vĐồng tin tức tài chính 365

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 8: Một thời ký túc xá khó quên

2022-08-04 10:52
Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 8: Một thời ký túc xá khó quên - Ảnh 1.

Tôi (bìa phải) sinh hoạt vòng tròn với các bạn sinh viên năm nhất ở bãi cỏ sân trường cơ sở 3 năm 1994 - Ảnh tư liệu

Mới rồi có dịp ra Đà Nẵng gặp lại nhóm bạn học thời sinh viên, chúng tôi mới ngỡ ngàng nhận ra sau gần 30 năm, chúng tôi vẫn luôn nhớ như in những gì đã diễn ra hồi quen nhau ở năm nhất đại học.

Những lần họp lớp dù bao nhiêu thành viên thu xếp tham dự được, dù kẻ còn người mất, gia đình mấy mặt con... thì câu chuyện trên bàn tiệc vẫn xoay quanh những hồi ức đầy hoài niệm của thời tân sinh viên một thuở.

Ký túc xá gắn kết tình thân

Bấy giờ, chúng tôi là sinh viên khoa ngữ văn báo chí Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), học tập trung ở cơ sở 3 Tân Phú - Thủ Đức. 

Bạn bè quê quán từ khắp nơi, từ Ninh Bình đến Kiên Giang, từ Đắk Lắk đến Bến Tre... trước lạ sau quen, thân thiết và gắn bó với nhau rất nhanh nhờ không chỉ gặp nhau trên giảng đường mà còn ở chung KTX, phòng trọ thuộc cụm đại học ở Thủ Đức.

Với bất cứ ai từng ở KTX hay chung phòng trọ thời sinh viên thì đây là nơi mà tình bạn bè thân thuộc nảy sinh, vun đắp nhanh nhất, dễ nhất, như để bù đắp nỗi nhớ nhà và tinh thần tập thể cũng được phát huy. 

Bấy giờ KTX dành cho Đại học Tổng hợp TP.HCM ở cơ sở 3 chỉ là dãy nhà cấp 4 xây dựng đã lâu và cũ kỹ, mọi tiện ích còn thiếu thốn, điều kiện ăn uống khó khăn... Xung quanh còn rất đìu hiu, vắng vẻ, nhất là buổi chiều tối.

"Hồi đó khi đậu đại học rất háo hức đi vô "Sài Gòn hoa lệ" để học hành, dè đâu lại ăn học ở Thủ Đức lúc bấy giờ đúng là "khỉ ho cò gáy" bởi mới 20h là tụi mình chỉ ru rú trong phòng KTX, không dám ra ngoài. 

Những ngày đầu tiên ở KTX "sợ run người" vì có các anh "đầu gấu năm cuối" đi gõ cửa phòng nhát ma các "lính mới". Nhà vệ sinh công cộng ở xa dãy phòng cũng là một thử thách ra trò vào ban đêm", người bạn học Lệ Hằng (khoa ngữ văn báo chí khóa 94-98, hiện công tác tại báo Khánh Hòa) nhớ lại.

Nhưng Lệ Hằng cũng không thể nào quên những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của thời hoa mộng. Bạn hoài nhớ: "Thương nhất vẫn là những bữa cơm tự nấu trong phòng KTX toàn nước canh rau với vài miếng thịt mỏng như lá lúa, vậy mà vẫn rủ bạn bè trong lớp ngồi san sẻ với nhau. Những buổi sinh nhật tổ chức tại phòng đơn giản mà tràn ngập tiếng cười đùa".

Có bạn dùng chổi quét làm đàn guitar, úp xô nhựa làm bàn tiệc... Hằng ngày, các tân sinh viên từ KTX đi bộ lên giảng đường qua những cung đường mòn, lối nhỏ đất đỏ rạp mát bóng cây keo, bạch đàn... có lá xanh reo rì rào trong gió rất lãng mạn.

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 8: Một thời ký túc xá khó quên - Ảnh 2.

Một trong những tờ báo dạng kỷ yếu do sinh viên tự làm tại giảng đường cơ sở 3 năm 1995 - Ảnh tư liệu

Tổ chức "sô" văn nghệ, làm báo nội bộ

Sự gắn bó từ giảng đường đến nơi ở như KTX, phòng trọ tư nhân... giữa các sinh viên năm nhất chúng tôi không chỉ chia ngọt sẻ bùi mật thiết theo lẽ tự nhiên mà còn nảy sinh nhiều hoạt động tập thể vui nhộn như sinh hoạt trò chơi vòng tròn ở bãi cỏ khuôn viên trường, phong trào vẽ thiệp tay để tặng bạn nữ, thi đấu bóng đá, đàn hát giao lưu, tổ chức đêm văn nghệ và cả làm báo nội bộ!

Hai lần tổ chức hội diễn văn nghệ dành cho các tân sinh viên nhiều khoa thuộc Đại học Tổng hợp TP.HCM ở cơ sở 3, chúng tôi đều hát hò thật tưng bừng cho dù ở sân khấu dã chiến chỉ là một bãi cỏ với độc nhất một ánh đèn chiếu vàng mờ leo lét. 

Bạn học Phan Trần Công (hiện là giảng viên đại học) vẫn nhớ lại kỷ niệm "ngủ lại đêm ở hành lang để cắt dán thủ công chữ phông sân khấu cho hội diễn cơ sở 3". Vui nhất là các bạn nữ ở KTX thì nấu một nồi chè to đùng để cả lớp cùng ăn sau đêm văn nghệ đói rã rời, còn các bạn nhận được giải ca hát sau đó khao tiếp tục bằng những chầu karaoke.

Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ hơn hết là chuyện lớp ngữ văn báo chí tổ chức làm báo nội bộ để lưu lại những kỷ niệm nơi khung trời đại học, đồng thời cũng thực hành cho ngành học và nghề nghiệp sau này. 

Từ những buổi nằm nghỉ trưa lăn lóc ở hành lang giảng đường hay ngồi tụm ba, tụm bảy trong phòng KTX bàn thảo, rồi kéo nhau ra khu vực Hồ Đá non nước hữu tình để ngắm hoàng hôn, chúng tôi quyết định đồng lòng "làm báo". Ý tưởng này khi nêu ra trước lớp ai cũng thích thú và tán thành. 

Cả lớp trên 100 bạn gật đầu "đóng tiền mua báo" trước (ngày nay gọi là crowdfunding - góp tiền trước cho một dự án) để có kinh phí in photocopy đen trắng cho tờ báo nội bộ. Dĩ nhiên chúng tôi trở thành những bạn đọc đầu tiên của báo do mình tự làm!

Thật ra mà nói, chúng tôi chỉ dám dùng từ "kỷ yếu" hay "đặc san" thông dụng bấy giờ chứ chưa mạnh miệng gọi là báo. Dù vậy, "tờ báo" vẫn có 4 - 8 trang, gấp và kim bấm thuận tiện cầm tay để đọc. 

Có trang bìa, ảnh bìa, có bài viết bên trong, có thơ văn gồm nhiều đề mục văn thơ, tản mạn, trang trí tít tựa đơn giản, ảnh chụp mang đi rửa ra hình 9x12 hoặc 10x15cm rồi cắt dán trực tiếp thủ công lên trang báo gốc (hồi đó chưa thiết kế hoàn toàn trên máy tính)... 

Nếu đầu năm học, chúng tôi làm tờ báo tường "Nụ văn khoa" thì cuối học kỳ 1 thực hiện nội san "Bỡ ngỡ". Nhiều cây bút trong lớp còn cộng tác cho tờ báo lưu hành nội bộ "Diễn đàn sinh viên Thủ Đức" do Đoàn cơ sở 3 thực hiện. Và rồi tin bài của nhiều bạn bắt đầu xuất hiện trên Mực Tím, Áo Trắng, Tuổi Hồng đến Tuổi Trẻ...

"Chỉ một năm rưỡi ăn học ở Thủ Đức thôi nhưng là cả một trời ký ức", bạn học Đoàn Ngọc Trí xuýt xoa khi xem lại những bức ảnh chụp "khung trời đại học" sau gần 30 năm. Thời đó, khi sang năm học thứ hai, tất cả đều học tại giảng đường trung tâm nội thành TP.HCM thuận tiện đi lại, song lại không còn gắn bó như trước vì tan lớp là hầu như ai cũng... vội vã ra về đi làm thêm hay công việc riêng hết. 

Rất may là những kỷ niệm từ KTX giữa "rừng cây", từ giảng đường cơ sở 3 có kiến trúc thuận theo thế đất rất đẹp ngày nào vẫn còn lưu giữ ở trang báo, nội san photocopy đen trắng ngày xưa...

Hoài niệm đến đây, tôi lại nhớ đến những câu thơ của anh bạn học Nguyễn Hữu Trà (hiện làm báo ở quê nhà Đà Nẵng):

Có kỷ niệm nào không đẹp hỡi em

Dù là nỗi buồn một thời ngọt đắng

Những con đường ngàn xưa vẫn lặng

Đi về đánh động giấc ngủ quên...

Thời ấy, tất cả chúng tôi có thật nhiều thời gian bên nhau ngoài giờ học. Những bạn ở trong nội thành hằng ngày theo một chuyến xe buýt duy nhất từ đường Nguyễn Văn Cừ (nay là ĐH Khoa học tự nhiên) sáng đi đến cơ sở 3 rồi chờ đến chiều về sau tiết học cuối.

Ban trưa, các nhóm bạn cùng dùng bữa ở căngtin với món tráng miệng món chè đậu đen nước dừa tuyệt ngon, hoặc ra các quán cơm bình dân vệ đường, rồi ngồi nhâm nhi ở những quán cà phê mở xập xình những bản nhạc ăn khách bấy giờ như Người tình mùa đông, Tình nhạt phai...

Nhóm khác thì ngủ trưa ngay tại cầu thang, hành lang tầng 1 để chờ đến tiết học chiều.

***************

So với các anh chị lớn, thế hệ sinh viên của chúng tôi gần ở thì hiện tại. Không còn chuyện đạp xe đi học hay quá khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn có bao kỷ niệm khó quên...

>> Kỳ tới: Lớp đại học... 10 sinh viên

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 7: Nhớ mãi lớp học gần lăng Ông Bà Chiểu

TTO - Cứ mỗi lần có dịp đi ngang lăng Ông Bà Chiểu, tôi lại nhớ những ngày tôi lang thang từ lớp đại học sang đây chơi.

Xem thêm: mth.34533412230802202-neuq-ohk-ax-cut-yk-ioht-tom-8-yk-coh-iad-iort-gnuhk-uey-me-ial-art/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 8: Một thời ký túc xá khó quên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools