Nhà thầu đưa máy đào vào thi công tại di tích tháp Bánh Ít - Ảnh: TTXVN
Đoàn kiểm tra đã đề nghị chủ đầu tư là Sở Văn hóa - thể thao Bình Định cùng các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công dự án này bằng máy cơ giới.
Cụ thể, trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng máy đào để đào một khối bê tông ở phía đông và san gạt sân phía trước cũng như khuôn viên của tháp chính.
Trong khi đó, theo hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công phần công trình này phải bằng phương tháp thủ công và máy đầm đất cầm tay.
Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong quá trình thi công xây dựng tiếp theo phải thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt và có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng di tích.
Thanh tra Sở Xây dựng Bình Định yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thi công xây dựng công trình và công tác an toàn lao động trên công trường để cơ quan chức năng kiểm tra theo dõi, chậm nhất vào ngày 7-3.
Tuy nhiên, ông Trần Viết Bảo cho biết, đến chiều 8-3, theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng, nhà thầu thi công dự án này vẫn chưa cung cấp hồ sơ pháp lý có liên quan để kiểm tra. "Điều này không có nghĩa là họ không có hồ sơ pháp lý.
Mục đích cung cấp hồ sơ là để xem xét các vấn đề liên quan đến hồ sơ thiết kế được phê duyệt và thực tế họ thi công tại hiện trường có đúng không. Ví dụ như: phạm vi, ranh giới, biện pháp thi công các hạng mục có được phép sử dụng máy móc hay không, được sử dụng loại máy móc nào, vật liệu nào...", ông Bảo nói.
Nhiều hạng mục công trình tại dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít được xây dựng nhưng vừa bị tháo dỡ - Ảnh: TTXVN
Ghi nhận tại công trình dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít vào sáng 8-3, nhà thầu thi công đã đưa các loại máy đào ra khỏi phạm vi công trình.
Các hạng mục xây dựng như: sân phía trước tháp chính, bồn hoa xung quanh các chân tháp, đường dẫn vào các tháp, tường rào xung quanh khuôn viên tháp… đang được xây dựng dang dở. Một số hạng mục đã xây dựng nhưng phải đập bỏ, tháo dỡ. Chân các tháp bị hổng do quá trình đào đất, san gạt.
Tháp Bánh Ít khi chưa triển khai thi công dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo - Ảnh: TTXVN
Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9-2021 với tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỉ đồng.
Dự án sẽ thực hiện đầu tư: Hoàn thiện đường nội bộ bằng bê tông, lát đá có chít mạch hồ kéo dài liên tục qua đoạn cổng chính; Tháo dỡ nhà vệ sinh cũ để tạo sự thông thoáng cảnh quan khuôn viên; Xây dựng khu nhà chức năng (nhà dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, thường trực, bảo vệ, vệ sinh; Thiết kế, bài trí hiện vật theo mô hình mỹ thuật, kiến trúc Chămpa; Di dời đường điện trung thế băng qua khu vực di tích; Làm hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 28-12-2021 và dự kiến hoàn thành trong tháng 6/-2022.
Để việc thi công đảm bảo tiến độ, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng phục vụ, đón khách đến tham quan, nghiên cứu tại Di tích Tháp Bánh Ít kể từ ngày 5-3-5-4-2022.
Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc) nằm trên địa phận xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.
Tháp Bánh Ít là quần thể đền tháp có số lượng nhiều nhất hiện còn ở Bình Định gồm 4 tháp: Tháp Cổng, Tháp Hỏa, Tháp Bia và Tháp Chính. Cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982.
TTO - Với niên đại trên 500 năm tuổi, Tháp Am tại thôn Quang Trung, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh lưu giữ hồn cốt kiến trúc cổ xưa, là một trong những công trình độc đáo cổ còn sót lại tại địa phương.
Xem thêm: mth.50371657180302202-ioig-oc-yam-gnab-ti-hnab-paht-hcit-id-ob-ut-na-ud-gnoc-iht-gnugn/nv.ertiout