Chứng khoán đang hút tiền - khác gì so với đỉnh 2007 ?
Triêu Dương
(TBKTSG) - Hồi năm 2007, bong bóng chứng khoán sau khi vỡ đã khiến chỉ số VN-Index mất gần 80% giá trị trong hai năm sau đó, khiến không ít nhà đầu tư hiện nay lo sợ về một viễn cảnh tương tự. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác rất nhiều so với cách đây 14 năm.
Thị trường chứng khoán hiện nay đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ. Ảnh: THÀNH HOA |
Tính ổn định của nền kinh tế
Chỉ trong vòng ba phiên giao dịch trở lại vào cuối tuần qua sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số VN-Index đã tăng gần 60 điểm, tương đương mức tăng gần 5,5%. Còn nếu tính từ mức đáy gần nhất ở vùng 998 điểm vào ngày 29-1, chỉ số này đã tăng gần 18%. Mức phục hồi mạnh mẽ này đã giúp thị trường lấy lại được gần như đủ điểm số đã bị đánh mất trong đợt lao dốc vào cuối tháng 1 và mang lại cơ hội tiếp cận trở lại mốc tâm lý ở 1.200 điểm.
Và cứ mỗi khi VN-Index tiến gần đến vùng kháng cự này, tâm lý e ngại lại gia tăng, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư chốt lời và tạm đứng ngoài thị trường, nhất là khi gần đây xuất hiện một số cảnh báo lo ngại về bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán.
Nhìn lại quá khứ, năm 2007, bong bóng chứng khoán sau khi vỡ đã khiến chỉ số VN-Index mất gần 80% giá trị trong hai năm sau đó, khiến không ít nhà đầu tư hiện nay lo sợ về một viễn cảnh tương tự.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác rất nhiều so với cách đây 14 năm. Thứ nhất, nền tảng vĩ mô hiện nay đã vững chắc và ổn định hơn nhiều. Bên cạnh đó, các chính sách điều hành kinh tế đã có những bước tiến dài so với giai đoạn trước, không còn mang tính giật cục, gây bất ngờ cho thị trường, mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt và chủ động.
Những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm thường chọn thoát khỏi thị trường chứng khoán trong thời điểm mà mọi yếu tố đang thuận lợi nhất và giữa lúc nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nhất... Năm 2020 Việt Nam dù vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng GDP dương, nhưng con số 2,91% là mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua. |
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng giai đoạn trước thường rất nóng, lên đến vài chục phần trăm, như năm 2007 lên đến gần 37,8%, trong đó một lượng vốn vay nóng khổng lồ từ ngân hàng chạy vào đầu cơ ở thị trường chứng khoán, đẩy giá tài sản này tăng nhanh nhưng thiếu bền vững và thực chất.
Cộng thêm cung tiền mở rộng quá mức và dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã đẩy lạm phát tăng vọt lên đến hai con số, ở 12,63% vào năm 2007 và 19,89% trong năm 2008.
Hệ quả là nhà điều hành sau đó buộc phải thắt chặt chính sách, nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến thị trường bước vào chu kỳ điều chỉnh trong năm năm sau đó.
Đỉnh điểm là chính sách áp trần lãi suất tiền gửi lên đến 14% vào tháng 10-2011 để ngăn chặn tình trạng các ngân hàng chạy đua lãi suất thỏa thuận nhằm đảm bảo thanh khoản.
Còn hiện nay, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua và được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong giai đoạn kế tiếp, khi đây là một trong những điều kiện quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19. Các yếu tố đảm bảo cho mặt bằng lãi suất ổn định vẫn đang được nhà điều hành kiểm soát tốt.
Đơn cử như lạm phát, từ năm 2014 đến nay thường xuyên ổn định ở mức từ 3-5% và đạt mục tiêu đề ra. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam liên tục lập kỷ lục mới trong những năm gần đây, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách hóa giải phù hợp để đảm bảo kiểm soát tăng trưởng cung tiền ở mức tương đối theo mục tiêu đề ra, từ chính sách mua ngoại tệ cho đến can thiệp trên thị trường mở để hút tiền đồng về nhằm trung hòa lượng tiền đồng đã bơm ra.
Sự can thiệp nhịp nhàng này cũng góp phần giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo ở mức ổn định và không rơi vào tình trạng thiếu hụt đột ngột mà có thể dẫn đến các cuộc đua lãi suất không cần thiết.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng được kiểm soát theo mục tiêu phù hợp, không còn chạy theo nhu cầu của nền kinh tế bằng mọi giá như giai đoạn trước. Trong hai năm trở lại đây (2019-2020), tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ còn quanh 12%.
Dư địa phục hồi tăng trưởng
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán là tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2007, tăng trưởng GDP đạt gần 8,5%, cao nhất kể từ năm 1996. Về cơ bản, tăng trưởng cao luôn được xem là một thành tích của nền kinh tế và có thể tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP đạt kỷ lục cũng là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã ở mức bão hòa và dư địa tăng trưởng trong tương lai sẽ gặp nhiều thách thức do khó duy trì được thành tích tốt như vậy.
Chính vì vậy, những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm thường chọn thoát khỏi thị trường chứng khoán trong thời điểm mà mọi yếu tố đang thuận lợi nhất và giữa lúc nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nhất. Điều này thực tế đã lặp lại hơn 10 năm sau đó, khi tăng trưởng GDP năm 2018 đạt kỷ lục cao nhất 10 năm ở 7,08%, nhưng thị trường chứng khoán đã sớm rơi vào giai đoạn điều chỉnh từ tháng 4-2018, cũng thất bại sau khi không thể bứt phá khỏi vùng 1.200 điểm.
Đây là một hệ quả tất yếu. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, môi trường kinh doanh hấp dẫn, các điều kiện kinh doanh thuận lợi, hàng loạt doanh nghiệp sẽ ra đời để tranh thủ đà tăng trưởng của nền kinh tế và sức cầu tiêu dùng cao trong xã hội. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế sẽ gia tăng và thu hẹp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp, từ đó cũng làm định giá cổ phiếu giảm sức hấp dẫn.
Ngoài ra, nếu như trong giai đoạn nền kinh tế yếu ớt thường buộc Chính phủ phải có những chính sách nới lỏng để kích thích kinh tế, thì khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ Ngân hàng Nhà nước dường như theo đuổi chính sách thắt chặt để kìm cương không cho nền kinh tế phát triển quá nóng, mà có thể tạo nên những rủi ro và bất ổn tiềm tàng cho tương lai.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 Việt Nam dù vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng GDP dương, nhưng con số 2,91% là mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua. Vì vậy, dư địa phục hồi tăng trưởng cho giai đoạn kế tiếp là vẫn rất lớn và điều quan trọng hơn là nhà điều hành sẽ phải nỗ lực duy trì chính sách nới lỏng để đạt được mục tiêu đề ra, những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư.
Cuối cùng, với định hướng của Chính phủ muốn phát triển thị trường vốn để giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng trong tương lai, thị trường chứng khoán hiện nay đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ. Đó cũng là một trong những lý do khiến kênh đầu tư này vẫn đang thu hút dòng tiền từ các kênh đầu tư khác dịch chuyển sang, với hàng loạt tài khoản liên tục mở mới, mà con số 86.269 tài khoản mở mới trong tháng 1 vừa qua, tăng tới 36,4% so với tháng trước đó và là số tài khoản mở mới trong một tháng lớn nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, đã phần nào phản ánh xu thế này.
Xem thêm: lmth.-7002-hnid-iov-os-ig-cahk--neit-tuh-gnad-naohk-gnuhc/779313/nv.semitnogiaseht.www