Mở đầu phiên giao dịch sáng nay, 7-3, giá vàng miếng SJC bật tăng mạnh thêm 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, đẩy mức giao dịch lên tới 69,6 – 71 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa là phải là mức giá cao nhất trên thị trường. Bởi tại công ty vàng bạc Mi Hồng còn điều chỉnh tăng giá ở cả hai chiều mua và bán lần lượt là 1,5 triệu và 1,9 triệu đồng/lượng so với đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, niêm yết giá mua vào – bán ra hiện ở mức 69,8 – 71,1 triệu đồng/lượng.
Tương tự, công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng đẩy mạnh giá mua vào, với mức tăng tới 2,1 triệu đồng/lượng và giá bán tăng thêm 1,8 triệu đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua, giao dịch mua bán đầu phiên sáng ở mức 69,4 – 71,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, trong 2 tuần qua với đà đi lên thẳng đứng, hiện giá vàng miếng SJC tăng tới gần 8 triệu đồng/lượng, mức lợi nhuận tương đương gần 10% cao hơn cả mức sinh lời của giá vàng miếng trong năm 2021.
Đối với vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn vẫn bám sát đà tăng của giá vàng thế giới. Trong 2 tuần qua chỉ tăng 2 triệu đồng/lượng, hiện giao dịch phổ biến ở mức 55,85 – 56,7 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Trên thị trường thế giới, giá vàng có thời điểm bật lên 2.000 USD/ounce, nhưng sau đó lại quay về quanh ngưỡng 1.992 USD/ounce. Qui đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương khoảng 55,1 triệu đồng/lượng. So với mức giá chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tăng khoảng 20 USD/ounce, tương đương tăng khoảng 550.000 đồng/lượng.
Với mức giá này, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng miếng SJC đã bật lên tới 15,7 triệu đồng/lượng, mức cao chưa từng có.
Thị trường vàng đang có động lực mạnh mẽ khi các nhà đầu tư đổ dồn dòng tiền vào kim loại quý như là kênh trú ẩn toàn trước diễn biến căng thẳng của Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.