Người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều ý kiến cho rằng việc tiêm vắc xin hay không là quyền của mỗi người, trừ trường hợp pháp luật có quy định bắt buộc.
Về góc độ pháp lý, nhiều luật sư cho rằng có thể xử lý kỷ luật công chức từ chối tiêm ngừa COVID-19. Tuy nhiên, nếu muốn xử lý người dân từ chối tiêm thì cần có quy định cụ thể hơn hoặc chỉ xử lý được những trường hợp người từ chối tiêm gây lây lan dịch bệnh.
Xử lý công chức và trường hợp gây lây lan dịch
Theo luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), hiện nay việc tiêm vắc xin vẫn đang được Nhà nước khuyến khích không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn tạo được miễn dịch chung cho cộng đồng. Tiêm vắc xin vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi người dân.
Luật sư Việt cho rằng trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện tiêm vắc xin nhưng từ chối tiêm có thể thực hiện xử lý kỷ luật theo các quy định tại nghị định 112 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Bởi ngoài trách nhiệm của công dân thì với trách nhiệm là người thừa hành, thực thi, hoạt động đại diện một số công việc, nhiệm vụ của Nhà nước thì đối tượng này cần gương mẫu thực hiện. Chưa kể, nếu cán bộ công chức nhiễm bệnh và làm lây lan dịch bệnh thì ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng còn làm ảnh hưởng tới hoạt động ổn định của bộ máy nhà nước.
Riêng với người dân, cơ quan chức năng có thể căn cứ một số quy định để yêu cầu người dân tiêm vắc xin. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 điều 29 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì "người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin".
Thông tư số 38 của Bộ Y tế năm 2007 đã quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin. Như vậy, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch phải có nghĩa vụ tiêm vắc xin đối với một số loại bệnh nằm trong danh mục phải sử dụng vắc xin bắt buộc.
Tuy nhiên, hiện nay COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải tiêm vắc xin bắt buộc theo thông tư số 38 nêu trên. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng không có văn bản quy định về việc hạn chế hoặc cấm người dân lựa chọn loại vắc xin để tiêm.
"Tôi cho rằng để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, tùy tình hình thực tế và yêu cầu chống dịch, khi nào các cơ quan có thẩm quyền ra các quy định cụ thể bắt buộc người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch đủ điều kiện tiêm vắc xin phải tiêm vắc xin" - luật sư Việt phân tích.
Trong trường hợp người thuộc diện bắt buộc nhưng không chịu tiêm chủng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 1 đến 3 triệu đồng theo điểm a khoản 2 điều 9 nghị định 117. Trường hợp không chịu tiêm vắc xin mà dẫn đến bị nhiễm bệnh, làm lây bệnh cho người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Nên để dân tự nguyện
Tương tự, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng cần bổ sung một số quy định mới đủ điều kiện xử lý, xử phạt người dân từ chối tiêm vắc xin. Theo luật sư Thanh, không thể phủ nhận là việc tiêm vắc xin phòng chống bệnh COVID-19 đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì mức độ an toàn đối với người dân và xã hội càng lớn.
Tuy nhiên, các văn bản pháp lý hiện hành chưa có quy định về bắt buộc phải tiêm vắc xin COVID-19. Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định người dân sử dụng vắc xin theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.
Cụ thể, theo khoản 1 điều 29 và khoản 2 điều 30 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc và người dân có nghĩa vụ tiêm vắc xin đối với loại bệnh nằm trong danh mục này.
Trong khi đó, danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc hiện hành được ban hành theo thông tư số 38 năm 2017 của Bộ Y tế không có bệnh do virus corona (COVID-19). Do vậy, nếu bắt buộc người dân phải tiêm ngừa, Bộ Y tế phải cập nhật và bổ sung COVID-19 vào danh mục nêu trên, nếu chưa bổ sung thì người dân có quyền từ chối tiêm.
Mặc dù nghị định số 117 năm 2020 của Chính phủ có quy định một số trường hợp không sử dụng vắc xin có thể bị xử phạt, nhưng theo luật sư Thanh, nếu chưa có quy định bắt buộc người dân phải tiêm vắc xin COVID-19 thì chỉ nên dừng ở biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở chứ không nên áp dụng hình thức xử phạt.
Cán bộ, công chức cần nêu gương
Nhiều bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ Online cho rằng hiệu quả của việc tiêm ngừa COVID-19 là không thể phủ nhận, dù có trường hợp người đã tiêm vắc xin vẫn nhiễm bệnh và làm lây bệnh cho người khác.
Đến thời điểm này, chủ trương nhất quán của Nhà nước về tiêm vắc xin COVID-19 là dựa trên sự tự nguyện của người dân. Do đó, một khi chủ trương của Nhà nước chưa thay đổi, luật chưa có quy định bắt buộc phải tiêm ngừa COVID-19 thì việc xử phạt người dân với bất kỳ hình thức nào cũng thiếu thuyết phục.
Riêng cán bộ, công chức ngoài việc chấp hành pháp luật chung còn phải có trách nhiệm nêu gương về thực thi các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Do đó, nếu không thuộc trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin thì cán bộ, công chức cần chủ động thực hiện việc tiêm ngừa COVID-19 để phòng bệnh cho mình và cộng đồng.
TTO - Vắc xin COVID-19 đã cho thấy tác dụng rõ ràng khi tỉ lệ người được tiêm chuyển nặng rất thấp so với trước đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số người chần chừ chưa đồng ý tiêm dù hoàn toàn đủ điều kiện.
Xem thêm: mth.26961518020302202-gnohk-coud-yl-ux-91-divoc-nix-cav-meit-iohc-ut/nv.ertiout