Trong lúc căng thẳng với Nga vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Quốc hội Ukraine hôm 3-3 đã kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế khác cử phái bộ gìn giữ hòa bình đến đất nước của họ, đài RT đưa tin.
Theo đó, Quốc hội Ukraine kêu gọi Liên Hợp Quốc, Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế, Nghị viện Châu Âu cũng như "quốc hội và nội các" của tất cả các quốc gia hỗ trợ chính quyền Ukraine "bảo vệ thường dân khỏi chiến dịch quân sự Nga”.
Các nghị sĩ Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình đến, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, và mở "hành lang xanh" cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và người tị nạn.
Quốc hội Ukraine kêu gọi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cử phái bộ gìn giữ hòa bình đến để hỗ trợ người dân Ukraine. Ảnh: RT
Bất kỳ sứ mệnh gìn giữ hòa bình nào của LHQ cũng phải được Hội đồng Bảo an (UNSC) thông qua, trong đó có Nga là một trong 5 thành viên thường trực nắm quyền phủ quyết, theo RT.
Và nếu UNSC không đạt được sự đồng thuận, theo nghị quyết 377 của Đại hội đồng LHQ (UNGA), được thông qua vào năm 1950, UNGA có thể tự giải quyết những vấn đề đó. Tuy nhiên, ít nhất 7 thành viên của UNSC phải ủng hộ động thái này.
Trước đó, chính quyền Kiev đã nhiều lần đưa ra ý tưởng triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ vào phía đông ở nước này, nơi các lực lượng của Ukraine đang đối đầu với phe ly khai ở 2 khu vực Donetsk và Luhansk kể từ năm 2014. Nhưng ý tưởng này chưa bao giờ thành hiện thực.
Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2, tuyên bố đây là lựa chọn duy nhất để bảo vệ 2 khu vực ly khai khỏi kế hoạch chiếm lại lãnh thổ bằng vũ lực của Ukraine.
Moscow cũng tuyên bố rằng mục tiêu của họ là "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" bộ máy chính quyền Kiev.
Phản hồi lại, Ukraine phủ nhận mọi kế hoạch tấn công Donetsk và Luhansk và cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại nước này là một hành động vô cớ. Nhiều nước phương Tây cũng bày tỏ sự ủng hộ với Kiev và liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga.