Chiều 22-3, Cục Thể dục Thể thao đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Vai trò của thực phẩm bổ sung trong nâng cao thành tích và phòng chống doping cho VĐV thành tích cao". Nhiều tham luận đã được các nhà khoa học, bác sĩ, nhà quản lý thể thao báo cáo tại hội nghị.
VĐV thành tích cao cần sử dụng thực phẩm bổ sung
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, phó viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết khái niệm về thực phẩm bổ sung (dietary supplement) bắt đầu được sử dụng từ sau hội nghị thực phẩm 1994 tại Mỹ.
Thực phẩm bổ sung (TPBS) là nhóm nằm xen giữa nhóm thức ăn thông thường và thuốc. Do vậy, nó có phần đặc tính giống thuốc, có phần giống thức ăn. VĐV có cường độ vận động rất lớn, khẩu phần ăn cần năng lượng cao hơn 5-6 lần so với người không tập luyện. Do đó, khẩu phần ăn tự nhiên khó có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng. TPBS được sử dụng với mục đích bổ sung dinh dưỡng cho các bữa ăn tự nhiên bị thiếu hụt.
Việc VĐV sử dụng TPBS sau đó bị nhiễm chất cấm (doping) là điều đã xảy ra do nhiều nguyên nhân. PGS Nguyễn Xuân Ninh lấy ví dụ: bổ sung sắt ở những người đã có đủ lượng sắt dự trữ có thể dẫn đến các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Lâu dài thành bệnh nhiễm sắt huyết sắc tố sắt mô và suy gan. Ngay cả đồ uống rất thông dụng như cà phê cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, lo âu, tăng nhịp tim.
Cần chọn TPBS phù hợp với nhu cầu của VĐV, môn thể thao, dùng vào thời điểm nào, liều lượng bao nhiêu. Mối lo sợ lớn nhất với VĐV là dùng TPBS vô tình bị nhiễm doping. Một thống kê gần đây của Úc, lấy ngẫu nhiên 600 mẫu thực phẩm đến từ các nước trên thế giới, cho thấy 15% số mẫu có nhiễm các chất tiền hormon cấm sử dụng (doping) không được công bố trên nhãn mác.
Tỉ lệ này còn cao hơn với sản phẩm được sản xuất ở những nước đang phát triển. VĐV Việt Nam, đặc biệt ở môn có nguy cơ cao như cử tạ, thể hình gần đây bị dương tính với doping khá nhiều, trong đó có nguyên nhân từ sử dụng TPBS.
Ngày càng nhiều VĐV dương tính với doping
Trong báo cáo "Một số vấn đề cấp bách về phòng chống doping trong thể thao tại Việt Nam", GS Lê Quý Phượng (ủy viên Hội đồng Y học Ủy ban Olympic châu Á) thống kê từ năm 2003 đến nay đã có 48 VĐV Việt Nam bị phát hiện dương tính với doping.
Cụ thể, trước SEA Games 31 năm 2022 có 19 VĐV bị dương tính, trong đó có cả VĐV từng giành HCB Olympic (lực sĩ Hoàng Anh Tuấn - PV). Trong quá trình chuẩn bị SEA Games 31 có 6 VĐV thể hình có kết quả dương tính với doping. Tại SEA Games 31, Việt Nam có 6 mẫu thử dương tính của 5 VĐV (1 VĐV có 2 mẫu thử). Tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022 có 17 mẫu thử dương tính với doping. Mới đây nhất, 1 VĐV aerobic vừa phải nhận án phạt vì doping.
GS Lê Quý Phượng khẳng định doping là câu chuyện của thể thao toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định công nghệ phòng chống doping đi sau công nghệ doping khoảng 10 năm. Vì vậy chống lại doping là một cuộc chiến hết sức phức tạp. Năm 2017, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã chi cho việc chống doping 300 triệu USD/năm.
Các nhà khoa học cho rằng nếu như trước đây việc dùng doping có thể do VĐV thiếu hiểu biết nhưng giờ lý do này không còn thuyết phục. Chế tài không đủ mạnh, kiểm tra doping ngẫu nhiên còn hạn chế (do thiếu kinh phí), hạn chế trong cơ sở vật chất phòng chống doping... là nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều VĐV dương tính với doping tại Việt Nam.
Ông Đặng Hà Việt, cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, cho biết TPBS và chống doping là việc rất quan trọng với thể thao. Dù vậy, VĐV, HLV, nhà quản lý còn nhiều lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện vì thiếu kinh phí, thiếu kiến thức và công nghệ. Để phát triển thể thao thành tích cao, chỉ ăn không chưa đủ, VĐV cần được sử dụng các thực phẩm hỗ trợ chất lượng, an toàn.
VĐV được hưởng 4.000 - 19.000 đồng/ngày tiền thực phẩm hỗ trợ
Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa (Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao TP.HCM) cho biết năm 2023 tổng kinh phí sử dụng TPBS của 32 môn thể thao TP là 3,05 tỉ đồng. Kinh phí trung bình là 3,9 triệu đồng/VĐV/năm, từ 4.000 - 19.000 đồng/VĐV/ngày.
Mức chi này quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu của VĐV cũng như khiến nhà quản lý không thể xây dựng kế hoạch dinh dưỡng theo chu kỳ, giai đoạn huấn luyện. Dù vậy, mức chi này của TP.HCM đã được đánh giá là cao hàng đầu trong các địa phương cả nước.
Theo thông báo từ Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG), nữ VĐV aerobic Trần Hà Vi của Việt Nam bị cấm thi đấu trong vòng 24 tháng vì dương tính với doping.