Hãng tin AFP dẫn lời ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, cho biết: "Nền kinh tế Nga đang chịu một đòn đòn đau". Tuy nhiên, ông Peskov kiên quyết nói rằng "chúng tôi vẫn trụ được".
"Chúng tôi vẫn có một biên an toàn nhất định, vẫn có tiềm năng, vẫn còn những kế hoạch, công việc được triển khai", ông Peskov nói thêm.
Mới đây, Nga đã cấm bất kỳ cá nhân nào mang quá 10.000 USD ra khỏi biên giới. Sau đó, các cơ quan quản lý cũng đã cấm nhà đầu tư bán cổ phần và rút tiền khỏi các thị trường tài chính.
Bộ Tài chính Nga đã bày tỏ ủng hộ với phương án bỏ thuế thuế tiêu thụ hoặc thuế giá trị gia tăng khi các cá nhân mua vàng.
Trong bối cảnh Phương Tây liên tục ra đòn trừng phạt, ngân hàng lớn nhất nước Nga là Sberbank đã phải chấm dứt hoạt động ở thị trường châu Âu khi khách hàng ồ ạt rút tiền. Giá chứng chỉ lưu ký của Sberbank giao dịch tại thị trường London đã rớt giá về gần 0.
Công ty kim loại và khai khoáng Severstal của Nga đã thông báo tạm ngừng bán hàng tới châu Âu. Tập đoàn kho vận khổng lồ DHL của Đức cũng tuyên bố dừng giao hàng tới Nga, đồng thời tạm ngừng hoạt động ở Ukraine vì lý do an toàn.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn khác như Apple, ExxonMobil, Ford, Boeing và Airbus đã thông báo đóng cửa chi nhánh hoặc dừng hoạt động tại Nga. Các đại gia công nghệ như BP, Shell, Equinor đều đã rời đi.
Nga gồng mình giữa các lệnh cấm vận
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hôm 24/2, chỉ số MOEX của thị trường chứng khoán Nga lập tức lao dốc 30%. Ngân hàng trung ương Nga liền ra lệnh đóng cửa thị trường sớm để ngăn nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo.
Trong ba ngày đầu tuần này, thị trường chứng khoán Nga đều đóng cửa im lìm. Chỉ các giao dịch mua đồng nội tệ (ruble) là thực hiện được. Dự kiến vào thứ Bảy tới đây (5/3), thị trường mới mở cửa trở lại một cách hạn chế.
Đồng ruble bị bán tháo khiến giá trị giảm sút nghiêm trọng, như thể hiện trong biểu đồ trên. Trước đây, nhà đầu tư cho rằng Nga có thể dùng kho dự trữ ngoại hối khổng lồ để củng cố đồng nội tệ khi bị cấm vận. Tuy nhiên, Phương Tây đã quyết định phong tỏa dự trữ quốc tế của Nga, khiến Moscow mất đi nguồn lực trị giá hàng trăm tỷ USD.
Đồng thời, Mỹ và các đồng minh còn không cho Moscow tiếp cận thị trường giao dịch USD, euro, bảng Anh; chặn đường vay nợ nước ngoài của Nga. Nhiều ngân hàng lớn của Nga bị ngắt kết nối với hệ thống liên lạc tài chính toàn cầu SWIFT, làm cho hoạt động giao dịch xuyên biên giới gặp vô vàn khó khăn.
Hiện nay, Phương Tây vẫn chưa cắt đứt hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga, một phần vì châu Âu vẫn cần năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông. Mặc dù vậy, thị trường dầu mỏ đã lập tức phản ứng mạnh giữa những bất ổn về địa chính trị, giá dầu tăng vọt lên trên 110 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt sẽ khiến cho kinh tế Nga thiệt hại nặng nề nhất, như thể hiện trong biểu đồ trên. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận về tài chính hiện nay cũng đã đủ khiến cho Nga khó tìm được đối tác giao thương.
Nhiều người sợ vi phạm các lệnh cấm vận của Phương Tây nên không dám mua dầu của Nga, mặc dù giá được giảm tới 20 USD mỗi thùng so với thị trường chung.