Học sinh mầm non tại Trường mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ông Trịnh Duy Trọng, trưởng phòng chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, cho biết theo thống kê từ phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện, từ khi học tập trực tiếp sau Tết (7-2 đến 2-3), số lượng học sinh thuộc diện nhiễm và nghi nhiễm là 40.385 ca. Số trường hợp phát hiện tại trường là 2.160 ca.
Ca nhiễm tăng, thiếu bộ xét nghiệm
Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện mắc và nghi mắc là 3.689 ca, trong đó 381 ca ghi nhận tại trường.
Trong khi đó, theo số liệu từ Sở Y tế TP.HCM, trong 2 tuần qua, số ca nghi mắc trong cơ sở giáo dục tại các quận, huyện đang ở mức cao.
Số lượng ca mắc, nghi mắc cao nhất bao gồm quận 1 (4.005 người), quận Bình Thạnh (3.483), thành phố Thủ Đức (3.303), quận 12 (3.222) và quận Tân Phú (2.871).
Ông Trọng chia sẻ hiện tại phần lớn các cơ sở giáo dục gặp khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi, mắc bệnh và tầm soát F1 trong trường học.
Thiếu hàng đầu là bộ xét nghiệm nhanh. Sở Giáo dục và đào tạo đã phối hợp Sở Y tế cấp bộ xét nghiệm nhanh đợt 1 về trường công lập, nhưng chỉ được dùng để tầm soát F0 theo quy định. Việc có đủ bộ xét nghiệm để các trường xét nghiệm cho F1 vẫn còn gặp khó khăn.
Bà Trần Hải Yến, phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội (HĐND TP.HCM), cho biết trong những ngày qua khi khảo sát, ban cũng đã nhận thấy nhiều trường gặp khó khăn về trang thiết bị phòng chống dịch.
Các trường đều phải tự dành ra một khoản kinh phí lớn để mua dung dịch vệ sinh, khử khuẩn, bộ xét nghiệm nhanh,...
Học sinh đón con tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Vẫn có thể tổ chức bán trú
Ông Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua ngành y tế và giáo dục đã phối hợp xử lý, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh kể từ khi học sinh thành phố trở lại học trực tiếp. Tuy nhiên, một số trường hợp còn chưa kịp thời.
Trước tình hình số ca mắc, nghi mắc trong trường học gia tăng, nhiều trường đã rất lo lắng và cho dừng các hoạt động căngtin, bán trú.
Theo ông Hưng, việc này cần hết sức cân nhắc bởi theo quan điểm của ngành y tế, vẫn có thể tổ chức bán trú nếu làm chặt chẽ và được giám sát bởi các ngành chuyên môn.
Ông Hưng cho rằng bán trú trong trường học rất cần thiết. Trong trường hợp không tổ chức bán trú, nhiều phụ huynh phải đưa rước, cho con ăn bên ngoài và không chắc gì sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm và chống dịch bằng ở trường.
Một số trường lại đặt thêm những quy định riêng như học sinh phải xét nghiệm định kỳ hằng tuần hoặc có giấy chứng nhận âm tính bằng PCR mới được đến trường.
"Nhìn chung, việc này cũng là quan tâm đến học sinh, nhưng nếu các trường đưa ra những quy định hơi quá sẽ phiền hà cho phụ huynh và các em", ông Hưng nói.
"Khát" nhân viên y tế học đường
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho rằng trong tình hình hiện nay, chúng ta càng nhận thấy tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường.
Tuy nhiên, số lượng nhân viên y tế học đường tại TP.HCM đang thiếu hụt. Hiện 4 vị trí văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế học đường chỉ có 3 biên chế, nên ở nhiều trường, một số giáo viên phải kiêm nhiệm luôn nhân viên y tế học đường.
Qua 2 năm dịch bệnh, số lượng nhân viên y tế học đường tại TP.HCM gần như không được bổ sung mà còn có dấu hiệu giảm.
Ông Hưng cho biết trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp cùng Sở Giáo dục và đào tạo để có những đề xuất với UBND TP.HCM nhằm đảm bảo số lượng nhân viên y tế học đường trong các trường học.
Bên cạnh đó, thời gian tới, các trường đại học sẽ hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao chất lượng chuyên môn cho các nhân viên y tế học đường tại các trường để có thể hoạt động hiệu quả hơn.
"Thiếu nhân viên y tế học đường ảnh hưởng rất đến sức khỏe của thế hệ tương lai", ông Hưng nói.
TTO - Số ca dương tính là học sinh ở các trường học trên địa bàn TP.HCM vào ngày 21-2 là 285 ca, ngày 22-2 là 219 ca, ngày 23-2 có 178 ca, ngày 24-2 là 185 ca, ngày 25-2 tăng lên 216.
Xem thêm: mth.90740949040302202-tahn-ueihn-91-divoc-cam-mch-pt-o-oan-nauq-hnis-coh/nv.ertiout