vĐồng tin tức tài chính 365

Châu Âu sẽ ra sao nếu Nga cắt khí đốt?

2022-03-01 12:56

Cứ bốn năm một lần, Mạng lưới Các nhà điều hành Hệ thống Truyền tải Khí đốt của Châu Âu được yêu cầu thực hiện mô phỏng các kịch bản thiên tai. Trong cuộc diễn tập gần đây nhất vào năm ngoái, các công ty liên quan đã xem xét 20 kịch bản thảm họa. Họ kết luận rằng: "Cơ sở hạ tầng khí đốt của Châu Âu cung cấp đủ tính linh hoạt cho các quốc gia thành viên đảm bảo an ninh nguồn cung".

Tuy nhiên, các chuyên gia đã không xem xét một trường hợp đang ám ảnh châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây phản ứng bằng các lệnh trừng phạt, và Nga trả đũa bằng cách đóng cửa tất cả các đường ống khí đốt của họ đến châu Âu?

Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Trong ngoặc là sản lượng (tỷ mét khối hàng năm). Đồ họa: The Economist

Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Trong ngoặc là sản lượng (tỷ mét khối hàng năm). Đồ họa: The Economist

Thông thường, hầu hết mọi người cho rằng việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt từ Nga (hiện chiếm khoảng một phần ba lượng khí đốt ở châu Âu) là không thể xảy ra. Thane Gustafson, tác giả cuốn "Klimat" về năng lượng của Nga, cho biết ngay cả ở đỉnh điểm Chiến tranh lạnh, Liên Xô vẫn không ngừng xuất khẩu khí đốt. Và trong cuộc tranh chấp gay gắt nhất của Nga về khí đốt với Ukraine năm 2009, thì khí đốt chảy qua quốc gia này chỉ bị gián đoạn trong thời gian ngắn.

Nhưng hiện tại, việc khóa van là vẫn có khả năng. "Tôi không ngạc nhiên nếu ông Putin thực sự động tới van khí đốt ở Ukraine", Gustafson nói. Không giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Nga giờ có đủ khả năng chấp nhận một cú sốc hụt thu ngắn từ năng lượng.

Jaime Concha, Phó tổng biên tập tạp chí năng lượng Energy Intelligence, đã đưa ra những con số để chứng minh. Không tính đến bất kỳ hình phạt nào và giả định mức giá trung bình hàng ngày lấy theo mức trung bình của quý IV/2021, việc cắt hoàn toàn khí đốt sang châu Âu sẽ khiến Gazprom bị mất doanh thu từ 203 - 228 triệu USD một ngày. Vì vậy, nếu lệnh cấm vận như vậy kéo dài ba tháng, doanh thu bị mất sẽ lên tới khoảng 20 tỷ USD.

Sự mất mát ở quy mô như vậy có thể sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Xô Viết chủ yếu dựa vào bán khí đốt cho phương Tây. Nhưng Nga ngày nay có khoảng 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối và có thể dễ dàng xử lý một cú đánh như vậy.

Và họ thậm chí có lợi về mặt tài chính, ít nhất là trong ngắn hạn. Chính sự lo lắng về Ukraine đã khiến giá khí đốt và dầu tăng vọt. Nếu không có chiến tranh, JPMorgan Chase dự báo rằng giá cao hơn, sẽ dẫn đến việc Gazprom kiếm được hơn 90 tỷ USD lợi nhuận trong năm nay, tăng từ 20 tỷ USD năm 2019.

Những đường ống dẫn khí đốt của Gazprom, tại mỏ khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Bắc Cực Yamal, Nga ngày 21/5/2019. Ảnh: Reuters

Những đường ống dẫn khí đốt của Gazprom, tại mỏ khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Bắc Cực Yamal, Nga ngày 21/5/2019. Ảnh: Reuters

Nếu Nga sử dụng vũ khí khí đốt, phương Tây sẽ tổn hại đến mức nào? Trường hợp sự gián đoạn chỉ giới hạn ở các đường ống đi qua Ukraine như năm 2009, phần còn lại của châu Âu sẽ ổn. Gazprom vốn cũng đã cắt đứt dòng khí đốt qua Ukraine. Citigroup tính toán rằng con số này chỉ bằng một nửa so với năm ngoái và một phần tư so với năm 2019.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ông Putin cắt toàn bộ khí đốt tới châu Âu? Việc gián đoạn ngay lập tức là không thể tránh khỏi. David Victor, Chuyên gia Đại học California, San Diego cho rằng điều này sẽ được rõ ràng nhất ở Slovakia, Áo và các vùng của Italy.

Trong số các nước lớn ở châu Âu, Đức dễ bị tổn thương nhất. Do mạnh mẽ theo đuổi mục tiêu khí hậu, nước này đã tích cực dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than. Cùng với đó, sau thảm họa Fukushima của Nhật Bản, họ cũng vội vàng đóng cửa các nhà máy hạt nhân.

Vì vậy, Đức vẫn phụ thuộc nhiều vào khí tự nhiên. Đây là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, chiếm khoảng một phần tư tổng lượng tiêu thụ năng lượng của nước này. Trong đó, Nga cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu cho họ.

