Ngày 7/12/1941, Hải quân Nhật Bản bất ngờ đánh úp Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng (Quần đảo Hawaii) làm hơn 2.300 người Mỹ thiệt mạng và nhiều tàu chiến bị chìm. Đây cũng là lần duy nhất đất Mỹ bị chiến tranh tàn phá trong suốt thế kỷ 20.
Nhiều binh sĩ Mỹ tử trận trong hai cuộc đại chiến thế giới, chiến tranh ở Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, … nhưng lãnh thổ Mỹ luôn được an toàn. Trong khi châu Âu hai lần bị chiến tranh tàn phá và phải tái thiết từ đống tro tàn, Mỹ lại có thể phát triển kinh tế, giáo dục, chính trị trong yên bình, trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Mỹ đạt được thành tựu này là nhờ vào vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi. Hai nước duy nhất giáp biên giới với Mỹ là Mexico ở phía nam và Canada ở phía bắc đều có quy mô dân số và nền kinh tế tương đối nhỏ, vì vậy sức mạnh quân sự không đủ để đe dọa Mỹ.
Mexico đa phần là sa mạc khô cằn, Canada là một vùng gần cận cực lạnh lẽo. Khí hậu ở cả hai nước đều khắc nghiệt, giao thông nội địa khó khăn, không phù hợp để triển khai hoạt động quân sự quy mô lớn.
Ngược lại, Mỹ không chỉ có diện tích rộng lớn mà khí hậu còn tương đối thuận lợi cho cây trồng. Sông Mississipi nối liền 10 bang, giúp cho giao thương đường thủy nội địa trở nên dễ dàng khi chưa có hệ thống đường xá hiện đại.
Trong khi phía bắc và phía nam là những người hàng xóm tương đối hiền lành thì phía đông và tây nước Mỹ lại là đại dương bao la. Một đội quân muốn xâm lược Mỹ sẽ phải vượt qua hàng nghìn cây số đường biển, áp lực lên hệ thống hậu cần là cực kỳ lớn, quân sỹ mệt mỏi mất sức chiến đấu.
Trong thời kỳ hai cuộc đại chiến thế giới cũng như trong nội chiến 1861 – 1865, không nước nào tấn công Mỹ một phần cũng vì cách biệt về địa lý.
Việc tiếp giáp với hai đại dương không chỉ giúp Mỹ an toàn mà còn tạo điều kiện mở rộng giao thương với thế giới bên ngoài và khuếch đại sức mạnh hải quân.
Trong nhiều thế kỷ, hàng hải là phương thức nhanh nhất và rẻ nhất khi vận chuyển hàng hóa đi đường dài. Ngày nay hàng hải chịu thua hàng không về tốc độ nhưng vẫn là số một về tiết kiệm chi phí và tải trọng.
Sở dĩ nước Anh có thể trở thành siêu cường trong thế kỷ 18-19 với hệ thống thuộc địa rộng tới mức "Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh" cũng là nhờ tiếp giáp biển và có hải quân hùng mạnh. Tuy nhiên, bản thân nước Anh có diện tích nhỏ và ít tài nguyên hơn Mỹ nên khi các thuộc địa giành được độc lập, sức mạnh của Anh cũng thoái trào.
Nhật Bản mạnh lên trong thời kỳ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 cũng là nhờ chính sách mở cửa đất nước của Thiên Hoàng Minh Trị nhằm giao thương đường biển với Phương Tây.
Tháng 12/1941, Nhật Bản tấn công Mỹ tại Trân Châu Cảng cũng có một phần quan trọng vì các yếu tố địa lý.
Nhật Bản là một đất nước ít tài nguyên và phụ thuộc và nguồn cung dầu mỏ từ Mỹ để nuôi cỗ máy chiến tranh. Sau khi Nhật chiếm thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, Mỹ đóng băng tất cả tài sản của Nhật và cấm xuất khẩu dầu sang Nhật, tương tự như Mỹ làm với Nga đầu năm 2022.
Nhật quyết tâm đánh chiếm toàn bộ khu vực Đông Nam Á để lấy các tài nguyên thiên nhiên thiết yếu, nhưng lại e ngại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng cũng như quân Mỹ đồn trú ở Philippines sẽ cản trở. Vì vậy, Nhật bất ngờ đánh đòn phủ đầu để tiêu diệt sức mạnh hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, qua đó kéo Mỹ vào Thế chiến thứ 2.
Có thể thấy, những diễn biến và sự kiện lớn trong lịch sử thế giới chịu ảnh hưởng đáng kể của yếu tố địa lý, và lịch sử của nước Nga cũng không phải ngoại lệ.
Nước Nga rộng lớn với điểm yếu chí mạng
Nước Nga ngày nay và Liên bang Xô viết trước đây đều là quốc gia rộng lớn nhất thế giới với nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ về dầu mỏ, khí đốt, quặng kim loại, …
Phía bắc của Nga là vùng cực lạnh lẽo, không có mối đe dọa về quân sự. Phía đông gần với Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên. Phía nam giáp với Kazhakstan.
Nếu các nước này xâm lược Nga thì sẽ phải băng qua hoang mạc Siberia rộng hàng nghìn cây số dưới điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, sau đó lại phải vượt qua núi Ural hoặc biển Caspi để đến được khu vực châu Âu của nước Nga.
