Cơ hội lớn ở ngân hàng nhỏ
Hải Lý
(TBKTSG) - Những thông tin hành lang như Kiên Long đang “bị thâu tóm” vốn đã “ngự trị” một thời gian dài, cuối cùng cũng sáng tỏ. Ngày 28-1-2021, Ngân hàng Kiên Long đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu bổ sung hai thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2022. Hai thành viên này đến từ tập đoàn Sunshine và Công ty cổ phần BBGroup. Giữa tháng 12 năm ngoái cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB) “nổi sóng”, tăng liền một mạch từ 14.000 đồng lên 22.000 đồng/cổ phiếu trong vòng bảy phiên, tức tăng 57%. Đành rằng sàn UpCom có biên độ dao động lớn (cộng trừ 15%/ngày) nên cổ phiếu có thể biến động gấp rưỡi, gấp đôi mức biến động của sàn HOSE hoặc HNX, nhưng “sức nóng” của cổ phiếu KLB khi ấy khá bất ngờ và tất nhiên nó đã không “thoát khỏi” tầm chú ý của nhà đầu tư. |
Cổ phiếu KLB đã có những “sức nóng” bất ngờ và tất nhiên nó đã không “thoát khỏi” nhà đầu tư. Ảnh: HOÀNG TÂN |
Nhóm nhà đầu tư mới đã sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phiếu KLB và liệu họ có tiếp tục gia tăng thị phần trong ngân hàng? Dữ liệu của HNX chỉ ra từ ngày 29-10 đến 21-12-2020 có khoảng 199,1 triệu cổ phiếu, tương đương 61,5% cổ phiếu Kiên Long Bank đã được giao dịch thỏa thuận với tổng trị giá 3.021 tỉ đồng, bình quân 15.181 đồng/cổ phiếu.
Khối lượng và giá trị giao dịch thỏa thuận trên có thể đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện Ngân hàng Kiên Long. Cũng có khả năng trong các giao dịch thỏa thuận này, một số giao dịch không thuộc diện mua đứt bán đoạn ngay, mà có thể hôm nay bên nhận chuyển nhượng mua vào để rồi bán ra một vài ngày, vài tuần sau để kiếm chênh lệch. Trong các vụ thâu tóm, điều này diễn ra thường xuyên để dòng tiền có thể quay vòng bởi ít tổ chức hay nhóm nhà đầu tư nào có ngay trong tay khoản “tiền tươi thóc thật” hơn 3.000 tỉ đồng.
Hơn nữa, cổ phiếu ngân hàng luôn được thế chấp ở ngân hàng hoặc công ty chứng khoán hoặc công ty tài chính để vay tiền. Hơn 199 triệu cổ phiếu KLB vừa giao dịch thỏa thuận có thể đang được dùng làm tài sản bảo đảm ở đâu đó. Các quy định pháp lý không cấm chuyện thế chấp cổ phiếu ngân hàng để vay vốn, với điều kiện mức độ đánh giá tài sản thế chấp, tỷ lệ vay và nơi nhận tài sản bảo đảm không vượt quá giới hạn cho phép.
Trước khi diễn ra việc thay đổi cơ cấu cổ đông, Ngân hàng Kiên Long nắm giữ gần 10% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Số cổ phiếu này được thế chấp ở Ngân hàng Kiên Long bởi một nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê từ thời Sacombank bị thâu tóm.
Tháng 12-2020 và tháng 1-2021 Ngân hàng Kiên Long đã bán ra một tỷ lệ lớn cổ phiếu Sacombank trong các phiên thị giá STB lên xuống quanh 20.000 đồng/cổ phiếu. Phần còn lại lẽ ra đã có thể chuyển nhượng nếu bên nhận chuyển nhượng lo đủ vốn ngay tức thì vào thời điểm vài tuần trước Tết Tân Sửu. Tuy vậy, việc chuyển nhượng phần còn lại chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) còn sở hữu xấp xỉ 5% cổ phần Sacombank. Eximbank chắc chắn sẽ thoái vốn tại Sacombank để thực hiện Thông tư 36 về giải quyết sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng.
Nếu nhóm nhà đầu tư nào đó muốn tham gia Sacombank, thì việc mua lại cổ phần Sacombank từ Ngân hàng Kiên Long và Eximbank là một lợi thế đáng kể.
Rõ ràng đầu tư vào những ngân hàng nhỏ như Kiên Long có thể mở ra con đường để trở thành cổ đông của một số ngân hàng lớn mà Sacombank là ví dụ. Tuy nhiên, cơ hội của ngân hàng nhỏ còn nằm ở khía cạnh khác: ngân hàng số. Trong việc xây dựng một ngân hàng số, quy mô không quan trọng. Việc chuyển đổi sang ngân hàng số của các tổ chức tín dụng lớn, nhỏ hay trung bình đều như nhau.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) có vốn điều lệ hơn 3.500 tỉ đồng - mức vốn tương tự như hầu hết các ngân hàng nhỏ khác bao gồm Ngân hàng TMCP Petrolimex (PGB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB)...
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, nhận xét: “Ưu thế của ngân hàng nhỏ là sự linh hoạt, có thể đưa ra nhiều sản phẩm cho những ngách phân khúc thị trường với quy mô khai thác vài trăm tỉ đồng. Những ngách thị trường tùy thuộc vào từng khu vực địa lý. Những ngách ấy có thể không thu hút các ngân hàng lớn, lại là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng nhỏ”.
Ông Trung cũng cho rằng ngân hàng nhỏ dễ triển khai ngân hàng số, chẳng hạn như việc mở tài khoản từ thiết bị di động đi kèm các tiện ích khác. Dưới góc độ đầu tư, theo ông Trung, việc mua lại các ngân hàng nhỏ đang thuận lợi do số lượng các ngân hàng có hạn.
Đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh tiền tệ hiện nay tương đối khó khi việc thành lập ngân hàng mới gần như là không thể. Hơn nữa, đầu tư vào ngân hàng nhỏ thì các tổ chức, cá nhân có thể có “tiếng nói” mạnh trong khi cùng một số vốn, nếu giải ngân vào tổ chức tín dụng có quy mô, “tiếng nói” của họ ít trọng lượng bởi bị pha loãng trong hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cổ đông.
BVB là cổ phiếu có khối lượng và giá trị giao dịch hàng ngày tương đối cao trong nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và cổ phiếu trên UpCom nói chung. Khối lượng và giá trị giao dịch của cổ phiếu NVB trên HNX gần đây gia tăng đột biến khi những tín hiệu của việc thâu tóm đang được phát đi.
Giữa tháng 12-2020 đang giao dịch quanh 8.500 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu NVB bắt đầu “nổi sóng” và hiện đã chạm mốc 13.800 đồng, cao nhất trong lịch sử kể từ khi niêm yết năm 2010. Theo quan sát của người viết, việc thương lượng để sở hữu một tỷ lệ chi phối ở Ngân hàng Quốc Dân có thể sẽ sớm xảy ra.
Xem thêm: lmth.ohn-gnah-nagn-o-nol-ioh-oc/479313/nv.semitnogiaseht.www