Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 1-3 - Ảnh: TTXVN
Trong ngày 1-3 - ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt do Liên Hiệp Quốc tổ chức về tình hình Ukraine - hơn 100 nước và các tổ chức đã phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm về vấn đề quan trọng này. Tại đây Việt Nam lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại và bảo vệ người dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - chia sẻ từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Về tình hình Ukraine, Đại sứ bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng.
Theo đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang hoan nghênh cuộc đối thoại ngày 28-2 giữa hai phái đoàn Ukraine và Nga và mong muốn các bên liên quan tiếp tục duy trì đối thoại, hướng tới giải pháp nêu trên.
Bên cạnh đó, ông Giang nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.
Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.
Dự kiến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu nhằm thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine vào ngày 2-3 - ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của phiên họp.
Trước đó, hôm 28-2, theo Hãng tin AP, Đại sứ từ hàng chục quốc gia đã ủng hộ đề xuất yêu cầu Nga ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột, chú trọng bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Ông cho biết Liên Hiệp Quốc đã chi 20 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ hoạt động nhân đạo và đề cử ông Amin Awad làm Điều phối viên khủng hoảng Liên Hiệp Quốc tại Ukraine.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Abdullah Shahid kêu gọi các bên ngừng bắn, quay trở lại đàm phán ngoại giao và bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với người tị nạn, người di cư và kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ủng hộ các sáng kiến nhân đạo.
Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại trước tình hình trên thực địa và cho rằng cần sớm nối lại đối thoại, tránh để tình hình xấu đi, chú trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
TTO - Ngày 1-3, giá dầu thế giới một lần nữa tăng vọt, còn chứng khoán châu Âu và Mỹ sụt giảm sau khi các nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về chiến dịch quân sự của Nga (nhà sản xuất dầu thô quan trọng) ở Ukraine.