Tin tốt là hệ thống năng lượng của châu Âu đã linh hoạt hơn so với thời kỳ khủng hoảng năm 2009. Chuyên gia Andreas Goldthau của Đại học Erfurt ở Potsdam (Đức) chỉ ra một số thay đổi hữu ích. Các biện pháp thỏa thuận cạnh tranh chuyên nghiệp trong hợp đồng đã làm suy yếu sự kìm kẹp của Gazprom. Cùng với đó, một mạng lưới kết nối khí dày đặc hiện đã liên kết các quốc gia bị cô lập trước đây.

Một nguồn cung khác của châu Âu là khí hóa lỏng (LNG). Khối này đầu tư khá nhiều vào các nhà máy hóa khí cho LNG với công suất nhàn rỗi lớn. Citigroup ước tính rằng các nhà máy đang chạy ở mức 50% công suất hoặc ít hơn. Vì vậy, về lý thuyết, khu vực này có thể xoay xở LNG để thay thế gần hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Nhập khẩu khí đốt Nga (xanh đậm) và khí hóa lòng (đỏ) vào châu Âu thời gian qua. Đồ họa: The Economist

Nhập khẩu khí đốt Nga (xanh đậm) và khí hóa lòng (đỏ) vào châu Âu thời gian qua. Đồ họa: The Economist

Giai đoạn tháng 10 đến 12 năm ngoái, khi giá khí hóa lỏng ở châu Âu tăng gấp 3 lần, một đoàn tàu chở khí hóa lỏng đã cập bến lục địa này. Dòng cung này bù đắp cho sự sụt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga. Các công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc cũng đang tính toán lợi nhuận từ giá khí đốt cao ở châu Âu, hy vọng bán được nhiều LNG hơn.

Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận nghiên cứu khí đốt và khí hóa lỏng toàn cầu của Wood Mackenzie, cho biết vì hành trình từ Mỹ đến châu Âu ngắn hơn hành trình đến châu Á, các tàu chở khí hóa lỏng có thể hoàn thành nhiều chuyến đi hơn - tăng thêm 10% hoặc hơn nếu xuất khẩu sang châu Âu. Vì vậy, khí hóa lỏng bổ sung có thể lấp đầy 15% khoản thiếu hụt do việc cắt giảm hoàn toàn của Nga.

Một nguồn khác là kho dự trữ. Rystad, một công ty nghiên cứu năng lượng, tính toán rằng việc nếu thời tiết duy trì bình thường trong mùa đông năm nay thì lượng khí dự trữ đủ để bù đắp cho hai tháng mất dòng khí đốt của Nga. Một số nhà phân tích thậm chí tin rằng mức dự trữ thậm chí có thể trang trải cho cả bốn tháng.

Châu Âu còn có một vũ khí bí mật. Ông Di Odoardo chỉ ra các trữ lượng khí đồ sộ mà châu Âu sở hữu nhưng ít được thảo luận. Vì lý do kỹ thuật và an toàn, các cơ quan quản lý nhấn mạnh rằng các mỏ lưu trữ duy trì một lượng khí khổng lồ mà thông thường không có sẵn để đưa ra thị trường.

Các nhà phân tích tại Wood Mackenzie tính toán rằng có thể sử dụng tới một phần mười sản lượng này mà không gây ra vấn đề gì. Nếu các cơ quan quản lý cho phép, khi gặp khủng hoảng do chiến tranh, chúng có thể bù được thiếu hụt.

Tóm lại, châu Âu sẽ bị thiệt hại nếu Nga cắt khí đốt, nhưng điều đó chỉ khiến họ tốn kém hơn chứ không phải không đủ nguồn cung. Thị trường năng lượng của lục địa này vừa trải qua một đợt sốc giá đầu mùa đông và triển vọng giá vẫn xấu.

JPMorgan Chase dự báo rằng, ngay cả khi không có việc cắt giảm khí đốt của Nga, châu Âu sẽ chi khoảng 1.000 tỷ USD cho năng lượng trong năm nay, tăng từ 500 tỷ USD vào năm 2019. Nếu khu vực này buộc phải tiêu thụ lượng khí đốt dự trữ để tồn tại trước sự cắt giảm của Nga, họ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn trong mùa hè để tích lũy lại nguồn dự trữ của mình cho mùa đông năm sau.

Đó là một viễn cảnh khó chịu. Nhưng nếu chọn đòn đánh này, Nga cũng sẽ phải trả giá trong dài hạn. Một nguồn tin cho biết trên Economist rằng Gazprom sẽ phải đối mặt với tình trạng thiệt hại thương mại "khủng khiếp", từ các khoản phạt phải trả cho khách hàng, cho đến việc dừng dòng USD sang Nga để thanh toán hợp đồng.

Gazprom cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo bất kỳ hợp đồng dài hạn nào ở châu Âu sau khi thể hiện sự thiếu tin cậy như vậy. Và đường ống Nord Stream 2 được ông Putin ấp ủ chắc chắn sẽ tan thành mây khói. Việc khóa van thậm chí có thể khiến Trung Quốc, nước đang thận trọng nhập khẩu thêm khí đốt của Nga, đắn đo hơn về độ tin cậy khi làm ăn với người Nga.

Phiên An (theo The Economist)

Xem thêm: lmth.5813344-tod-ihk-tac-agn-uen-oas-ar-es-ua-uahc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Châu Âu sẽ ra sao nếu Nga cắt khí đốt?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools