Mặt bằng góc đường Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu đã được cửa hàng thời trang trẻ em thuê lại sau khi một doanh nghiệp trả mặt bằng
Trái ngược với cảnh nhiều mặt bằng vị trí "vàng" ở các ngã ba, ngã tư tại các quận trung tâm TP.HCM để trống, hiện các mặt bằng này đã được nhiều doanh nghiệp thuê lại, mở mới các cửa hiệu.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, hiện các mặt bằng có giá cho thuê 50-100 triệu đồng/tháng đang giao dịch mạnh, các doanh nghiệp lớn cũng chọn thuê phân khúc mặt bằng này. Còn các mặt bằng từ 200 triệu đồng trở lên, dù có khách thuê nhưng lượng giao dịch rất chậm, người thuê cũng rất dè dặt do chi phí thuê cao.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - môi giới bất động sản tại TP.HCM - cho biết hiện các chủ mặt bằng vẫn còn hỗ trợ người thuê như giảm tiền nhà, giảm tiền cọc… để khách hàng chốt nhanh mặt bằng.
Theo ông Nghĩa, thị trường mặt bằng cho thuê ở TP đang phục hồi, nhóm khách thuê mới chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, dịch vụ, làm đẹp, nhà thuốc... Các mặt bằng thuê mới để trống trong 2 năm qua một phần do nhu cầu người dân chưa phục hồi tốt, phần vì chủ nhà đưa ra mức giá cho thuê khá cao trong bối cảnh doanh nghiệp khá dè dặt.
Ông Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - thông tin rằng thị trường mặt bằng bán lẻ đã quay trở lại giao dịch nhộn nhịp do các doanh nghiệp đã có nhu cầu thuê trở lại. Thời điểm này khách thuê mặt bằng có nhiều lợi thế về giá, điều kiện mềm dẻo hơn trước.
Tuổi Trẻ Online đã ghi lại những hình ảnh "thay áo mới" của nhiều mặt bằng trong 2 năm qua:
Mặt bằng góc đường Nguyễn An Ninh - Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM dày đặc bảng dán quảng cáo cho thuê mặt bằng (ảnh chụp trưa 7-12-2020 và tháng 2-2022)
Mặt bằng đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM, vào tháng 3-2020 (ảnh trước) và tháng 2-2022 (ảnh sau)
Mặt bằng trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM, tháng 12-2020 và tháng 2-2022
Mặt bằng đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) đã được "thay áo mới"
Nhiều cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP.HCM đóng cửa tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19 (ảnh chụp chiều 15-4-2020) và ảnh chụp vào tháng 2-2022 cho thấy hoạt động kinh doanh sôi động trở lại
Mặt bằng trên đường Đồng Khởi đã được các doanh nghiệp thuê mới, trái ngược với cảnh xơ xác vào năm 2020 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Những thương hiệu ẩm thực mới đã thay thế thương hiệu cũ, sáng đèn phục vụ khách hằng đêm trên đường Hồ Tùng Mậu (Q.1) - Ảnh: NGỌC HIỂN
TTO - Các shop đóng cửa, hàng quán chưa tháo rèm, thậm chí ‘tháo chạy’ khi trả mặt bằng, dứt hợp đồng… khiến không ít trung tâm thương mại ở TP.HCM phục hồi chậm, thậm chí có nơi còn phải chuyển sang cho thuê văn phòng thay vì mặt bằng kinh doanh.