Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện thành phố cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái bình thường mới đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 trên địa bàn Thủ đô ước tính đạt 51.000 tỷ đồng, giảm 12,2% so với tháng trước nhưng tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội ước tính đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.800 tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức và tăng 15,3%.
Trên bình diện cả nước, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2022, các ngành thương mại và dịch vụ cả nước tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vận chuyển hành khách tháng 2/2022 tăng 13,1% và luân chuyển hành khách tăng 10% so với tháng trước. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2022 ước đạt hơn 29,5 nghìn lượt người, tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước do tiếp tục thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021 và một số đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 49,2 nghìn lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2022 ước tính đạt 1.318 triệu USD, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021, Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 2.671 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 1.413 triệu USD, tăng 33,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.258 triệu USD, tăng 27,7%.
Theo thông tin từ báo Công thương, nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mới đây, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung thành phố năm 2022.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới,…
Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 trên địa bàn thành phố tăng 5% so với thực hiện năm 2021, thành phố sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn; tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu.
Thị trường lao động Hà Nội dự báo cần 100.000 người trong quý I/2022
Theo các dữ liệu thu thập được, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, trong quý I/2022, thị trường lao động Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng từ 80.000 – 100.000 chỉ tiêu.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn tập trung ở một số ngành nghề như: kinh doanh thương mại, bán buôn bán lẻ, cơ khí, sửa chữa ô tô, tài chính – ngân hàng. Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong thời gian qua, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tuyển là công nghệ thông tin, giao nhận hàng...
Chia sẻ với báo An ninh thủ đô, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động.
Tuy nhiên, với tinh thần thích ứng linh hoạt, hiện nguồn cung lao động trên địa bàn Hà Nội vẫn khá ổn định. Xu hướng tìm kiếm việc làm của người lao động vẫn diễn ra bình thường, từ đầu năm đến nay đơn vị này đã tiếp nhận nhiều đăng ký tìm kiếm việc làm từ phía người lao động, từ đó tổ chức kết nối đến các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Vũ Quang Thành, dịch Covid-19 khiến việc tuyển dụng của doanh nghiệp có ít nhiều sự khác biệt so với trước. Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra nhiều chỉ tiêu tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và quyền lợi hơn, bởi đây là thời gian khởi đầu cho cả năm, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân sự mới để phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong các quý của năm mới.
"Khi tuyển dụng nhân sự ở các vị trí dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra thêm yêu cầu kỹ năng công nghệ để tránh việc tiếp cận trực tiếp. Bên cạnh đó, một số chế độ đãi ngộ người lao động ở những vị trí công việc có tính chất, nguy cơ lây nhiễm dịch cũng được điều chỉnh cho phù hợp" - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phân tích.
Hương Anh (tổng hợp)