Cầu Thủ Thiêm 2 nhìn từ trên cao
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (đường Tôn Đức Thắng, quận 1) được khởi công vào năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Sau lần trễ hẹn vào năm 2018 do vướng chuyện giải phóng mặt bằng, hiện nhà thầu đang gấp rút thi công các nhánh cầu phía quận 1 để hoàn thành toàn bộ công trình vào dịp 30/4 năm nay.
Cây cầu có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), sau đó vượt sông Sài Gòn kết nối đại lộ vòng cung (tuyến R1) của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ba nhánh dẫn lên cầu phía quận 1, gồm nhánh chính, N1, N2, đã thành hình.
Trong đó, nhánh chính dài 437 m có 4 làn xe đi thẳng vượt qua nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn, kết nối với nút giao Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng hiện đã được lắp lan can, trải nhựa và hệ thống chiếu sáng. Để hoàn thành nhánh cầu này, hơn 250 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ hoặc di dời.
Hai nhánh dẫn còn lại nối vào cầu chính đã thành hình. Trong đó một nhánh với hướng uốn cong men theo bờ sông dài 195 m, cho xe từ công trường Mê Linh chạy dọc đường Tôn Đức Thắng vào cầu chính. Nhánh còn lại dài hơn 192 m, kết nối từ TP Thủ Đức qua quận 1, xuống đường Tôn Đức Thắng trước nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn. Phần nhánh này đang được thi công gắn lan can.
Cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 6 làn xe, dài hơn 1,4 km, với phần cầu dài gần 890 m. Trụ tháp chính của cầu gồm hệ thống 56 dây văng, cao 113 m và nghiêng về phía Thủ Thiêm. Khi hoàn thành, trụ tháp chính sẽ trở thành biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vào chiều 2/9/2021, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành lắp đặt 17/17 đốt dầm thép băng ngang sông Sài Gòn, giúp kết nối với cầu dẫn tuyến chính ở phía quận 1.
Dự kiến khi hoàn thành, công trình sẽ kết nối giao thông giữa trung tâm TP. HCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giảm ùn tắc giao thông đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, dự án cầu Bưng nằm trên đường Lê Trọng Tấn, bắc qua kênh Tham Lương, nối hai quận Bình Tân và Tân Phú, có mức đầu tư 515 tỷ đồng. Công trình dài 560 m, trong đó tổng hai nhánh cầu dài 207 m, còn lại là đường dẫn. Khởi công từ tháng 7/2017 và phải tạm dừng 2 lần, cầu Bưng được dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm nay.
Đầu tháng 12/2021, một nhánh cầu Bưng gồm 2 làn xe đã được hoàn thành và thông xe. Cầu Bưng mới sẽ thay thế cầu cũ nhỏ hẹp, đã xuống cấp, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực và góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thuận lợi vận chuyển, giao thương hàng hóa cửa ngõ Tây Bắc thành phố.
Phía dưới cầu là giao lộ Lê Trọng Tấn - đường Kênh 19/5, đây từng là “nút thắt cổ chai” chỉ rộng 7 m (cho 2 làn xe lưu thông) khiến tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc giao thông nhất là vào giờ cao điểm.
Cầu bộ hành dẫn xuống đường dân sinh phía quận Tân Phú đã hoàn thành và có thể sử dụng.
Ngoài ra, dự án cầu Bưng còn đồng bộ với dự án tiêu thoát nước xử lý ô nhiễm tuyến kênh Tham Lương –Bến Cát – Rạch Nước. Tuy được đo đạc, cắm mốc từ năm 1999, nhưng phải chờ đến năm 2021, dự án cải tạo tuyến kênh dài nhất TP. HCM mới được thông qua kế hoạch đầu tư.
Anh Thắng (35 tuổi), sống cùng gia đình trong một căn chòi nhỏ trên đường Lê Trọng Tấn, chia sẻ: “Từ khi có nhánh cầu mới, người dân chúng tôi không còn phải chứng kiến tình trạng kẹt xe kéo dài, gây ô nhiễm, mệt mỏi. Tôi cũng mong rằng chính quyền sớm “hồi sinh” tuyến kênh Tham Lương đề bà con buôn bán dưới chân cầu không còn phải chịu đựng mùi hôi thối”.
https://soha.vn/can-canh-sieu-cau-3100-ty-sap-hoan-thanh-la-bieu-tuong-moi-cua-thu-thiem-20220226172345052.htmTheo Phùng Tiên - Hoàng Thuấn
Tổ Quốc