Nga hiện có dân số hơn 140 triệu người, trong đó khoảng 110 triệu sống trong 1/4 diện tích đất nước ở phía tây dãy Ural. Vì vậy có thể khẳng định đa phần lực lượng dân số Nga không cần lo lắng về nguy cơ xâm lược từ phía đông và nam.
Tuy nhiên, mặt phía tây lại là một câu chuyện khác khi đa phần địa hình đều là các bình nguyên cò bay thẳng cánh, không có bất kỳ lá chắn địa lý tự nhiên nào để bảo vệ thủ đô Moscow và các trung tâm dân cư khác.
Napoleon năm 1812, Đức trong Thế chiến thứ nhất rồi lại là Đức trong Thế chiến thứ hai đều tấn công Nga (Liên Xô) từ phía tây.
Năm 1941, Liên Xô điều động 32 sư đoàn từ vùng Viễn Đông về bảo vệ Moscow cũng là bởi vì cảm thấy phía đông không có mối đe dọa nào lớn trong khi ở phía tây, phát xít Đức đang tiến như vũ bão trên những con đường bằng phẳng.
Tổng thống Vladimir Putin ý thức rõ hơn ai hết điểm yếu của Nga ở phía tây nên ông luôn kịch liệt phản đối việc mở rộng liên minh quân sự NATO ở châu Âu.
Cuối năm 2021, ông Putin đòi NATO phải chấm dứt tư cách thành viên của các nước kết nạp sau năm 1997 và ở gần Nga như Ba Lan, Latvia, Romania, Slovakia, Hungary, …
"Chiến dịch quân sự đặc biệt" mà ông Putin phát động ở Ukraine từ ngày 24/2/2022 cũng có một phần nguyên nhân là ngăn chặn sự bành trướng của NATO tới biên giới phía tây dễ bị tổn thương của nước Nga.
Gần 38.000 km bờ biển nhưng vẫn thiếu cảng
Nga có 38.000 km bờ biển tiếp giáp với ba đại dương là Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Điều trớ trêu là Nga không có cảng nước ấm nào lớn.
Đa phần đường bờ biển phía bắc thường đóng băng nhiều tháng trong năm và do vậy không thể tiếp nhận tàu thuyền. Cảng Vladivostok ở Thái Bình Dương và cảng St. Petersburg ở Biển Baltic cũng đông cứng trong mùa đông. Cảng Novorossiysk ở Biển Đen không bị băng tuyết bao phủ nhưng quy mô tương đối nhỏ.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn với Nga là các cảng này đều rất khó tiếp cận, đặc biệt là trong thời chiến.
Tàu thuyền ở Đại Tây Dương sẽ phải đi qua eo biển Gibraltar để vào Địa Trung Hải, sau đó qua eo biển Bosporus và Dardanelles để vào được Biển Đen, đường đi vòng vèo rất dài chứ không theo đường thẳng thuận lợi như các cảng của Mỹ.
Những eo biển hẹp kể trên lại nằm sát bên các quốc gia NATO như Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Nga gây hấn với NATO, tàu thuyền của Nga sẽ không thể yên ổn qua lại các tuyến đường giao thông huyết mạch độc nhất này.
Thậm chí trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố không cho tàu chiến đi qua eo Bosporus và Dardanelles, khiến hạm đội Biển Đen của Nga không thể ra vào. Nga có thể chiếm được bán đảo Crimea cùng căn cứ hải quân ở Sevastopol nhưng rốt cuộc vẫn chỉ ở trong một cái ao chứ chưa thể vươn ra đại dương.
Thành phố cảng St. Petersburg thì nằm sâu trong Vịnh Phần Lan, tàu thuyền muốn ra đến Đại Tây Dương phải đi qua eo biển Đan Mạch – một nước thành viên NATO.
Trong Thế chiến thứ hai, phát xít Đức đã giăng một tấm lưới thép ngang qua Vịnh Phần Lan, chặn đứng đường đi của tàu ngầm Liên Xô. Máy bay Đức kiểm soát bầu trời, không cho tàu nổi rời khỏi cảng. Kết quả là Hạm đội Baltic của Liên Xô bị giam lỏng hơn một năm, không thể tham chiến.
Cảng Vladivostok lại nằm trong vùng Biển Nhật Bản. Tuy Nhật Bản không phải là thành viên của NATO nhưng có quan hệ hợp tác chặt chẽ và là đồng minh thân thiết với Mỹ, có căn cứ quân sự của Mỹ.
Nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ và NATO có thể dễ dàng cắt đứt đường ra đại dương của Nga. Thống kê bên trên cho thấy 18 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều là những nước giáp biển, đây không phải là điều ngẫu nhiên. Giao thương đường biển giúp các quốc gia dễ phát triển nền kinh tế.
Nga hiện nay đã bất lợi hơn so với Mỹ khi thiếu cảng lớn, đường vào khó khăn do phải đi vòng vèo qua các eo biển chật hẹp. Nếu Nga bị mất hoàn toàn khả năng đi ra đại dương, nền kinh tế sẽ càng lụn bại hơn sau khi chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Phương Tây.