Vùng cấm bay (NFZ) là khu vực mà máy bay bị cấm hoặc hạn chế bay, thường vì lý do an ninh - Ảnh minh họa: SARAH GRILLO/AXIOS
Vùng cấm bay là gì?
Theo kênh truyền hình Sky News của Anh, vùng cấm bay (NFZ) là khu vực mà máy bay bị cấm hoặc hạn chế bay, thường vì lý do an ninh.
Lệnh cấm bay có thể được sử dụng trong bối cảnh dân sự như trong các sự kiện lớn như Thế vận hội hoặc vùng trời xung quanh các tòa nhà nhất định.
Ví dụ, một khu vực cấm bay đã được áp dụng vào năm 2022 quanh lâu đài Windsor để hạn chế vĩnh viễn máy bay đến gần nơi này.
NFZ cũng được sử dụng tại các khu vực chiến sự để ngăn máy bay quân sự của đối phương và bảo vệ một lãnh thổ nhất định khỏi bị pháo kích hoặc giám sát.
Máy bay chiến đấu của phe đối lập sẽ đảm bảo tuân thủ quy định về vùng cấm bay bằng cách tuần tra để tìm kiếm và phát hiện bất kỳ máy bay nào vi phạm quy định. Máy bay vi phạm có thể bị buộc phải hạ cánh, bị hộ tống đi và giải pháp cuối cùng là bị bắn hạ.
Biện pháp vùng cấm bay đã được Mỹ, Pháp, Anh sử dụng ở Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 để ngăn chặn nhà lãnh đạo Saddam Hussein tấn công người Kurd và người Hồi giáo Shia của đất nước.
Libya bị áp đặt vùng cấm bay năm 2011 để bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công từ chế độ Gaddafi.
Bosnia bị NATO áp đặt vùng cấm bay từ tháng 4-1993 đến tháng 12-1995.
Vì sao NATO từ chối áp vùng cấm bay với Ukraine?
Câu trả lời là vì khi thiết lập vùng cấm bay, máy bay chiến đấu của phương Tây sẽ xung đột trực tiếp với máy bay Nga, trong tình huống xấu nhất, họ có thể buộc phải bắn hạ các máy bay cố tình vi phạm.
Điều này sẽ dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp giữa các nước NATO với Nga và hậu quả là căng thẳng có nguy cơ lan rộng ngoài tầm kiểm soát.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích khi từ chối yêu cầu của Ukraine vào ngày 4-3: "Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này".
"Chúng tôi, với tư cách là các đồng minh trong NATO, có trách nhiệm trong việc ngăn chặn cuộc chiến này leo thang bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Bởi vì điều đó sẽ còn nguy hiểm hơn, tàn khốc hơn và sẽ gây ra nhiều đau khổ hơn cho nhân loại", ông Stoltenberg giãi bày.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong cuộc họp của NATO ngày 4-3 tại trụ sở NATO ở Bỉ - Ảnh: REUTERS
Mỹ, Anh và mới nhất là NATO đã từ chối thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.
Ngoài ra, cũng có những trở ngại lớn về hậu cần. NATO không chỉ cần quyết định quốc gia nào sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo thực thi vùng cấm bay, mà liên minh này còn phải thiết lập một hệ thống phòng thủ rất phức tạp để giám sát và thực thi nó.
Theo trang Vox.com, trung tá Tyson Wetzel của không quân Mỹ cho biết trước mắt, không quân không có đủ lượng máy bay gần Ukraine để thực hiện một sứ mệnh như vậy.
Quan trọng hơn, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập một vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ khiến NATO trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột mà khối này cố đứng ngoài - vì nó có "khả năng gần 100% là sẽ dẫn đến xung đột vũ trang trực tiếp giữa Mỹ - Nga".
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov cảnh báo Thế chiến 3, nếu xảy ra, sẽ là chiến tranh hạt nhân tàn khốc.
Tổng thống Ukraine cho rằng thiết lập vùng cấm bay là một biện pháp phòng ngừa và không có ý định kéo NATO vào cuộc chiến với Nga.
TTO - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích mạnh mẽ quyết định không thiết lập vùng cấm bay của NATO, cho rằng liên minh đã bật đèn xanh để Nga tiếp tục không kích các thành phố Ukraine.
Xem thêm: mth.62072521150302202-eniarku-o-yab-mac-gnuv-taux-ed-cab-yat-gnouhp-uas-iv/nv.ertiout