Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 2 năm qua, chị Nguyễn Thị Hậu (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) phải chuyển từ nghề hướng dẫn viên du lịch thành một giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Chị Hậu cho biết bản thân còn may mắn so với nhiều đồng nghiệp thất nghiệp hoặc làm công việc hoàn toàn trái chuyên ngành.
"Mình cảm thấy may mắn vì kiếm được một công việc mới có thu nhập ổn định thay cho công việc chính. Du lịch mở cửa trở lại thì ai cũng vui nhưng cũng lo, vì liệu tình hình này có chắc được lâu dài hay không", chị Hậu nói.
Chị Hậu chuyển từ nghề hướng dẫn viên du lịch thành giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Ảnh: BT.
Qua tìm hiểu của PLO, đầu năm 2022, lượng khách đến Đà Nẵng du lịch tăng. Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn liên tiếp đăng tin tuyển dụng nhân sự nhưng đến nay chỉ tuyển được rất ít so với nhu cầu.
Bà Ngô Thị Hương, Phó giám đốc khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho hay, thời gian qua nhiều khách sạn bắt đầu mở cửa trở lại và bắt đầu tuyển dụng, tuy nhiên đã xuất hiện dấu hiệu khan hiếm nguồn nhân lực.
"Một phần nhân lực của ngành khách sạn, du lịch đã đi làm việc khác sau thời gian nghỉ dịch", bà Hương nói.
Thời điểm dịch bệnh tái bùng phát hồi cuối tháng 4-2021, có khoảng 42.000 lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp trong ngành du lịch lâm vào cảnh thất nghiệp, hoặc chuyển sang làm nghề khác.
Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng mới chỉ tuyển được 50% nhân sự so với nhu cầu thực tế. Ảnh: BT.
Về vấn đề thiếu hụt lao động ngành du lịch, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, hiện tại số lượng khách sạn mới mở được khoảng 30%, tỉ lệ kín phòng rất thấp chỉ từ 15%-25% nên nhu cầu nhân sự bây giờ vẫn chưa cao.
"Tuy nhiên, với lượng du khách ngày càng tăng, đặc biệt Đà Nẵng quay laị thời kỳ du lịch nhộn nhịp, nếu không có sự chuẩn bị trước về vấn đề tuyển dụng thì đội ngũ nhân sự sẽ rất thiếu", ông Quỳnh nói.
Được biết, TP Đà Nẵng đã phối hợp cùng doanh nghiệp triển khai các chính sách đối với lao động trong lĩnh vực du lịch như: cho vay không thế chấp để giúp người lao động giữ được "lửa nghề". Sau khi dịch qua, du lịch phục hồi thì nguồn nhân lực này sẽ quay lại, thế nhưng đang có sự chuyển dịch việc làm từ khối du lịch sang các ngành khác có thu nhập có thể thấp hơn nhưng ổn định.
Về giải pháp bổ sung nguồn nhân lực cho du lịch, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi trên cơ sở phối hợp giữa chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo lại cho người lao động để họ sớm trở lại làm việc".