Chiều 4-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực.
Rất thuận lợi để hình thành TTTC
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, ngày 29-3-2021, UBND TP đã ký Bản thỏa thuận với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (TPPG) về việc tài trợ lập “Đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành TTTC quy mô khu vực”.
Đà Nẵng tham vọng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Ảnh: TẤN VIỆT
Dự thảo đề án cho rằng, dù Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản nhưng cũng rất khó để TP trở thành một TTTC quốc tế theo mô hình trung tâm truyền thống.
Bởi các điều kiện chưa được đáp ứng như mức độ phát triển của thị trường tài chính, quy mô thị trường, chất lượng hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực và các chính sách vượt trội đi kèm.
Việt Nam chưa thể thiết lập cơ chế để hình thành TTTC quốc tế ở một phạm vi quá rộng. Với sự thận trọng trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn, một phương án khả thi trong giai đoạn phát triển ban đầu là hình thành một TTTC Offshore (OFC) cung cấp dịch vụ tài chính cho người không cư trú (các dịch vụ tài chính xuất khẩu).
Đà Nẵng có quỹ đất sạch (khoảng 6,17 ha) đã được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp TTTC với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi.
Đối với lô đất nằm sát biển sẽ được thiết kế chức năng hỗn hợp để hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng cho TTTC. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp phục vụ nhu cầu giao lưu, nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư khi đến TTTC tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, TP đang tiến hành chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích hơn 62 ha thành khu trung tâm kinh doanh rất phù hợp để hình thành khu phố tài chính liên kết với khu phức hợp, hình thành một tổ hợp TTTC đầy đủ về quy mô và không gian phát triển.
Nếu như TP.HCM đặt mục tiêu trở thành một TTTC được xếp hạng trong nhóm 50 TTTC hàng đầu thế giới của Chỉ số TTTC toàn cầu vào năm 2030 và trong nhóm 20 TTTC hàng đầu thế giới vào năm 2045, thì Đà Nẵng xác định mục tiêu phát triển thành TTTC quốc tế và gia nhập mạng lưới các TTTC khu vực vào năm 2045.
Do đó, trong khi TTTC quốc tế tại TP.HCM sẽ có bước phát triển nhanh để vươn lên một TTTC toàn cầu thì Đà Nẵng hướng đến thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính, đầu tư cho khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây và một số quốc gia khác trong khu vực.
Trong quá trình phát triển TTTC quốc tế tại Đà Nẵng vừa hỗ trợ, bổ sung, tăng cường sức cạnh tranh cho TTTC quốc tế tại TP.HCM.
Khu đất quy hoạch xây dựng Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Đề xuất các chính sách ưu đãi vượt trội
Đà Nẵng lựa chọn mô hình TTTC phi truyền thống. Trước mắt sẽ giới hạn phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư tài chính trong một khu vực có ranh giới xác định với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh phục vụ cho việc cung ứng dịch vụ offshore tài chính để có thể thu hút một phần giao dịch tài chính trong khu vực.
Dự kiến sau năm 2030, hoặc khi Đà Nẵng có được những điều kiện phát triển nhất định sẽ hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược mở rộng khu TTTC để trở thành một TTTC khu vực.
Các nhà đầu tư trong TTTC có thể xem là nhà đầu tư trong nước và trực tiếp đầu tư vào thị trường trong nước, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn các lĩnh vực kinh tế khác.
Đà Nẵng đã tổng hợp và đề xuất một số nhóm cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn.
Nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhận quyền sử dụng đất để phát triển khu nghỉ dưỡng tích hợp casino và các bất động sản có liên quan đến TTTC Đà Nẵng.
Đối với các nhà đầu tư thứ cấp, đề án đề xuất các cơ chế nhằm giảm thiểu hoặc miễn trừ các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa và sự tự do kinh doanh của các tổ chức kinh tế trong TTTC Đà Nẵng và được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập thấp hơn mức thuế suất thông thường.
Đề án cũng đề xuất cho phép thành lập một sàn chứng khoán mới và chuyên biệt cho các tổ chức kinh tế trong TTTC niêm yết và giao dịch chứng khoán bằng USD hoặc các đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi khác. Chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế TTTC được phép giao dịch trên thị trường này.
Đề án còn đề xuất được sử dụng “thẻ xanh” nhập cảnh (tương tự quyền nhập cảnh của doanh nhân APEC) để giảm thiểu hoặc miễn trừ các thủ tục hải quan tại các sân bay, cảng biển.
Để các chính sách trên đi vào thực tiễn, Đà Nẵng đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết về phát triển TTTC quốc tế tại Việt Nam. Trong đó lựa chọn Đà Nẵng là một trong những địa phương được định hướng trở thành TTTC quy mô khu vực.
Các ngành nghề hoạt động trong TTTC quốc tế Đà Nẵng gồm hai nhóm chính: Thứ nhất là nhóm các ngành nghề trực tiếp liên quan đến tài chính - ngân hàng. Trong nhóm này bao gồm các dịch vụ tài chính truyền thống (dịch vụ tài chính offshore) và nhóm các ngành công nghệ tài chính (fintech); Thứ hai là nhóm các ngành nghề phụ trợ như kiểm toán, luật, xếp hạng tín dụng và các dịch vụ tiện ích cao cấp như khu nghỉ dưỡng, casino, vui chơi giải trí cao cấp, khu tổ chức hội nghị quốc tế, triển lãm, văn phòng hạng A |