu trên toàn quốc.
Anh nói tất cả những thành công của anh là xuất phát từ việc học hỏi những người bán hàng hàng đầu về những gì họ đã làm và sau đó làm theo sự hướng dẫn của họ. Nhưng anh cũng học được rằng, dù những người này bán hàng thành công luôn thay đổi năm này qua năm khác, anh vẫn là người đầu tiên tìm đến họ và xin lời khuyên.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị