Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để chẳng những những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước kỳ vọng vào ĐBSCL sớm thành hiện thực, mà còn để những khát khao, những giấc mơ của mấy chục triệu người dân ĐBSCL về cuộc sống sung túc không còn xa vời.
Đây cũng là khát khao của hầu hết lãnh đạo vùng ĐBSCL đã được nêu ra trong loạt bài trả lời phỏng vấn trên Pháp Luật TP.HCM tuần qua.
Để có dấu mốc trên, việc quy hoạch ĐBSCL đã được đặt ra từ lâu nhưng có nhiều lý do chưa thực hiện được.
ĐBSCL có vai trò quan trọng, là “hậu phương”, “vùng động lực” phát triển kinh tế - xã hội trong chiến lược phát triển đất nước đã được khẳng định từ lâu. Và tháng 6-2014, Thủ tướng tiếp tục khẳng định trong quyết định “Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Trong đó, Thủ tướng đặt mục tiêu là tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL lên tầm quốc gia và khu vực. Phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, cân bằng giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Phát triển vùng theo các chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tiếp đến, tháng 11-2017, Chính phủ có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (thường được gọi là “Nghị quyết Thuận thiên”), tiếp tục với những mục tiêu trước đó.
Tuy nhiên, những mục tiêu đó chưa thật sự thành hiện thực vì thiếu quy hoạch chung và mãi đến đầu năm 2019, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, các cơ quan chức năng mới thật sự bắt tay vào quy hoạch vùng ĐBSCL, trong đó phải kể đến quyết định giao nhiệm vụ cụ thể ở quyết định “Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vào tháng 7-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài vấn đề nguồn lực thì mục tiêu chính của việc lập quy hoạch ĐBSCL còn tham vọng “giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển vùng ĐBSCL”. Trong đó, tinh thần “thuận thiên” được ưu tiên. Vấn đề an ninh lương thực, hạ tầng, chuyển đổi mô hình phát triển và quản lý tài nguyên được đặt ra cụ thể.
Trong quyết định, Thủ tướng nêu rõ: “Cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ phương hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia; là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch”.
Bộ KH&ĐT khi thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch ĐBSCL cảm thấy có nhiều thuận lợi. Bởi chính cơ quan này chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch và tinh thần “tích hợp” được vận dụng rất sát. Năm 2020, khi nói về dự thảo Quy hoạch ĐBSCL, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ: “Điểm quan trọng nhất của dự thảo Quy hoạch ĐBSCL này chính là sự đồng thuận từ trung ương đến địa phương. Trong đó cần sự đồng thuận cơ bản của 13 tỉnh ĐBSCL về định hướng phát triển mà dự thảo kế thừa từ các văn bản của Đảng, Chính phủ”.
Tất nhiên, không hẳn mọi vấn đề đều được 13 tỉnh ĐBSCL đồng thuận và qua những biến động không chỉ trong nước, mà cả trên thế giới, tính chất liên vùng, tính “tích hợp” dần dần thuyết phục được các lãnh đạo địa phương trong vùng và đề ra được những giải pháp để tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng...
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các mục tiêu trong quy hoạch đều dựa trên nguyên tắc xuyên suốt là “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển và bảo vệ môi trường” và ông có tham vọng “Bản quy hoạch ĐBSCL trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác”.
Mong rằng các mục tiêu hướng đến phồn vinh, thịnh vượng, hướng đến con người trong quy hoạch ĐBSCL sớm thành hiện thực...