Người dân TP Huế trên đường Hà Nội đưa loa thùng ra đầu hẻm hát karaoke - Ảnh: HOÀNG AN
Nửa đêm gánh mẹ đi đâu vậy?
Xóm tôi là xóm công nhân, cuối tuần anh chị em giải trí bằng hát karaoke. Hầu hết chuộng dòng nhạc bolero, hát tới hát lui những bài quen thuộc. Hôm tết, gần nửa đêm, anh con trai vẫn say sưa hát bài Gánh mẹ.
Bà cụ trong nhà ngủ không được, phải lên tiếng: "Không cho tao ngủ mà gánh tao đi đâu giờ này!". Bà cô cạnh bên thì cứ rảnh là bật loa hát và bài đầu tiên bao giờ cũng "Chồng ơi, giờ chồng ở đâu", trong khi ông chồng nằm lướt điện thoại bên cạnh.
Hát với loa kéo, không bao giờ họ quay loa vào nhà mình. Có gia đình sợ ồn nên khi hát đóng kín cửa và quay loa qua nhà hàng xóm, cứ phải hướng ra ngoài đường, về phía nhà hàng xóm. Khi láng giềng góp ý, họ nói "quay vào loa nó hú", bảo vặn cái bass xuống sẽ bớt hú thì bảo vặn xuống hát không hay.
Cứ vậy, láng giềng vì kiêng nể nên vẫn cứ xí xóa và chịu đựng nhau. Thương cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ bị mất giấc ngủ. Trong xóm có cô bé chừng 16 tuổi có cái loa di động giống chiếc vali. Ngày nào cô cũng chở loa mở nhạc ầm đùng chạy khắp phố, chạy hơn chục vòng. Hàng xóm cũng "thôi kệ nó" rồi xong.
Nếu nói việc hát hò là văn hóa cũng đúng, mà gọi là vấn nạn cũng chẳng sai. Cứ hát nhưng phải vừa đủ nghe, giữ sự yên tĩnh cho nhau. Đám cưới, đám tang cũng dừng đúng thời điểm, còn ở nhà thì nên đóng cửa hát cho nhau nghe. Chuyện nhỏ nhưng sao cứ để dư luận bà con "lên án" mãi vẫn chưa chịu thôi?
Chờ chính quyền hành động
Theo dõi diễn đàn karaoke trên Tuổi Trẻ, tôi rất mừng khi đọc thấy ý kiến quyết liệt của chủ tịch UBND TP.HCM về chuyện này. Quy định xử phạt có rồi, nay có thêm chỉ đạo từ cấp thành phố vậy rồi từng xã phường sẽ làm gì? Mong các cấp chính quyền làm kiên quyết, xử lý ngay và luôn để người dân chúng tôi được nhìn thấy hiệu quả nhanh nhất.
Trước tết, tôi đọc thấy thông tin TP.HCM giao lãnh đạo phường xã phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra xô xát mâu thuẫn từ việc hát hò ồn ào. Tết này có vẻ yên ắng hơn, cũng có thể do dịch bệnh nên hạn chế tụ tập.
Một vài phường xã đã có kênh tiếp nhận thông tin nóng về các trường hợp hát hò ồn ào. Thành phố nhân rộng cách làm vài nơi đã quyết tâm làm việc này.
Chưa có giải pháp nào đủ mạnh để giảm âm thanh karaoke, nhưng nếu từng phường xã đều làm mạnh chuyện này, tôi tin sẽ có chuyển biến. Còn hơn ngại khó rồi không làm gì! Có đi mới tới nơi được.
Mỗi người, ai còn biết xấu hổ, biết lịch sự, chuộng văn minh thì thay đổi ngay đi thôi. Vậy sẽ tốt hơn chuyện chờ coi mức phạt bao nhiêu, có ai phạt hay không. Dù chưa bị phạt nhưng mở loa như "hét" vào tai nhau vào giờ nghỉ, giờ học, giờ làm việc của người khác nói cách gì cũng là sai luật, kém văn hóa.
Các nước xử lý "hung thần" karaoke ra sao?
"Hung thần" karaoke hoành hành, ở nhiều quốc gia đã có biện pháp mạnh tay. Bên cạnh nhắc nhở, các nước có những biện pháp kiên quyết xử lý, nhất là trong mùa dịch bệnh COVID-19.
Tại Philippines, hồi tháng 9-2020, ông Jonvic Remulla, thống đốc tỉnh Cavite, khuyến khích người dân báo cho chính quyền những trường hợp hát karaoke gây ồn ào. Ông nói rằng hát karaoke gây ồn ào về đêm khiến người khác mất ngủ, từ đó làm tổn thương hệ miễn dịch và cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Nhiều địa phương cũng đã ra quy định đối phó "hung thần" karaoke. Đầu tháng 2-2021, báo The Philippine Daily Inquirer đưa tin Hội đồng thành phố Cebu của Philippines đã quyết định sửa quy định chống tiếng ồn.
Họ cấm sử dụng karaoke trong khu dân cư các ngày thứ hai tới thứ bảy, trong bối cảnh thành phố này vẫn được đặt trong tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Người vi phạm sẽ bị phạt từ 1.000 - 5.000 peso (470.000 - 2,3 triệu đồng) hoặc đối diện tối đa 6 tháng tù. Ông Raymond Alvin Garcia, người đứng đầu hội đồng thành phố, cho biết họ cần áp dụng biện pháp mới vì nhiều học sinh đang phải học trực tuyến, còn một số người lao động phải làm việc tại nhà. Thị trưởng Manila cũng ra quy định tương tự, với mức phạt tăng dần tính theo số lần vi phạm.
Tại Malaysia, báo The Star cho biết một thanh niên 21 tuổi vừa qua bị phạt 1.000 ringgit (5,6 triệu đồng) vì hát karaoke tại nhà tới rạng sáng. Một người hàng xóm đã gọi cảnh sát đến để xử lý vụ hát hò ồn ào này.
Tại Anh, nhật báo Evening Standard hôm 26-2 cho biết ông Jason Harvey (50 tuổi), ở London, đã bị kiện theo Đạo luật bảo vệ môi trường và bị yêu cầu đóng tiền phạt 2.748 bảng Anh (88 triệu đồng) vì "tra tấn" hàng xóm bằng karaoke.
Những người hàng xóm đã gửi khoảng 150 đơn khiếu nại về hành vi của ông này. Chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở, trao cho ông đủ cơ hội để thay đổi hành vi nhưng ông này vẫn tiếp tục. Cuối cùng, vụ việc được đưa tới tòa án vào giữa tháng 2-2021.
BẢO ANH
TTO - "Nhà tôi có người già khó ngủ, nhiều nhà trong khu này có trẻ nhỏ mà họ hát karaoke dai dẳng. Mấy ngày lễ, tết có khi hát đến 12h, 1h sáng. Họ hát cho họ vui mà mình mệt", một người dân tại quận Tân Bình (TP.HCM) bức xúc về tiếng ồn karaoke.
Xem thêm: mth.64762738082201202-ioht-iom-oig-oab-uahn-iat-oav-ekoarak-teh/nv.ertiout