Trẻ tự kỷ được giáo viên hướng dẫn thực hiện các món đồ thủ công - Ảnh: LAN HƯƠNG
Các bạn nhỏ học cách làm quen với nguyên vật liệu bằng cách sờ, động chạm, quan sát, ngửi, hoặc làm quen với các câu chuyện. Bên cạnh đó, trẻ cũng học thêm kỹ năng sử dụng các nguyên vật liệu, dụng cụ và cách làm ra sản phẩm.
Trẻ tự kỷ học nghề
Đây là các hoạt động làm đồ thủ công trực thuộc dự án "Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ" do Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em (RCCR) thực hiện kể từ năm 2018 đến nay.
Tùy khả năng nhận thức của mỗi học sinh, giáo viên sẽ xác định các kỹ năng phù hợp để dạy cho trẻ. Tất cả sản phẩm trẻ làm đều hướng tới sự thân thiện với môi trường như tái chế từ chai nhựa hoặc vỏ hộp sữa. Các sản phẩm làm ra đa dạng mẫu mã, chủng loại và được bán để giúp các trẻ tự tạo thu nhập từ sớm.
Theo chị Phan Thị Lan Hương, giám đốc RCCR đồng thời là người chịu trách nhiệm hướng dẫn các trẻ thực hiện đồ thủ công, dự án hướng nghiệp có những tiêu chí tuyển dụng và dạy nghề riêng vì không phải trẻ nào cũng đủ khả năng để theo học.
"Nghề thủ công đòi hỏi kỹ năng vận động tinh tốt, khả năng nhận thức và sự tỉ mỉ… mà không phải trẻ tự kỷ hay chậm phát triển nào cũng có thể đáp ứng được khả năng này", chị giải thích.
Chị Hương cho biết, nhiều phụ huynh luôn canh cánh một nỗi niềm sau khi mình không còn ở bên cạnh, con sẽ sống thế nào? Một số phụ huynh cũng chia sẻ, các bạn cùng trang lứa đi học, đi làm còn con chỉ ở nhà vì nhiều trung tâm can thiệp cho trẻ tự kỷ chỉ nhận các em nhỏ, hoặc có nhận thì cũng không có chương trình học cho các bé.
"Phụ huynh luôn mong muốn trẻ tự kỷ, nhất là trẻ lớn, có một môi trường tiếp tục học và giao lưu với các bạn cùng trang lứa. Bên cạnh đó, hướng nghiệp cũng giúp trẻ học được nhiều kỹ năng sống, phát triển về vận động giác quan, cảm xúc và nhận thức thông qua lao động", chị nói.
Dự án nhận trẻ từ khoảng 10 tuổi theo học. Tuy nhiên, nếu các trẻ nhỏ tuổi hơn có nhu cầu và muốn thử sức, trung tâm vẫn chào đón các bé. Trong khoảng thời gian từ 8h30 - 16h30 sau khi khởi động đầu ngày bằng các bài hát, nhảy theo nhạc và trò chơi để tạo cảm giác thoải mái, trẻ được học phương pháp làm đồ thủ công song song với thực hành.
Triển khai thêm dự án
Theo chị Hương, điểm đặc biệt ở trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển tâm thần là trẻ không thể tuân theo các quy định về thời gian một cách nghiêm ngặt.
"Có thể trẻ đang làm rất chú tâm nhưng lại đứng dậy đi loanh quanh một hồi rồi quay trở lại làm, hoặc bỏ đó đi làm việc khác. Có những bạn sự tập trung không cao, hay bị giảm chú ý… thậm chí thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến các bạn ấy cảm thấy không được thoải mái và sẽ không làm việc được như mình mong muốn, chưa kể các hành vi khác của dạng tật", chị nói.
Chị Hương nhấn mạnh, chính vì điều này nên trẻ tự kỷ là một trong những nhóm trẻ khuyết tật khó xin việc cho dù được đào tạo nghề tốt.
Ngoài dự án "Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ", hiện RCCR cũng đang triển khai dự án "1.000 giờ" - một dự án phi lợi nhuận về vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.
Ngoài ra, trung tâm còn có các dự án phi lợi nhuận khác hướng tới cộng đồng như tái chế đồ chơi cũ nhằm giáo dục, hướng trẻ em cũng như phụ huynh tới cách hành xử xanh đối với môi trường, dạy trẻ biết tiết kiệm và trân trọng đồ dùng xung quanh mình.
Theo giám đốc RCCR, trẻ tự kỷ rất cần sự hỗ trợ và quan tâm đúng mực của cộng đồng xã hội và các tổ chức xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng với đời sống.
Dễ tổn thương do dịch COVID-19
Theo chị Hương, ngay ở trẻ bình thường, đại dịch COVID-19 cũng gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý cũng như hoạt động học tập, vui chơi giải trí hằng ngày của trẻ. Với trẻ tự kỷ và chậm phát triển, tác động này ảnh hưởng đến trẻ lớn hơn nhiều lần.
"Trẻ cần sự hỗ trợ và tác động liên tục hằng ngày bởi các cô giáo dạy ở trường học. Trẻ rất dễ quên và các kỹ năng nếu không được củng cố hằng ngày cũng sẽ mất đi. Bên cạnh đó, rất cần một môi trường hoạt động thay đổi liên tục để có thể giải tỏa những năng lượng dư thừa hay những tích cực trong việc tiếp nhận và củng cố kiến thức cũ cũng như mới. Nhiều bạn đang theo học hòa nhập khó có thể ngồi học online như các bạn bình thường và như vậy không thể theo kịp kiến thức cũng như bị phá vỡ rất nhiều nề nếp cũng như kỹ năng", chị Hương chia sẻ.
Theo chị Hương, với trẻ tự kỷ mắc COVID-19 sẽ có nhiều khó khăn hơn trong điều trị so với các trẻ không tự kỷ, ví dụ như sự hợp tác với bác sĩ và thích nghi với máy móc, dụng cụ y học.
Ngoài ra, sự hạn chế về ngôn ngữ hay kỹ năng giao tiếp cũng là một trong những rào cản giúp điều trị tốt nhất cho trẻ. Với các trẻ tự kỷ bị mất người thân trong đại dịch, đây là một thiệt thòi lớn đối với trẻ, vì không ai hiểu và chăm sóc các bạn tốt bằng chính cha mẹ, người thân của mình.
"Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cẩn thận giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình và các bạn nhỏ thật tốt, tránh lây nhiễm dịch bệnh", chị nhấn mạnh.
TTO - Mẹ vừa dừng xe, bé P. khóc thét, không chịu vào lớp học. Nghe tiếng P., thầy Quanh đi ra, cất tiếng: 'Bạn P. đến rồi à? Lại đây với thầy nào'. Như một phản xạ tự nhiên, P. chạy sà vào lòng thầy. Hai thầy trò nắm tay nhau vào lớp...
Xem thêm: mth.48812938020302202-gnoc-uht-od-iov-oat-gnas-iat-ort-yk-ut-ert/nv.ertiout