Xe container trên đường lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo đó, từ ngày 1-3, hai bên Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thí điểm mỗi lượt xe xuất hàng của Việt Nam gồm cả đầu kéo và sơ mi rơ móc vào hai bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa ở khu vực mốc 1119-1120. Bãi chờ xuất bên phải đường sẽ thực hiện cắt container hàng, bãi chờ nhập bên trái đường sẽ cẩu container đi.
Tiếp theo, công nhân Việt Nam thực hiện cắt và cẩu container tại hai bãi chờ. Sau đó, tài xế lái đầu kéo và lực lượng chức năng sẽ rời khỏi bãi để lực lượng y tế Việt Nam khử khuẩn, làm sạch. Chỉ có công nhân vận hành cần cẩu mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang được ở lại. Buồng lái cũng được niêm phong.
Lúc này, phía Trung Quốc đã bố trí lượt xe tương ứng vào hai bãi chờ xuất trên. Nhân viên Trung Quốc thực hiện quy trình nối, cẩu container lên xe. Sau khi hoàn thành, tài xế chuyên trách của Trung Quốc sẽ lái xe hàng về nước theo đường vận tải chuyên dụng.
Giao hàng xong thì tài xế chuyên trách Trung Quốc đưa xe theo đường xuất nhập cảnh để trả container rỗng tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế.
Trả xong container rỗng, tài xế này sẽ lái đầu kéo về hai bãi xe quy định ở khu vực mốc 1119-1120 để nhận container hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường cũ.
Theo Sở Thông tin và truyền thông Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu nhưng do phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường xét nghiệm, phun khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, phương thức giao nhận hạn chế tiếp xúc giữa hai bên.
Đồng thời hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu phải thực hiện kiểm tra 100% nên hiệu suất thông quan rất thấp, khoảng 90 - 100 xe xuất/ngày. Do đó, Sở Công thương Lạng Sơn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ xuất sang Trung Quốc đến hết ngày 5-3.
"Dự báo trong thời gian tới năng lực thông quan qua tuyến biên giới phía Bắc trong đó có tỉnh Lạng Sơn sẽ tích cực hơn khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa mới ổn định, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì vậy các hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh các ngành hàng cần chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đặc biệt cân nhắc việc đưa hàng lên khu vực cửa khẩu trong thời gian tới”, Sở Thông tin và truyền thông Lạng Sơn đưa ra khuyến cáo.
Hiện, tỉnh Lạng Sơn đưa ra giải pháp hỗ trợ giảm phí, giá dịch vụ ra vào bến bãi; điều trị miễn phí cho tài xế container mắc COVID-19; triển khai nền tảng cửa khẩu số để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính…
Dự kiến trong quý 1-2022, Lạng Sơn hoàn thành cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma thành 4 làn xe xuất nhập khẩu; nâng quy mô tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) lên 3 làn xuất, 3 làn nhập.
Tính đến tối 28-2, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.479 xe. Trong đó xe chở hoa quả tươi chiếm gần 70% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu.
TTO - Đến nay đã có 1.776 doanh nghiệp được cấp mã sản phẩm nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm.
Xem thêm: mth.80211629110302202-couq-gnurt-auq-cux-peit-gnohk-aoh-gnah-nahn-oaig-meid-iht/nv.ertiout